30/04/2020 - 07:29

Tự hào thế hệ kế thừa 

Công tác bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau theo Di chúc Bác Hồ luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm thực hiện. Sau 45 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tại TP Cần Thơ, nhiều công dân lớn lên trong thời bình được Đảng chăm bồi, giáo dục trở thành những cán bộ, đảng viên nòng cốt ở các cơ quan, đơn vị, địa phương. Những đảng viên chúng tôi gặp gỡ đều ý thức rõ vai trò, trách nhiệm của thế hệ kế thừa và càng nỗ lực cống hiến cho quê hương, đất nước.

Lăn xả với công việc

Chị Nguyễn Thị Ngọc Hân (sinh năm 1978), Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND thị trấn Phong Điền, luôn trân trọng, biết ơn sâu sắc đối với những đóng góp, hy sinh to lớn của các thế hệ cha anh, trong đó có những liệt sĩ như cậu và chú của chị… cho cuộc sống ấm no, thanh bình, hạnh phúc hôm nay. Đó cũng là động lực để Ngọc Hân không ngừng phấn đấu.

Nguyễn Thị Ngọc Hân, Bí thư, Chủ tịch UBND thị trấn Phong Điền. Ảnh: Ngọc Quyên

Tốt nghiệp trung cấp quản lý nhà nước ngạch cán sự năm 1998, Ngọc Hân tham gia công tác tại UBND xã Trường Long Tây với nhiệm vụ công chức văn phòng thống kê tổng hợp, rồi làm cán bộ giáo vụ của Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện Châu Thành A. Năm 2004, khi chia tách, thành lập huyện Phong Điền, Ngọc Hân làm Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện. Tháng 4-2019, Ngọc Hân được Huyện ủy Phong Điền điều động về làm Bí thư thị trấn Phong Điền và 5 tháng sau được HĐND thị trấn bầu làm Chủ tịch UBND thị trấn.

Để làm tốt nhiệm vụ ở cả hai cương vị Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch UBND thị trấn, Ngọc Hân lăn xả vào công việc, học hỏi kinh nghiệm các cán bộ đi trước, nắm sát tình hình, sự vụ để điều hành, giải quyết công việc hiệu quả. Đi đôi với thực hiện nghiêm túc quy chế làm việc, quy chế phối hợp, phân công trong Đảng ủy chỉ đạo các chi bộ, đoàn thể, chị cùng Thường trực Đảng ủy, UBND thị trấn chỉ đạo, phân công nhiệm vụ rõ ràng cho khối vận, ngành, ban nhân dân các ấp; thường xuyên kiểm tra, giám sát, kịp thời hỗ trợ tháo gỡ khó khăn. Với sự nỗ lực đó, Đảng bộ, chính quyền thị trấn thực hiện đạt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, nỗ lực giữ vững danh hiệu thị trấn văn minh đô thị; Đảng bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Với sự lãnh đạo, tham gia vận động tích cực của chị, công tác chỉnh trang đô thị và chăm lo an sinh xã hội có nhiều khởi sắc. Điển hình như việc phối hợp vận động xã hội hóa trồng 60 chậu hoa giấy trên tuyến đường vào mộ cụ Phan Văn Trị; tổ chức trồng hoa, xây dựng tuyến đường đẹp ấp Nhơn Lộc 2A dài 3.000 mét; vận động xã hội hóa gần 800 triệu đồng nâng cấp nhiều tuyến đường các ấp...

Ngọc Hân chia sẻ: “Tôi luôn cố gắng học tập, cống hiến hết sức mình để xứng đáng là thế hệ kế thừa”. Hiện chị đã hoàn thành chương trình cao cấp lý luận chính trị, đại học hành chính, đang theo học thạc sĩ ngành xây dựng đảng, chính quyền.

Tận tụy phục vụ nhân dân

 Hơn 40 năm công tác ở Bệnh viện Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ, bác sĩ Thạch Văn Sang, Trưởng Phòng Kế hoạch -Tổng hợp, từng kinh qua nhiều vị trí quản lý các khoa, phòng của bệnh viện. Ông là tấm gương về sự tận tâm phục vụ bệnh nhân.

Bác sĩ Thạch Văn Sang khám và tư vấn điều trị bệnh cho bệnh nhân. Ảnh: Mỹ Tú

Xuất thân từ tầng lớp bình dân ở quận Ninh Kiều, cha làm tài xế lái xe cho bệnh viện, còn mẹ làm nghề mua bán nhỏ, bác sĩ Sang và 3 người nữa trong 10 anh chị em được cha định hướng theo ngành y. Sau khi tốt nghiệp trung cấp y, năm 1979, y sĩ Sang được phân về công tác ở Bệnh viện Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ. Trong điều kiện thuốc men, vật tư y tế vô cùng thiếu thốn, giao thông khó khăn, cách trở; chưa kể bệnh lao là một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có sức lây lan nhanh và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu khi đó, nhưng y sĩ Sang và các đồng nghiệp vẫn miệt mài đi cơ sở, tới vùng sâu, vùng xa điều tra dịch tễ và khám sàng lọc để phát hiện sớm, chủ động hơn trong điều trị. Đồng thời, tích cực tuyên truyền, nâng cao ý thức phòng, chống lây nhiễm bệnh lao trong cộng đồng. Được bệnh viện tạo điều kiện học tu nghiệp lên đại học, ông tiếp tục theo đuổi chuyên ngành Lao-bệnh phổi và dành bao tâm huyết cho công tác này. Kể về quá trình phấn đấu, trưởng thành của mình, giọng ông từ tốn: “Là đảng viên, tôi càng phải gương mẫu, giữ gìn y đức, tận tâm với bệnh nhân như lời Bác dạy thầy thuốc như mẹ hiền”.

Bác sĩ Sang là người trực tiếp tham gia sắp xếp kế hoạch, tổ chức việc điều trị cách ly cho bệnh nhân mắc COVID-19 trên địa bàn thành phố, trong điều kiện vẫn đảm bảo công tác khám, điều trị cho khoảng 30 bệnh nhân đến khám hằng ngày và hơn 100 bệnh nhân đang điều trị nội trú tại bệnh viện. Ông cho biết: “Có 4 ê-kíp điều trị được thành lập. Vừa qua, 2 ê-kíp đã tham gia điều trị thành công cho 2 công dân từ nước ngoài về phát hiện dương tính với virus SARS-CoV-2”.

Giám đốc năng động

Nhiều năm qua, Công ty Cổ phần Cấp nước Trà Nóc - Ô Môn luôn thực hiện đạt hiệu quả kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Kết quả này có dấu ấn của sự năng động trong chỉ đạo, điều hành của Bí thư Chi bộ, Giám đốc Huỳnh Minh Trung.

Anh Huỳnh Minh Trung, Giám đốc Công ty Cổ phần Cấp nước Trà Nóc - Ô Môn. ANH DŨNG

Anh Trung bộc bạch: “Tôi sinh năm 1976, khi đất nước đã thống nhất. Tôi rất tự hào và biết ơn các thế hệ cha anh đã hy sinh, cống hiến cho đất nước. Là thế hệ kế thừa, tôi cùng các đảng viên có trách nhiệm góp công sức, trí tuệ xây dựng quê hương phát triển và bảo vệ vững chắc những thành quả cách mạng…”.

Tốt nghiệp thạc sĩ khoa học môi trường, anh Trung trải qua nhiều vị trí công tác. Năm 2011, anh về công tác tại Công ty Cổ phần Cấp nước Trà Nóc - Ô Môn làm Phó Giám đốc Công ty. Từ năm 2012 đến nay, anh làm Bí thư Chi bộ, Giám đốc Công ty. Trong công tác lãnh đạo, anh Trung chú trọng phát huy trí tuệ của tập thể, đưa ra nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, xây dựng công ty ngày càng lớn mạnh. Anh chú trọng đổi mới công nghệ và cải tiến công tác quản lý, lắp đặt đường ống bằng vật tư có chất lượng tốt; thường xuyên kiểm tra, dò tìm khắc phục kịp thời đường ống bị bể; bảo dưỡng và thay thế các máy móc, thiết bị xuống cấp... Qua phát động phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo, mỗi năm công ty thực hiện 7-10 sáng kiến cải tiến kỹ thuật, làm lợi cho công ty hàng trăm triệu đồng...

Anh Trung cho biết, trong 5 năm qua, hiệu quả sản xuất, kinh doanh của công ty được nâng lên; sản lượng, doanh thu, lợi nhuận, thu nhập của người lao động bình quân mỗi năm tăng từ 5-8%; tỷ lệ thất thoát nước giảm từ 16% xuống còn 12,7%. Với vai trò Bí thư Chi bộ, anh cùng Chi ủy chú trọng thực hiện các giải pháp xây dựng chỉnh đốn Đảng. Chi bộ đạt trong sạch vững mạnh tiêu biểu và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nhiều năm liền.

Đam mê nghiên cứu khoa học

Tiến sĩ Văn Phạm Đan Thủy (38 tuổi), cán bộ giảng dạy thuộc bộ môn Công nghệ hóa học, Trường Đại học Cần Thơ, là một trong số ít những nhà khoa học nữ của cả nước theo đuổi chuyên ngành Khoa học vật liệu và Khoa học sự sống.

Tiến sĩ Đan Thủy khảo sát cấu trúc hình thái của vật liệu bằng kính hiển vi quang học. Ảnh nhân vật cung cấp

Nhận thấy tầm quan trọng của ngành vật liệu trong phát triển kinh tế, xã hội, khoa học, công nghệ, cô Thủy và cộng sự thực hiện nhiều nghiên cứu về vật liệu polymer có khả năng ứng dụng rộng rãi và đặc biệt phù hợp với điều kiện của vùng sông nước. Đồng thời, phát triển các nghiên cứu nhằm khai thác triệt để nguồn phụ phẩm nông nghiệp, phế phẩm trong công nghiệp và cuộc sống. Cô và cộng sự đã chế tạo vật liệu composite được gia cường bằng các loại sợi tự nhiên (sợi xơ dừa, dừa nước, chuối, dứa dại); tách thành công lignin từ mụn dừa, lá dừa nước… Đặc biệt, chế tạo thành công nanocomposite dẫn điện. Nghiên cứu này đã được xét chọn trao giải Khuyến khích Cuộc thi khoa học trẻ Eureka lần thứ 19 năm 2017.

Đến nay, cô Thủy tham gia 1 đề tài nghị định thư của Bộ Khoa học và Công nghệ, chủ nhiệm 4 đề tài cấp cơ sở với hơn 10 bài báo quốc tế thuộc hệ thống ISI và 5 bài báo trong nước được Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước công nhận. Cô được mời báo cáo ở nhiều hội nghị khoa học quốc tế tổ chức tại Việt Nam, Nhật, Mỹ, Úc, Hàn Quốc… Ngoài nghiên cứu, cô còn giảng dạy, hướng dẫn đồ án, luận văn tốt nghiệp cho sinh viên đại học, học viên cao học; viết sách tham khảo được nhà xuất bản uy tín trên thế giới in ấn.

Xuất thân trong một gia đình hiếu học tiêu biểu toàn quốc ở Cần Thơ, cô Thủy kế thừa và phát huy xuất sắc truyền thống này. Sau khi tốt nghiệp đại học ngành công nghệ hóa học, từ năm 2007 đến năm 2012, thông qua học bổng MEXT của Chính phủ Nhật Bản, cô hoàn thành xuất sắc khóa học thạc sĩ ngành Khoa học và Kỹ thuật cao phân tử và Tiến sĩ ngành Khoa học vật liệu và Khoa học sự sống tại Viện Công nghệ Kyoto. Sau đó, cô được Viện mời ở lại làm việc trong một dự án với vai trò nghiên cứu sinh sau tiến sĩ. Về nước từ năm 2013, cô giảng dạy, nghiên cứu khoa học tại Trường Đại học Cần Thơ. Cô Thủy chia sẻ: “Tâm đắc lời dạy của Bác nói đi đôi với làm, nên bản thân tôi luôn tự giác nêu gương, không ngừng phấn đấu để góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, đổi mới phương pháp dạy học, nghiên cứu…”.

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Lê Việt Dũng  - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ, nhận định: “Tiến sĩ Đan Thủy được đào tạo bài bản, giỏi giang, năng động. Bên cạnh nhiệm vụ giảng dạy, nghiên cứu, Thủy còn phụ trách mảng phát triển nguồn nhân lực cho Dự án Nâng cấp Trường Đại học Cần Thơ và còn là thành viên năng động của Ban Chấp hành Hội Hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản TP Cần Thơ. Với tinh thần trách nhiệm, tâm huyết, Thủy luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao”.

DŨNG QUYÊN - TÚ CHINH

Chia sẻ bài viết