07/01/2014 - 08:45

Từ BRIC đến MINT

Lực lượng lao động dồi dào là một trong những lợi thế của MINT. Ảnh: BBC

Năm 2001, thế giới bắt đầu quan tâm đến BRIC sau khi cựu chuyên gia kinh tế trưởng của ngân hàng Goldman Sachs Jim O’Neill lần đầu tiên dùng cụm từ này để nói về 4 nền kinh tế Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc đang trở thành những thế lực kinh tế mới. Và trong dự đoán mới đây, chuyên gia người Anh xác định có một làn sóng khác cũng đang mạnh mẽ nổi lên không kém, thậm chí có thể thay đổi trật tự thế giới cũ.

O’Neill cho rằng MINT gồm 4 quốc gia Mexico, Indonesia, Nigeria và Thổ Nhĩ Kỳ với những thuận lợi về mặt kinh tế và nhân khẩu học có thể lọt vào tốp những nền kinh tế hàng đầu trên thế giới vào năm 2050.

Theo O’Neill, Mexico mặc dù trước đó từng "lép vế" trước Trung Quốc trong lĩnh vực xuất khẩu hàng hóa và lao động giá rẻ nhưng tiêu chí "chọn số lượng hơn chất lượng" cùng tình hình mức lương đang ngày càng tăng ở Trung Quốc có thể tạo điều kiện cho các nhà sản xuất quay trở lại Mexico, đặc biệt khi nước này có lợi thế gần gũi với Mỹ. Theo ông, đây có lẽ là quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) có tính cạnh tranh tốt nhất vào thời điểm hiện nay. Còn đảo quốc lớn nhất thế giới Indonesia có cơ hội để phát triển vượt bậc tương tự Mexico khi nằm ở trung tâm của Đông Nam Á nhưng lại có quan hệ mật thiết với Trung Quốc, đồng thời sở hữu lực lượng dân số trong độ tuổi lao động hùng hậu và tốc độ đô thị hóa nhanh chóng. Trong khi đó, vị trí địa lý thuộc cả Đông - Tây cùng những lợi ích từ con đường tơ lụa trong nhiều thế kỷ trước đến nay vẫn là tiền đề thuận lợi cho Thổ Nhĩ Kỳ trong giao dịch với cả Nga, phương Tây lẫn Trung Đông. Riêng Nigeria, quốc gia này mặc dù đang phải đương đầu với tham nhũng, tội phạm và quản lý yếu kém nhưng theo O’Neill, họ có lợi thế là dân số trẻ và kinh tế sôi động.

Một thế mạnh khác của khối MINT là 4 quốc gia này có nhiều điểm chung hơn so với BRIC. Trong khi sự khác biệt thường tạo nên "lỗ hổng" giữa Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc tại một số diễn đàn kinh tế, O’Neill thấy rằng cả 3 nước Mexico, Indonesia và Thổ Nhĩ Kỳ lại có cùng mô hình thương mại rất đa chiều và ông tin rằng các nước MINT có mối quan hệ "tự nhiên" hơn so với BRIC.

Giải đáp thắc mắc là liệu tiềm năng ở các quốc gia khối MINT có thật sự đúng với kỳ vọng hay không, chuyên gia O’Neill cho biết sự thật là tất cả đang phải đối mặt với những thách thức đáng kể, từ tham nhũng, nợ công, quản lý yếu kém, cơ sở hạ tầng nghèo nàn. Nhưng nếu vượt qua và cùng phối hợp hoàn hảo, một trong số 4 quốc gia có thể đạt tỷ lệ tăng trưởng hàng năm ở mức hai con số như Trung Quốc trong giai đoạn 2003 - 2008.

Hiện Mexico là nền kinh tế lớn thứ 14 thế giới với thu nhập bình quân đầu người 10.600 USD, Indonesia thứ 16 (3.600 USD), Thổ Nhĩ Kỳ Thứ 17 (10.600 USD) và Nigeria thứ 39 (1.400 USD). Nhưng theo O’Neill, vào giữa thế kỷ này, Mexico sẽ vươn lên hàng thứ 8 với thu nhập bình quân đầu người 48.000 USD, Indonesia thứ 9 (21.000 USD), Nigeria thứ 13 (12.600 USD) và Thổ Nhĩ Kỳ thứ 14 (48.500 USD).

MAI QUYÊN (Tổng hợp)

 

Chia sẻ bài viết