19/12/2008 - 22:27

Từ chuyện con trâu nghĩ về chuyện cơ giới hóa trên đồng đất Cửu Long giang

Đã mấy thập niên qua, cảnh “con trâu đi trước, cái cày theo sau” không còn phổ biến trong làm đất vào mùa vụ ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Ở xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ (Vĩnh Long) có một con kênh mang tên là kênh Đường Trâu, bởi đó là lối đi của đàn trâu. Trâu đi nhiều, đất trũng xuống. Mùa lũ hàng năm, nước lũ theo vệt trâu đi bào mòn dần thành con kênh. Nhưng cơ giới hóa nông nghiệp phát triển mạnh, đàn trâu vùng này mỗi năm ít dần. Ngày nay, nhiều nông dân vùng ĐBSCL thuộc câu ca dao mới trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa: “Ngày xưa trâu trước cày sau/ Ngày nay máy kéo đồng sâu, bưng tràm/ Ngày xưa trâu khỏe ham làm/ Ngày nay máy kéo an nhàn nhà nông”.

Những năm qua, vùng ĐBSCL có bước chuyển biến mạnh mẽ trong việc đưa cơ giới và các tiến bộ khoa học kỹ thuật, từng bước nâng cao sản lượng và chất lượng lúa gạo. Khi cơ giới hóa phát triển mạnh trên đồng ruộng, máy xới, máy làm đất... ngày càng nhiều thì sức trâu không còn phổ biến như trước. Tại nhiều nơi, đàn trâu liên tục giảm mạnh và không ít xã ở ĐBSCL, con trâu đã hầu như vắng bóng. Tỉnh Tiền Giang hiện chỉ còn vỏn vẹn 377 con trâu và nguy cơ tiếp tục giảm. Tại An Giang, trong 80.000 con trâu, bò thì số lượng trâu chỉ có 5.063 con. Trâu ở Đồng Tháp cũng còn lại khoảng 2.000 con; Long An gần 11.445 con; Kiên Giang 8.536 con; Trà Vinh gần 2.400 con; Vĩnh Long chỉ còn 192 con...

Thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp ở ĐBSCL. Ảnh: NHẬT CHÁNH 

Hiện tại, đàn trâu không còn dùng để kéo cày như trước. Tuy nhiên, việc bảo vệ, duy trì loại gia súc này là rất cần thiết, bởi con trâu gắn liền với nông thôn Việt Nam từ bao đời nay. Các tỉnh đưa ra giải pháp căn cơ là chuyển sang nuôi trâu lấy thịt. Vấn đề ở chỗ chính quyền địa phương và ngành liên quan cần quan tâm, tạo điều kiện để khôi phục đàn trâu như: Hỗ trợ vốn, lập dự án cho vay nuôi trâu (giống như cho vay nuôi bò), trồng cỏ, đầu tư con giống...

Theo Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL, tất cả các khâu trong quy trình sản xuất lúa ở ĐBSCL như làm đất, bơm tưới, thu hoạch, chế biến và bảo quản sau thu hoạch đều được cơ giới hóa. Tuy nhiên, mức độ cơ giới hóa ở từng khâu khác nhau. Chẳng hạn, 100% diện tích đất sản xuất lúa đều áp dụng cơ giới hóa trong khâu làm đất.

Đó là bước phát triển mạnh của đàn “trâu sắt” ở ĐBSCL. Đàn “trâu sắt” đã làm nhàn hạ và tăng năng suất lao động cao cho nhà nông. Thấy đàn “trâu sắt” ngày càng phát triển, bất chợt nhiều người nghĩ đến chuyện cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL. Điều đáng băn khoăn hiện nay là tốc độ cơ giới trong khâu thu hoạch lúa ở ĐBSCL còn chậm. Toàn vùng chỉ mới có khoảng 1.800 máy gặt đập liên hợp và 3.500 máy gặt lúa xếp dãy. Tất cả các máy thu hoạch lúa nói trên chỉ mới đáp ứng được khoảng 15% so nhu cầu. Còn hệ thống sấy lúa ở ĐBSCL hiện có chỉ mới đáp ứng được khoảng hơn 30% nhu cầu sấy lúa của vụ hè thu. Số lúa còn lại phải phơi thủ công, tỷ lệ hao hụt cao.

Để giải quyết tình trạng thiếu nhân công thu hoạch lúa, Nhà nước, ngành nông nghiệp đã thực hiện nhiều chính sách để hỗ trợ nông dân trang bị máy móc, phương tiện. Song, đến nay tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu thu hoạch lúa ở ĐBSCL vẫn còn thấp.

Trao đổi về tình trạng bất cập này, Tiến sĩ Lê Văn Bảnh cho biết: Thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các viện, trường, địa phương tổ chức nhiều hội thi máy gặt đập liên hợp nhằm tuyển chọn ra những máy gặt đập liên hợp phù hợp cho vùng ĐBSCL (hoạt động trong nhiều điều kiện khác nhau: thu hoạch lúa đứng, thu hoạch lúa ngã đổ, vận hành trên nền ruộng khô ráo, vận hành trên đồng ruộng bùn lầy). Những hội thi như vậy sẽ được tiếp tục trong thời gian tới. Các máy gặt đập liên hợp có giá dao động từ 150 triệu đồng đến 200 triệu đồng/máy, vượt quá khả năng của nông dân. Do đó, Nhà nước thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất nhằm khuyến khích và hỗ trợ nông dân đầu tư mua máy gặt đập liên hợp để khắc phục tình trạng khan hiếm lao động và giảm tỷ lệ thất thoát trong khâu thu hoạch. Tuy vậy, tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu thu hoạch lúa ở ĐBSCL còn thấp do một số nông hộ có điều kiện đầu tư thì chờ xem hiệu quả của những người đã đầu tư trước. Mặt khác, do trọng lượng của máy gặt đập liên hợp lên đến khoảng 2 tấn, nên loại phương tiện này chỉ phù hợp với những cánh đồng bằng phẳng, quy mô diện tích từng thửa ruộng phải rộng, hạ tầng nông thôn (kênh mương, đường giao thông) phải khá tốt. Đặc biệt, các máy gặt đập liên hợp trong nước thường được sản xuất theo kiểu tự mày mò chứ chưa được sản xuất đại trà theo quy trình công nghiệp nên thiếu phụ tùng thay thế khi bị hư hỏng. Do đó, người tiêu dùng ĐBSCL ngại mua các máy gặt đập liên hợp được sản xuất trong nước. Trong số 1.800 máy gặt đập liên hợp ở ĐBSCL hiện nay thì máy gặt đập liên hợp do Trung Quốc sản xuất chiếm đến 90%.

Cũng theo Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, đến nay, việc xay xát chế biến gạo ở ĐBSCL đã đạt tỷ lệ cơ giới hóa 100%, hệ thống nhà máy xay xát chế biến gạo đã phủ khắp từ nông thôn sâu đến thành thị. Do đó, lực lượng thương lái sau khi mua lúa dễ dàng xay xát bóc vỏ trấu tại chỗ nhằm giảm khối lượng hàng hóa để dễ vận chuyển gạo nguyên liệu đi nơi khác. Tuy nhiên, hầu hết các cơ sở xay xát chế biến gạo ở ĐBSCL hiện nay đều có công suất nhỏ, công nghệ cũ nên tỷ lệ hao hụt (hạt gãy) trong chế biến gạo khá cao.

Nếu như các loại máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp ở những khâu khác cũng được cơ giới hóa 100% như khâu làm đất thì đó là bước tiến rất xa và đáng phấn khởi trong sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL. Hiện nay, máy gặt đập liên hợp chỉ mới đáp ứng khoảng 15% nhu cầu thu hoạch lúa ở ĐBSCL. Một số địa phương ở ĐBSCL như An Giang, Bạc Liêu, Long An bắt đầu đưa thiết bị định vị bằng tia laser để cải tạo mặt bằng đồng ruộng. Việc áp dụng thiết bị kỹ thuật cao để cải tạo đồng ruộng sẽ được nhân rộng trong thời gian tới. Khi mặt ruộng được bằng phẳng, nông dân sẽ giảm nhiều chi phí ở các khâu như giảm lượng lúa giống nhờ sử dụng dụng cụ gieo sạ theo hàng, giảm chi phí bơm tưới, thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp...

Cấy lúa bằng máy còn khá mới mẻ ở Việt Nam, nhưng bước đầu đã xuất hiện ở An Giang và Long An. Thời gian tới, một số nơi địa phương sẽ hợp tác với các đối tác của Nhật Bản để đưa máy cấy lúa của Nhật Bản trình diễn ở ĐBSCL. Khi áp dụng cấy lúa bằng máy sẽ rút ngắn thời gian cây lúa ngoài đồng khoảng 15 ngày (thời gian gieo mạ trong khay), giảm sâu bệnh và không bị lúa lẫn. Do đó, việc cấy lúa bằng máy rất phù hợp cho các khu vực ven biển phải phụ thuộc vào nguồn nước mưa.

CHU MÃ GIANG

Chia sẻ bài viết