06/11/2017 - 15:26

Từ một cuộc tranh luận... 

Gần đây, làng nhiếp ảnh Việt xảy ra một cuộc tranh luận về phong cách và phương pháp chụp ảnh của nhiếp ảnh gia người Pháp- Réhahn Croquevielle. Cũng xin nói thêm đôi điều về Réhahn, hiện anh đang sống và làm việc tại Việt Nam, nổi tiếng với những bức ảnh chụp chân dung các dân tộc trên dải đất Việt Nam, đặc biệt nhất là những nụ cười người Việt hồn nhiên, lạc quan, thân thiện.

Một vài bức ảnh của Réhahn. Ảnh: FBNV

Trên diễn đàn matca.vn- cộng đồng nhiếp ảnh Việt Nam, nhiều người không thích những bức ảnh của Réhahn vì cho rằng giả tạo, theo lối mòn, không sáng tạo và “tố” có sự sắp đặt. Bằng chứng họ đưa ra là bức ảnh “Bạn thân” nổi tiếng của Réhahn, được bán với giá 17.000 USD, lập kỷ lục cho bức ảnh đắt nhất từng được bán tại Việt Nam. Đó là bức ảnh chụp cô bé chừng 4-5 tuổi người dân tộc thiểu số đứng cạnh chú voi to lớn. Họ “tố” Réhahn sắp đặt từ bộ đồ của cô bé mặc đến vị trí đứng của nhân vật… Đến nay, sự việc này vẫn chưa ngã ngũ.

Dưới góc độ nhiếp ảnh Việt Nam những năm gần đây, có thể suy ngẫm đôi điều về cuộc tranh luận này. Nếu thực sự Réhahn dàn dựng bức ảnh “Bạn thân” thì chắc rằng bức ảnh đó sẽ giảm giá trị cả nghệ thuật, lẫn nhân sinh. Song, nhìn tổng thể quá trình làm nghệ thuật của Réhahn, hoàn toàn không thể phủ nhận thành công của anh. Ngoài doanh số thương mại, thu hút du khách, những bức ảnh chân dung người dân tộc thiểu số của anh còn tạo được tiếng vang. Gần 1 triệu người thích và theo dõi trên Facebook, nhiều phòng ảnh trên khắp Việt Nam, những cuốn sách ảnh hút hàng… của Réhahn là minh chứng. Rõ ràng, tác phẩm của Réhahn đã chinh phục được người xem. Cái lạ của Réhahn là anh đi sâu vào tả thực, tả chân những nét dung dị, đời thường của các nhân vật. Những bức ảnh (có khi bị cho sắp đặt) song sự tự nhiên là điều cảm nhận được.

Matca.vn có lý của họ. Nghệ thuật là muôn màu và ai cũng sẽ có những cảm nhận riêng. Tuy nhiên, qua thành công của Réhahn- một chàng trai Pháp có chưa đến chục năm sống ở Việt Nam, nên chăng nhiếp ảnh gia Việt Nam cần nhìn lại đôi chút. Phong cách ảnh xoáy sâu, trực tiếp vào thế giới quan người xem; rồi chuyện nhiếp ảnh gia sống được, thậm chí làm giàu từ nghề… của nhiếp ảnh gia nước ngoài này. Nhiếp ảnh Việt Nam bao lâu nay vẫn thích sự hào sảng, vĩ đại, phong cảnh tuyệt mỹ, bao la mà quên khai thác những điểm nhỏ, tạo những “điểm dừng” trong mắt người xem. Ảnh của họ dễ xem nhưng dễ quên.

Có nhiều người mạnh dạn nhận định: Réhahn đơn thuần là một người làm ăn, buôn bán trong một thị trường tiêu thụ đơn giản. Nếu đã như vậy thì sao còn buộc ảnh của anh phải đạt chuẩn nghệ thuật này, có nét sáng tạo nọ khi mà đối tượng Réhahn hướng đến chưa chắc là “nghệ thuật nhiếp ảnh” mà đôi khi là “thị trường nhiếp ảnh”.

Cuộc tranh luận hẳn sẽ còn dài, chuyện ai thắng ai thua chắc còn khá lâu mới đến hồi kết! Trong khi chờ, Réhahn vẫn là chủ của những phòng ảnh đắt khách, những bức ảnh “triệu like”…

ĐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết