Bài cuối: NHÂN NGHĨA TRONG THỜI BÌNH
Sau ngày đất nước thống nhất, nhiều cựu TNXP trở lại chiến trường xưa âm thầm tìm kiếm hài cốt của những đồng đội đã ngã xuống. Ở cái tuổi xưa nay hiếm, những cựu TNXP vẫn hằng ngày góp sức dựng xây quê hương, quyên góp xây nhà giúp đỡ đồng đội vươn lên ổn định cuộc sống, xây dựng gia đình ấm no hạnh phúc. Nghĩa cử cao đẹp, tấm lòng vì đồng đội đã và đang góp phần làm rạng ngời thêm truyền thống vẻ vang của một thời tuổi trẻ "đi trước về sau"
Thắm tình đồng đội
Trong giai đoạn ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, có hơn 400 TNXP, tuổi đời từ 16 đến 20 mãi mãi nằm lại trên những nẻo đường miền Tây Nam bộ. Lần giở từng trang nhật ký về những chuyến đi khảo sát, tìm hài cốt đồng đội, mà lòng cô Lâm Thị Minh Tâm Chủ tịch Hội Cựu TNXP TP Cần Thơ quặn đau bởi hơn 40 năm qua, nhiều đồng đội vẫn còn lạnh lẽo, nằm lại nơi xứ người. Chỉ tính từ năm 2000 đến nay, Ban liên lạc (nay là Hội Cựu TNXP thành phố) phối hợp với các đơn vị K92, K93 Kiên Giang quy tập được 190 hài cốt của TNXP và bộ đội miền Đông, miền Tây.
Cô Lâm Thị Minh Tâm nhớ như in những lần đi tìm hài cốt của đồng đội thân thương Anh hùng lực lượng vũ trang Võ Thị Hồng Láng (quê ở tỉnh Cà Mau). Mùa khô năm 1968, trong đợt tải hàng từ Campuchia về miền Tây, khi vượt kinh Vĩnh Tế, Hồng Láng bị trúng đạn và bị giặc bắt, chúng dùng xe bò kéo chị về đồn Vĩnh Điều và tra tấn chị dã man hòng ép chị khai ra nơi ở, kho chứa vũ khí đạn dược của ta. Trước khi đập đầu tự sát để tỏ rõ khí tiết, chị đã vạch trần tội ác của kẻ thù và kêu gọi binh sĩ vác súng quay về với cách mạng. Năm 2010, trong một lần đi công tác ở Tri Tôn (An Giang), vô tình cô Tâm nghe nhiều người dân kể về sự hy sinh của cô Hồng Láng. Lần tìm theo lời kể của các nhân chứng lịch sử, cô Tâm cùng nhiều đồng đội tiến hành đi xác minh, khảo sát ở chiến trường xưa. Đầu tháng 6 - 2012, cô đến huyện Giang Thành (tỉnh Kiên Giang), tìm gặp được một số người dân từng chôn cất chị Hồng Láng năm xưa, đoàn đã tìm được và mang hài cốt chị Hồng Láng về chôn cất tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Cà Mau. Theo cô Tâm, vẫn còn nhiều cựu TNXP lạnh lẽo nằm lại nơi xứ người, nhưng vì cảnh vật, địa hình xưa nay đã thay đổi nhiều khiến việc xác định mộ phần khó trăm bề. Cũng vì vậy, đêm đêm khi nghĩ về đồng đội lòng cô quặn đau và cô lại tiếp tục hành trình tìm kiếm hài cốt đồng đội.

Cô Lâm Thị Minh Tâm (bìa trái), Chủ tịch Hội Cựu TNXP TP Cần Thơ, hướng dẫn cựu TNXP hoàn thành các thủ tục để giải quyết chế độ chính sách. Ảnh: Q. THÁI
Hòa bình lập lại, tình đồng chí, đồng đội càng thêm bền chặt hơn thông qua các phong trào đóng góp gây quỹ xây dựng nhà tình thương đồng đội cho nhiều cựu TNXP hoàn cảnh khó khăn. Hôm đến thăm gia đình chị Võ Thị Yến (vợ anh Huỳnh Văn Bắc, cựu TNXP Đại đội Tây Đô Quyết Thắng 4) ở ấp An Thạnh, xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ, đồng đội của anh Bắc đều cảm thấy ấm lòng bởi cuộc sống gia đình anh ổn định hơn. Tham gia du kích xã từ năm 1968, đến năm 1969 anh Bắc tình nguyện tham gia lực lượng TNXP, phục vụ chiến đấu ở chiến trường Lộ Vòng Cung, Châu Thành, sau giải phóng làm công tác tuyên giáo ở xã Ba Trinh, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng. Năm 2001, anh Bắc bị bệnh nặng mất để lại cho chị Yến 7 người con. Không ruộng đất canh tác, các con đều không được học hành nên phải đi làm thuê kiếm sống. Thu nhập bấp bênh, cả gia đình phải sống tạm bợ trong căn nhà lá đơn sơ. Thấy hoàn cảnh quá thương tâm, năm 2010, Hội Cựu TNXP thành phố đã vận động hội viên, mạnh thường quân đóng góp hơn 40 triệu đồng giúp chị xây dựng căn nhà tình thương đồng đội. Chị Yến tâm sự: "Từ ngày có nhà mới, các con yên tâm lao động, đời sống ngày càng ổn định hơn. Vào các ngày lễ, kỷ niệm, đồng đội khắp nơi về thắp hương cho anh Bắc khiến gia đình chúng tôi xúc động và ấm áp hơn".
Từ các chương trình vận động xã hội hóa, Hội Cựu TNXP TP Cần Thơ và các tỉnh: Kiên Giang, Hậu Giang đã xây dựng 67 căn nhà tình thương đồng đội cho cựu TNXP có hoàn cảnh khó khăn. Hội Cựu TNXP các tỉnh, thành cũng đã giải quyết chế độ chính sách cho hội viên hưởng trợ cấp, thẻ bảo hiểm y tế, hướng dẫn làm thủ tục công nhận thương binh. Tiêu biểu như ở Kiên Giang đã giải quyết 47 trường hợp thương binh, 124 hội viên được hưởng bảo hiểm y tế, 72 trường hợp hưởng chế độ trợ cấp 1 lần theo Quyết định 104/1999/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách đối với TNXP đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến. Ở Cần Thơ, từ năm 2005 đến nay, Hội Cựu TNXP thành phố đã hướng dẫn thủ tục công nhận 21 thương binh, 3 liệt sĩ, trên 30 sổ tiết kiệm cho cựu TNXP có hoàn cảnh khó khăn
Trong những lúc bệnh tật, ốm đau, đồng đội động viên, đóng góp hỗ trợ nhau hoặc trong những dịp lễ, Tết, người khá giả đóng góp giúp người khó khăn hơn. Mỗi phần quà giá trị tuy nhỏ nhưng phần nào thể hiện tình đồng đội gắn bó keo sơn trong chiến tranh lẫn trong thời bình.
Sáng ngời tinh thần xung phong
Từng là TNXP tình nguyện khai phá vùng đất bị bom đạn cày xé ở Hòn Đất từ những năm đầu sau giải phóng, hoàn cảnh gia đình chú Trần Trọng Phược ở khu phố 4, phường An Hòa, TP Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang) rất khó khăn. Còn nhớ năm 1980, tài sản quý giá của gia đình chú Phược chỉ là một căn nhà cây vách lá, mùa mưa dột "lộp độp" và thường xuyên bị ngập nặng. Để có tiền sinh sống hằng ngày, chú Phược phải đi vác tràm, gánh đất thuê, còn người vợ thì buôn bán nhỏ. Khi 2 người con trai lần lượt ra đời, cuộc sống càng khó khăn hơn. Nhờ siêng năng, tiết kiệm, hai vợ chồng dành dụm được một số tiền mua thêm đất, xây dựng nhà trọ. Ban đầu chỉ xây dựng được 2 căn, đến nay chú Phược có cơ sở kinh doanh nhà trò với gần 50 căn, thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi tháng.
Vốn có kiến thức cơ bản về lĩnh vực nông nghiệp từ thời kỳ tham gia lực lượng TNXP, năm 1983 chú Phược về công tác tại Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Kiên Giang với vai trò là cán bộ kỹ thuật. Năm 2010 dù đã trên 50 tuổi, chú vẫn quyết tâm đăng ký học liên thông cao đẳng chuyên ngành nông nghiệp ở Cần Thơ. Cứ thế, mỗi tuần chú Phược dành 3 ngày xuống các vùng nông thôn tận tình hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi cho nông dân. Nhiều mô hình sản xuất giúp nông dân làm ăn phát đạt, như: Trồng rau mầm, rau sạch, cách quản lý dịch hại tổng hợp
Ở TP Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang, nhiều cựu TNXP còn mạnh dạn chuyển đổi vật nuôi cây trồng, giúp nâng cao thu nhập vươn lên khá giả. Điển hình như cô Đoàn Thị Hồng Khéo, cựu TNXP Đại đội Mai Thanh Thế (Sóc Trăng) hiện đang sống ở phường Phước Thới, quận Ô Môn (TP Cần Thơ). Gần 5 năm qua, cuộc sống gia đình cô khá giả hơn nhờ áp dụng mô hình nuôi nhím và heo rừng. Hiện nay, cô nuôi 20 con heo rừng và hàng chục con nhím, thu nhập bình quân mỗi năm trên 80 triệu đồng. Năm nay, cô dự định sẽ mở rộng trang trại và qui mô chăn nuôi và sẵn sàng hỗ trợ con giống cho những hội viên hoàn cảnh khó khăn. Dưới sự hỗ trợ của Trung ương Hội Cựu TNXP Việt Nam, các cấp Hội ở tỉnh, thành cũng đã trao hàng chục sổ tiết kiệm (trung bình từ 3 đến 5 triệu đồng) hoặc thành lập tổ hùn vốn tương trợ giúp hội viên phát triển kinh tế gia đình.
Nhiều cựu TNXP còn là tấm gương sáng trong giáo dục con em học tập, cống hiến cho Tổ quốc. Chú Nguyễn Văn Hân, cựu TNXP Đại đội 1, Liên đội 2 (nay sống ở phường Vĩnh Lạc, TP. Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang) có 6 người con đều được học hành đến nơi đến chốn, trong đó có 2 người tốt nghiệp đại học. Gia đình chú Hân rất khó khăn, sau giải phóng chú sống bằng nghề bán hàng rong. Dù vậy chưa bao giờ chú Hân có suy nghĩ cho con nghỉ học mà quyết chí nuôi con ăn học thành tài dù có lúc chú phải vay mượn tiền khắp nơi. Hôm gặp chú Hân ở Rạch Giá cũng là lúc Thượng sĩ Nguyễn Tràn Lâm con trai chú Hân, Cảnh sát biển Vùng 3 về thăm nhà. Anh Lâm tự hào khoe, trước đây anh trúng tuyển vào 2 trường đại học: Đại học Cần Thơ và Đại học Y Dược Cần Thơ. Nhưng với mong muốn được tiếp nối truyền thống của gia đình, Lâm tình nguyện nhập ngũ và phục vụ lâu dài trong đơn vị Cảnh sát biển.
* * *
Trung tuần tháng 8, cô Hồ Thanh Hồng ở Cà Mau, cô Võ Tuyết Lệ ở Kiên Giang và nhiều đồng đội khăn gói lên đường đến vùng biên giới tiếp tục hành trình tìm hài cốt đồng đội năm xưa. Ở Cần Thơ, cô Lâm Thị Minh Tâm, Chủ tịch Hội Cựu TNXP thành phố cũng thường đến các vùng ngoại thành hướng dẫn đồng đội hoàn thành các thủ tục để giải quyết chế độ chính sách và tìm hiểu hoàn cảnh sống của từng người. Cứ thế, những người cựu TNXP năm xưa dù tuổi cao, thương tật, sức khỏe yếu, nhưng vẫn âm thầm giúp đỡ đồng đội, bởi với họ không có nỗi đau day dứt hơn khi chứng kiến cảnh đồng đội chưa về với đất mẹ hoặc đang chống chọi với nghèo khó
DÂN AN