10/04/2022 - 08:19

Trung Quốc “rải” nợ khắp thế giới 

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Báo cáo mới đây của Trung tâm Tài chính và Phát triển Xanh thuộc Ðại học Phục Ðán  tại Thượng Hải cho biết Trung Quốc hiện là chủ nợ đơn lẻ lớn nhất thế giới sau Hiệp hội Phát triển Quốc tế thuộc Ngân hàng Thế giới (WB).

Một phần tuyến đường sắt ở Kyrgyzstan do Trung Quốc “tài trợ”.

Theo báo cáo, 68 quốc gia nghèo nhất thế giới sẽ phải thanh toán khoản nợ 52,8 tỉ USD trong năm nay. Trong đó, khoảng 1/4 trong số đó (14 tỉ USD) sẽ được chuyển cho Trung Quốc. Báo cáo cho hay, 68 nước này vào cuối năm 2020 gánh món nợ của các bên cho vay Trung Quốc khoảng 110 tỉ USD.

Báo cáo ước tính, số nợ phải trả cho Trung Quốc sẽ vượt 2% GDP ở 8 quốc gia vào năm 2022. Trong đó, Angola chịu thiệt hại nặng nề nhất, khi phải trả cho Trung Quốc gần 5% GDP tiền lãi và nợ gốc các khoản vay trước đó. Theo tờ Khabarhub, nhà sản xuất dầu lớn thứ hai châu Phi này đã phải trả khoản nợ 25 tỉ USD cho Trung Quốc bằng dầu thô. Cho đến nay, Bắc Kinh cho Luanda vay hơn 60 tỉ USD thông qua các khoản đầu tư trực tiếp và vào các dự án phát triển cơ sở hạ tầng kể từ khi 2 nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1983.

Trong khi đó, Trung Quốc cho Sri Lanka vay 5 tỉ USD trong giai đoạn 2010-2015 để phát triển các dự án cơ sở hạ tầng, gồm dự án phát triển cảng nước sâu Hambantota. Không thể trả nợ, quốc gia 22 triệu dân này hồi năm 2017 đã phải cho Trung Quốc thuê dài hạn 99 năm cảng Hambantota để “khất” khoản nợ 1,1 tỉ USD.

Riêng Kyrgyzstan được cho nợ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (Chexim) hơn 1,5 tỉ USD, chiếm 40% tổng nợ nước ngoài của quốc gia Trung Á. Ở đất nước với dân số chỉ hơn 6 triệu người này, các công ty Trung Quốc đã xây dựng nhiều tuyến đường với sự “tài trợ” của Chexim. Bên cạnh đó, Trung Quốc đang đầu tư khoảng 1 tỉ USD vào các dự án năng lượng ở Kyrgyzstan và làm dấy nên lo ngại Bishkek có thể rơi vào “bẫy nợ” của Bắc Kinh.

Nước láng giềng Tajikistan cũng cùng chung số phận. Ðược coi là một trong những quốc gia nghèo nhất ở châu Á, Tajikistan được WB và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đánh giá là có “nguy cơ cao” chìm trong nợ nần. Nợ Trung Quốc hiện chiếm hơn 80% tổng số nợ nước ngoài của Tajikistan. Do rất cần tiền mặt, Dushanbe chuẩn bị bán một số tài sản quan trọng cho Bắc Kinh. Ngoài ra, nước này còn có kế hoạch mượn thêm nợ nước ngoài để chi cho các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng trong lĩnh vực giao thông vận tải và năng lượng.

Ðáng chú ý, dù là quốc đảo nhỏ bé nhưng Maldives nợ Trung Quốc lên tới khoảng 3,5 tỉ USD, khiến IMF và WB lo ngại Malé có nguy cơ không trả nổi. Tại Maldives, Trung Quốc tham gia vào 3 dự án đầu tư lớn, gồm dự án nâng cấp sân bay quốc tế trị giá khoảng 830 triệu USD, dự án phát triển trung tâm dân cư và cầu gần sân bay có kinh phí khoảng 400 triệu USD. Hiện Maldives đang phải vật lộn với các khoản vay từ Trung Quốc mà phần lớn trong số này là vay từ các doanh nghiệp.

Về phần mình, nợ công của Djibouti đã tăng lên khoảng 80% GDP. Do Djibouti sở hữu tuyến đường vận chuyển quốc tế sầm uất với hơn 20.000 lượt tàu qua lại hằng năm, Trung Quốc đang muốn thúc đẩy các dự án xây dựng đường sá và cảng tại nước này, coi đây là “chốt” của sáng kiến “Vành đai, Con đường (BRI)” tại khu vực. Một trong số đó là Khu Thương mại Tự do Quốc tế Djibouti trị giá 3,5 tỉ USD do Trung Quốc bắt tay với Chính phủ Djibouti thực hiện. Nhận thấy đang gánh khoản nợ khổng lồ từ Trung Quốc, Djibouti buộc phải cho Bắc Kinh thuê một trong những căn cứ quân sự của nước này với giá chỉ 20 triệu USD/năm.

Ðặc biệt, Pakistan có nguy cơ vỡ nợ rất cao khi mang khoản nợ ước tính lên tới 62 tỉ USD. Trung Quốc được cho “tài trợ” khoảng 80% trong số này. Theo kế hoạch, Pakistan sẽ phải trả cho Trung Quốc 40 tỉ USD cả vốn lẫn lời tiền đầu tư vào Hành lang Kinh tế Trung Quốc - Pakistan (CPEC) trong vòng 20 năm.

Báo cáo của tổ chức nghiên cứu AidData (Mỹ) hồi năm ngoái xác định, Trung Quốc nắm giữ số nợ hơn 385 tỉ USD của 165 quốc gia thông qua các dự án BRI, trong đó nợ tại 42 nước thu nhập thấp và trung bình như như Lào, Papua New Guinea, Maldives, Brunei, Campuchia, Myanmar đã vượt quá 10% GDP. Ðể đi đến kết luận này, AidData phân tích 13.427 dự án phát triển của Trung Quốc có tổng trị giá 843 tỉ USD trên 165 quốc gia trong thời gian 18 năm tính đến cuối năm 2017.

Chia sẻ bài viết