29/01/2023 - 18:12

Ukraine trở thành “phòng thí nghiệm” vũ khí 

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Cách đây không lâu khi Ukraine giành lại những vùng lãnh thổ rộng lớn trong một loạt cuộc phản công, binh sĩ nước này đã tấn công lực lượng Nga bằng lựu pháo và tên lửa do Mỹ sản xuất. Song, phần mềm điều khiển số lựu pháo đó chính là hệ thống nhắm mục tiêu mà quân đội Ukraine “tự chế” trên chiến trường.

Binh sĩ Ukraine sử dụng súng máy phòng không tự chế để bắn hạ UAV của Nga. Ảnh: CNN

Theo CNN, hệ thống do Ukraine phát triển nói trên đã biến máy tính bảng và điện thoại di động thông minh sẵn có thành công cụ nhắm mục tiêu tinh vi được sử dụng rộng rãi trong quân đội Ukraine. Là một ứng dụng di động giúp đưa hình ảnh vệ tinh và hình ảnh tình báo vào thuật toán nhắm mục tiêu theo thời gian thực, hệ thống giúp các đơn vị ở gần tiền tuyến bắn trực tiếp vào các mục tiêu cụ thể. Do chỉ là một ứng dụng chứ không phải một phần cứng nên binh sĩ Ukraine có thể dễ dàng cập nhật và nâng cấp nhanh chóng. Giới chức Mỹ cho rằng hệ thống này có hiệu quả cao trong việc hướng hỏa lực của pháo binh Ukraine vào các mục tiêu của Nga.

Thật ra, ứng dụng nói trên chỉ là một trong số hàng chục ví dụ về những đổi mới trên chiến trường mà Kiev đã đưa ra trong gần một năm sau khi Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt”. Trong số đó gồm máy bay không người lái (UAV) bằng nhựa chuyên thả lựu đạn và thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhắm vào quân đội Nga, cũng như các máy in 3D chuyên tạo ra phụ tùng thay thế để binh sĩ Ukraine có thể tự sửa chữa các thiết bị hạng nặng ngay tại chiến trường. Không những vậy, các kỹ thuật viên Ukraine đã biến những chiếc xe bán tải thông thường thành bệ phóng tên lửa di động, trong khi các kỹ sư tìm ra cách gắn các tên lửa tinh vi của Mỹ lên các máy bay chiến đấu cũ của Liên Xô như MiG-29, giúp duy trì hoạt hoạt động của lực lượng không quân Ukraine sau nhiều tháng chiến tranh. Ukraine thậm chí còn phát triển vũ khí chống hạm riêng của nước này gọi là Neptune dựa trên thiết kế tên lửa của Liên Xô, có thể nhắm mục tiêu vào hạm đội Nga từ khoảng cách hơn 320km.

Sự sáng tạo nói trên của Ukraine gây ấn tượng mạnh đối với giới chức Mỹ. Họ hết lời ca ngợi khả năng của Kiev trong việc đưa ra các giải pháp nhằm lấp đầy những khoảng trống chiến thuật quan trọng do vũ khí lớn hơn, tinh vi hơn của phương Tây để lại. Một số quan chức và nhà phân tích nguồn mở còn nói rằng Ukraine trở thành “phòng thí nghiệm” thực sự cho các giải pháp rẻ nhưng lại hiệu quả. Dẫn một nguồn thạo tin tình báo phương Tây, CNN nhận định rằng Ukraine “thực sự là một phòng thí nghiệm vũ khí vì không vũ khí nào trong đó từng được các nước công nghiệp phát triển đưa ra chiến trường”.

Ukraine cũng đã có những đổi mới về chiến thuật khiến phương Tây ấn tượng. Trong những tuần đầu xung đột nổ ra, các chỉ huy Ukraine điều nhiều nhóm bộ binh nhỏ để chặn đà tiến quân của Nga vào thủ đô Kiev. Mang theo tên lửa vác vai Stinger và Javelin, quân Ukraine có thể đánh lén xe tăng Nga mà không cần bộ binh ở hai bên sườn. “Sự đổi mới của họ cực kỳ ấn tượng” - Seth Jones, Giám đốc Chương trình An ninh Quốc tế tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS),
nhận định.

Theo CNN, cuộc chiến ở Ukraine cũng mang đến cho Mỹ và đồng minh cơ hội hiếm có để nghiên cứu xem các hệ thống vũ khí của họ hoạt động như thế nào ở cường độ cao, cũng như những loại đạn mà hai bên sử dụng để giành lợi thế trong cuộc chiến khốc liệt này. Giới chức xứ cờ hoa cũng theo dõi mức độ thành công của Nga trong việc sử dụng UAV giá rẻ từ Iran để phá hỏng lưới điện của Ukraine.

Ðối với quân đội Mỹ, cuộc chiến ở Ukraine là nguồn dữ liệu quan trọng để đánh giá hiệu quả vũ khí của họ. Theo nghiên cứu gần đây của một tổ chức tư vấn tại Anh, một số hệ thống hiện đại mà Mỹ chuyển cho Ukraine, như UAV Switchblade 300 và tên lửa được thiết kế để nhắm mục tiêu các hệ thống radar của đối phương, trên chiến trường hóa ra lại kém hiệu quả hơn dự đoán. Trong khi đó, hệ thống pháo phản lực cơ động cao M142 (HIMARS) do Mỹ sản xuất đang giữ vai trò quan trọng trong thành công của Ukraine.

Chia sẻ bài viết