20/01/2019 - 09:07

Trung Quốc cạnh tranh với Thung lũng Silicon 

Trung Quốc vừa “bật đèn xanh” đối với kế hoạch xây dựng khu Đại Vùng Vịnh (Greater Bay Area-GBA) tại miền Nam nước này nhằm cạnh tranh với Thung lũng Silicon của Mỹ trong bối cảnh có nhiều nghi ngờ xung quanh tính khả thi của dự án.

Dự án GBA có mục tiêu liên kết Hồng Công, Ma Cau và 9 thành phố của tỉnh Quảng Đông, trong đó gồm 2 siêu đô thị Thâm Quyến và Quảng Châu, thành một trung tâm khoa học và công nghệ thông tin khổng lồ vào năm 2035, với diện tích bằng diện tích của Vịnh San Francisco (Mỹ) và Vịnh Tokyo (Nhật Bản) gộp lại. Theo ABC News, GBA sẽ là kết quả của việc tích hợp cơ sở hạ tầng cũng như khả năng về tài chính, sản xuất và công nghệ của các thành phố nói trên. Trung Quốc từ đó hy vọng sẽ xóa bỏ các rào cản thương mại, khuyến khích kinh doanh xuyên biên giới và cuối cùng tạo ra một thị trường duy nhất.

Mô hình Đại Vùng Vịnh của Trung Quốc. Ảnh: ABC News

Theo một quan chức cấp cao Quảng Châu, chính quyền thành phố này đang có kế hoạch thiết lập một sàn giao dịch, một ngân hàng thương mại và một trung tâm tài chính quốc tế để tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của GBA. “Bằng cách tạo ra những dịch vụ tài chính như vậy và nhiều tiện ích về văn hóa, thương mại và dữ liệu lớn, chúng tôi đang có kế hoạch phát triển GBA thành một vùng vịnh mang tầm quốc tế cũng như thành một thành phố quốc tế hàng đầu trong Vùng đồng bằng Châu Giang” - Thị trưởng Quảng Châu Wen Guohui tuyên bố. Ông Wen tiết lộ, một khu vực hợp tác công nghiệp giữa Quảng Châu, Hồng Công và Ma Cau sẽ được hình thành tại GBA nhằm giới thiệu hoạt động kinh doanh công nghệ cao, từ chăm sóc sức khỏe, đường cao tốc, sân bay tới công nghiệp dữ liệu lớn. Hiện tại, tỉnh Quảng Đông như một trung tâm thương mại toàn cầu với kim ngạch xuất khẩu hàng hóa hơn 640 tỉ USD năm 2018, trong đó Thâm Quyến đang được biết đến như là Thung lũng Silicon của Trung Quốc. Tháng 10-2018, Trung Quốc đã khánh thành cây cầu vượt biển dài nhất thế giới nối Hồng Công và Ma Cau tới Đại lục, tạo nên một khu vực liên kết như là động lực dẫn dắt chủ chốt cho tăng trưởng kinh tế trong tương lai của quốc gia đông dân nhất thế giới.

Đặc khu trưởng Hồng Công Lâm Trịnh Nguyệt Nga tại Diễn đàn Tài chính châu Á mới đây nói rằng với tổng dân cư lên tới 70 triệu người và GDP trị giá 1,5 nghìn tỉ USD, dự án nói trên có tầm quan trọng chiến lược quốc gia. Bà Lâm nhận định, GBA theo thời gian sẽ cạnh tranh với Vịnh Tokyo và Vịnh New York về “sức mạnh kinh tế”. Riêng đối với Hồng Công, dự án GBA được xem là “bước chuyển mình” của ngành bất động sản. Vịnh Tokyo có 44 triệu người sinh sống với GDP hơn 1,8 nghìn tỉ USD, trong khi Vịnh New York có 20 triệu cư dân và giá trị GDP 1,6 nghìn tỉ USD.

Dự án trên phản ánh sự đổi mới sâu sắc cũng như tham vọng công nghệ của Trung Quốc. Nó đồng thời phù hợp với kế hoạch “Sản xuất tại Trung Quốc 2025”. Văn phòng các vấn đề Hồng Công-Ma Cau nói rằng chiến lược quốc gia do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng hồi năm 2015 này cũng nhằm mục đích thúc đẩy một cách sáng tạo nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ”, cho phép Hồng Công giữ quyền tự chủ sau khi được Anh trao trả cho Trung Quốc hồi năm 1997.

Song, hiện vẫn còn nhiều nghi ngờ xung quanh cách chính quyền Hồng Công, Ma Cau và Quảng Đông có thể hòa nhập khi mà chính sách về thuế quan, tiền tệ, hệ thống pháp lý và chính trị của 3 nơi này khác nhau. Alfred Wu, phó giáo sư tại Đại học Quốc gia Singapore, nhận định rằng kế hoạch xây dựng GBA trông “rất hời hợt và mang tính biểu tượng”. Theo ông Wu, các khu vực vịnh như Tokyo hay New York thành công là vì những nơi này được phát triển dưới cùng một hệ thống pháp lý. Ông cũng cho rằng “thật khó để nói” liệu GBA sẽ ăn mòn hay nâng cao nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ” khi mà cư dân Hồng Công rất “nhạy cảm” trước bất kỳ thay đổi nào liên quan đến nguyên tắc này.

 

TRÍ VĂN

 

Chia sẻ bài viết