28/01/2019 - 07:31

Trung lưu “chuẩn” Trung Quốc 

Bắc Kinh mong muốn tầng lớp trung lưu nước này tăng cường chi tiêu để đối phó với đà tăng trưởng kinh tế đang chựng lại, chỉ đạt 6,6% hồi năm ngoái-mức thấp nhất trong gần 3 thập niên qua. Tuy nhiên, không ít người được gọi là “trung lưu”  lại đang đối mặt với nỗi lo cơm áo gạo tiền.

Gần 1/3 dân Trung Quốc được coi là trung lưu. Ảnh: SCMP

Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cuối tuần rồi đã đưa ra định nghĩa về “thu nhập trung bình” khiến một bộ phận dân chúng không đồng tình. Cụ thể, trong báo cáo về việc các nhóm thu nhập khác nhau sử dụng thời gian như thế nào, cơ quan này xác định những người có nhu nhập hàng tháng dưới 2.000 NDT (295 USD) thuộc nhóm “thu nhập thấp”, từ 2.000-5.000 NDT (740 USD) thuộc nhóm “thu nhập trung bình”, từ 5.000-10.000 NDT (1.480 USD) thuộc nhóm “thu nhập khá cao”, và trên 10.000 NDT là “thu nhập cao”.

Nhiều người đã lập tức lên mạng xã hội bày tỏ sự bức xúc. “Đùa à? Tôi kiếm 3.000 NDT mỗi tháng và đột nhiên tôi trở thành trung lưu. Tôi nghĩ tôi thu nhập thấp”, một người viết trên tiểu blog Weibo.

Trước phản ứng của dư luận, Cục Thống kê đã phải liên tiếng “đính chính” rằng khái niệm thu nhập trung bình chỉ áp dụng cho báo cáo này chứ không phải theo nghĩa tổng quát.

Tại Mỹ, nền kinh tế số một thế giới, tầng lớp trung lưu theo định nghĩa của Trung tâm Nghiên cứu Pew là người có thu nhập từ  40.000-120.000 USD/năm. Trong khi đó, thu nhập bình quân đầu người tại Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ ba, là hơn 38.000 USD/năm so với khoảng 8.800 USD ở Trung Quốc.

Hiện Trung Quốc đang nỗ lực mở rộng tầng lớp trung lưu và nâng cao thu nhập của họ thông qua cải cách thuế nhằm kích thích tiêu dùng nội địa trong bối cảnh xuất khẩu gặp khó khăn do cuộc chiến thương mại với Mỹ. Năm ngoái, nước này đã nâng ngưỡng khởi điểm tính thuế thu nhập cá nhân từ 3.500 NDT lên 5.000 NDT, đồng thời mở rộng đối tượng giảm trừ gia cảnh, chẳng hạn như phải nuôi cha mẹ già. Tuy nhiên, những biện pháp đó được cho là chưa đủ.

Thật ra, Bắc Kinh chưa bao giờ đưa ra định nghĩa chính thức về thu nhập trung bình, nhưng Cục trưởng Cục Thống kê Ninh Cát Triết mới đây đã định nghĩa chung chung  như sau: “Ví dụ một gia đình 3 người, có thu nhập hàng năm từ 100.000-500.000 NDT. Hiện có khoảng 400 triệu người-tương đương 140 triệu hộ-nằm trong diện này. Họ có khả năng mua xe hơi, căn hộ hoặc đi du lịch”.

Tuy nhiên, một số người được gọi là trung lưu theo tiêu chí trên vẫn khẳng định thực ra họ chỉ đủ sống.

Nha sĩ Shen Quan làm việc tại một bệnh viện công ở Liêu Ninh nói rằng thu nhập của gia đình anh vào hàng trung bình của tỉnh nhưng còn xa để tiến tới lối sống trung lưu. “Tôi kiếm được 6.000 NDT mỗi tháng và vợ tôi, cũng là nha sĩ ở một bệnh viện công khác, có thu nhập khoảng 5.000 NDT. Chúng tôi không phải ở dưới đáy, nhưng chắc chắn chúng tôi không giàu”. Shen Quan cho biết gần phân nửa thu nhập của gia đình là để trang trải chi phí đi nhà trẻ của 2 cô con gái, bên cạnh đó là tiền trả góp mua nhà mỗi tháng hơn 2.000 NDT dù đã được cha mẹ vợ hỗ trợ rất nhiều.

Cuộc sống của những người được coi là thu nhập cao ở các đô thị giàu có của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng không khá hơn mấy. Đơn cử như Zhu Jian, quản lý cao cấp cho một công ty bán lẻ tại Bắc Kinh, có thu nhập hàng tháng 30.000 NDT và vợ, làm quản lý trường học, kiếm được 6.000 NDT.  “Bạn có thể nghĩ rằng chúng tôi sống khá thoải mái. Nhưng nhiêu đó chẳng thấm vào đâu so với chi phí. Mọi thứ đều đắt đỏ, từ xăng dầu, thực phẩm, học phí đại học của con gái cho đến tiền trả góp căn hộ ở ngoại ô”. Mỗi ngày Zhu Jian phải đi làm rất xa và để tiết kiệm tiền anh mang theo thức ăn, trong khi vợ dùng cơm được trợ giá tại căng-tin của trường.

QUỐC KHÁNH (Theo SCMP)

Chia sẻ bài viết