29/10/2017 - 17:01

Tuổi trẻ sống nghị lực 

Dù cuộc sống nhiều khó khăn nhưng nhiều học sinh, sinh viên đã không đầu hàng nghịch cảnh. Các em luôn vững tin: chỉ có con đường học hành mới có thể thay đổi cuộc đời.

Vượt khó

Vòng quanh những con đường ở ấp Nhơn Bình A, xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền, chúng tôi mới tìm được nhà của em Phạm Thanh Tân, học sinh lớp 12C4, Trường THPT Phan Văn Trị. Căn nhà của Tân lụp xụp, vách nhà rệu rã, được che chắn tạm bợ bằng mấy tấm ni lông. Hiện tại, Tân sống cùng mẹ vì cha em mất cách đây 3 tháng.

Trước đây, mỗi ngày cha Tân mua hai cây nước đá rồi chèo xuồng đi bán dạo ở các con rạch, kiếm khoảng 30.000-40.000 đồng. Từ ngày cha qua đời, cuộc sống của Tân càng khốn khó. “Buổi sáng, em chỉ ăn cơm nguội đi học. Hôm nào học hai buổi thì em tranh thủ đạp xe khoảng 45 phút trở về nhà ăn cơm rồi quay lại trường. Vài ngày em mới xin mẹ 5.000 đồng để bơm, vá xe” – Tân cho biết.

Gia đình Tân thuộc diện hộ nghèo, không có đất sản xuất nên những năm qua việc học của Tân rất khó khăn. Hằng năm, Tân đều đi xin sách cũ để học, quần áo chỉ có hai bộ thay đổi. Dù cuộc sống vất vả nhưng Tân rất có ý chí học tập. Khi vào lớp 10, Tân còn bỡ ngỡ với môi trường mới nên chỉ đạt loại trung bình. Nhưng năm lớp 11, Tân đã vươn lên đạt loại khá. Tân cho biết, em muốn học ngành Luật để sau này có một công việc ổn định, giúp đỡ cho mẹ.

Hôm chúng tôi đến, dù trời chiều đổ mưa nhưng Tân chuẩn bị đi bắt ốc bươu. Những ngày đi học buổi sáng thì chiều về Tân trầm mình dưới các con mương, con rạch để bắt ốc. “Ốc ngày càng ít nên em phải đi xa. Cố gắng lắm, mỗi ngày bán được chừng 20.000-30.000 đồng. Gạo thì mẹ con em đi xin ở các chương trình từ thiện. Điều em lo nhất là không biết sức khỏe của mẹ em sau này thế nào” – Tân nói.

Nhiều năm nay, bà Trương Thị Hát - mẹ của Tân, bị bệnh thận ứ nước, thoái hóa cột sống… nhưng do không có tiền nên bà ráng gượng qua từng ngày. Cuộc sống khó khăn, buổi cơm của hai mẹ con thường chỉ có cơm trắng và mấy con ốc bán không ai mua, món sang nhất là trứng vịt chiên hoặc luộc. Tuy vậy, bà Hát vẫn vui vì Tân luôn chăm ngoan, cố gắng đi học và rất hiếu thảo.

Cô Nguyễn Thị Trinh, Bí thư Đoàn trường THPT Phan Văn Trị, chia sẻ: “Khi biết hoàn cảnh của Tân, chúng tôi đã tham mưu cho Ban Giám hiệu trường có biện pháp hỗ trợ em. Riêng Đoàn trường, Chi đoàn giáo viên cũng vận động, đóng góp để giúp Tân an tâm học tập. Tôi mong các nhà hảo tâm sẽ đồng hành giúp Tân vượt qua khó khăn, có một chỗ ở ổn định…”.

Chánh Thái ước mơ làm thầy giáo để có thể giúp nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Gian nan đường đến trường

Nhà ở cách trường chưa tới 4km nhưng Nguyễn Đặng Chánh Thái  (sinh viên ngành Sư phạm Toán khóa 42 Trường Đại học Cần Thơ) mất hơn 30 phút đi học. Bởi Thái cận tới 26 độ, khoảng cách nhìn rõ khoảng 20cm, nhìn mờ mờ xa nhất là 1m. Mấy năm qua, Chánh Thái ngã xe rất nhiều lần, có khi phải nghỉ học mấy ngày. Đó là chưa kể nhiều lần Thái va quẹt với người đi đường.

Thời học trung học phổ thông, Thái phải lên sát bảng để có thể thấy chữ thầy cô viết. Vào đại học, Thái nhờ bạn bè dùng điện thoại chụp lại những bài tập, câu tóm ý bài của giảng viên rồi gởi qua mạng xã hội. Sau đó, Thái vào phòng máy vi tính ở trường hoặc ra tiệm internet để phóng lớn hình ảnh lên xem rồi học bài. Mỗi lần thi, giảng viên phải sao chép đề ra tờ giấy A3 cho Thái.

Căn nhà rộng 9m2 là nơi ở của Chánh Thái, cha, mẹ và em gái. Mẹ Thái – bà Đặng Thị Thùy Trang, bị bệnh mắt cườm nước nhưng không có tiền điều trị, đành để vậy. Đến nay, một bên mắt của bà Trang không nhìn thấy gì nữa. Cha Thái thì làm phụ hồ với tiền công 130.000 đồng/ngày.

Lúc mắt chưa bị cận nhiều, Thái xin làm nhân viên phục vụ ở nhà hàng để kiếm tiền trang trải chi phí học tập. Từ khi Thái không thể thấy đường gắp nước đá, rót bia thì không được thuê nữa. Vậy là Thái xin đi phát tờ rơi, tiền công khoảng 50.000 đồng/buổi, tuần làm từ 2-3 buổi. Đi làm nên ngày nào Thái cũng thức tới 23 giờ để học bài. Mấy năm học qua, thành tích học tập của Thái đều đạt loại khá.

“Hiện nay, em gặp khó khăn nhất là 2 môn tiếng Anh và tin học vì em không thể thấy rõ chữ. Nhưng em sẽ cố gắng học tốt. Em muốn mình trở thành giáo viên dạy Toán để giúp đỡ các em có hoàn cảnh khó khăn như thầy, cô đã từng giúp đỡ em” – Chánh Thái bộc bạch.

Anh Nguyễn Thanh Tùng, Bí thư Đoàn Trường Đại học Cần Thơ, cho biết: “Tôi rất cảm động khi đọc bức thư của Chánh Thái viết về hoàn cảnh gia đình và con đường học tập của em. Qua sự giới thiệu của Đoàn khoa Sư phạm, Đoàn trường đã tạo điều kiện cho Thái và một số sinh viên vượt khó tham gia chương trình “Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Đại học Cần Thơ” nhằm vận động giúp em chữa bệnh cũng như tạo động lực cho các sinh viên khác học tập, noi theo”.

Bài, ảnh: PHẠM TRUNG

Chia sẻ bài viết