30/03/2014 - 00:37

Tưởng gần mà lại hóa xa…

Nghệ thuật sân khấu cải lương, vọng cổ rất cần những nghệ sĩ có tâm với nghề, luôn coi sân khấu là “thánh đường nghệ thuật” như NSƯT Út Bạch Lan. Ảnh: NSƯT Út Bạch Lan trong chương trình “Dạ cổ tri âm” tại Cần Thơ. Ảnh: DUY KHÔI

Trong chương trình “Nghệ sĩ và tri âm” do Đài PT-TH Long An sản xuất, truyền hình trực tiếp trên kênh LA34 mới đây, nghệ sĩ Kim Tử Long đã mở màn bằng tiết mục gây “sốc”: ca tân cổ giao duyên bài “Teen vọng cổ”, nhạc Trần Anh Khôi, soạn giả Tô Thiên Kiều viết lời vọng cổ. Sau phần tân nhạc “cưa sừng làm nghé” với những ca từ hết sức vô vị, Kim Tử Long vào vọng cổ cũng với những từ ngữ sáo rỗng không kém. Ngôn ngữ “teen” liên tục lặp đi lặp lại trong 4 câu vọng cổ khiến người nghe rất khó chịu: “Tỏ tình bằng câu vọng cổ bộ lạ lắm sao mà teen ngẩn ngơ nhìn?” hay “Bởi teen gieo nhớ gieo thương nên lúc vắng teen thấy lòng trống trải”…

Sau đó, chúng tôi tìm thấy trên trang Youtube bài tân cổ này do Kim Tử Long diễn trên một sân khấu khác. Trước khi hát, chính Kim Tử Long còn tâm sự: “Mỗi lần hát bài này Kim Tử Long rất là mắc cỡ, mắc cỡ vì nó không phù hợp với mình”. Người xem lonelysheep89 đã viết trong phần bình luận dưới đoạn phim: “Nghệ thuật cổ truyền của dân tộc sao lại biến tướng thế!!!”

Sở dĩ nhiều người xem bức xúc là vì ca khúc “Vọng cổ teen” do Vĩnh Thuyên Kim trình bày từng bị xem là “thảm họa nhạc Việt”, nhạo báng, làm mất đi vẻ đẹp của bài vọng cổ - vốn là tiếng lòng của người phương Nam. Vậy nhưng không hiểu sao soạn giả Tô Thiên Kiều - tác giả khá nổi tiếng trong làng cổ nhạc, có nhiều tác phẩm giá trị - lại còn viết lời vọng cổ cho bản tân cổ giao duyên thành “thảm họa kép”.

Trong một chương trình ca cổ mới đây của Đài PT-TH K.G, đôi song ca Trung Khánh - Ngọc Nhung hát bài vọng cổ “Chợ Mới quê anh” của tác giả T.C. Nghe bài hát, nhiều người “vừa tức vừa cười” vì ca khúc có cách ngắt nhịp, buông hơi gần giống với bài ca cổ nổi tiếng “Chợ Mới” của soạn giả Trọng Nguyễn. Nội dung là chuyện tình “tiếp nối” của đôi trai gái sau khi đi dự đám cưới của chị Hồng - anh Tâm (hai nhân vật trong bài ca cổ “Chợ Mới”). Những ca từ gượng ép, dựa hơi bài ca cổ nổi tiếng lại được dàn dựng trong một chương trình đại chúng khiến khán giả bức xúc.

Việc tìm lối đi mới để vọng cổ, cải lương tiếp cận công chúng là điều rất nên làm. Việc cải tiến, cách tân để cổ nhạc gần hơn với khán giả rất đáng trân trọng. Thực tế, trong lịch sử phát triển, cổ nhạc Nam bộ đã có nhiều lần cách tân, tạo nên sức sống mới như: nâng nhịp, đưa bài bản, lý Nam bộ vào bài vọng cổ; viết lời vọng cổ cho ca khúc tân nhạc - tân cổ giao duyên…

Tuy nhiên, việc cách tân, cải tiến một cách vô tội vạ hiện nay lại đang lệch chuẩn, khiến vọng cổ, cải lương méo mó trong cái nhìn của người trẻ. Thật đáng trách khi biến vọng cổ thành thứ giải trí rẻ tiền, mua vui cho một bộ phận công chúng hiếu kỳ!

ĐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết