27/11/2016 - 16:28

Trung Hưng - xã đạt chuẩn quốc gia về nông thôn mới

Là một xã nông thôn ngoại thành, đa số nhân dân làm nông nghiệp, đời sống còn nhiều khó khăn. Xuất phát điểm thấp, kết cấu hạ tầng nông thôn còn nhiều yếu kém, nhưng với nỗ lực và quyết tâm cao của cả h ệ thống chính trị, ngày 29-11, UBND xã Trung Hưng long trọng tổ chức đón nhận danh hiệu "Xã đạt chuẩn quốc gia về nông thôn mới".

Ngày 23-11, huyện Cờ Đỏ tổ chức lễ khánh thành 5 công trình giao thông nông thôn trên địa bàn xã Trung Hưng, gồm các tuyến đường: Ngã Tư - Lái Sáu, tuyến Xẻo Xây - Ngã Cũ (giai đoạn 2), tuyến Lâm Chích - Ba Gừa, tuyến Trà Ninh và tuyến đường từ cầu Kênh Mới đến cầu Trung Hưng 2... Các công trình này có tổng chiều dài khoảng 10km, mặt đường rộng 4m được kết cấu bê tông cốt thép với tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng các công trình gần 17 tỉ đồng. Số tiền này chưa kể nhân dân hiến đất, hoa màu, di dời vật, kiến trúc và đóng góp ngày công lao động. Ông Nguyễn Văn Hên, ngụ ấp Thạnh Phú 1 bày tỏ vui mừng nói: "Vui mừng lắm khi có đường bê tông rộng, thông thoáng! Từ đây, không chỉ việc đi học của con em trong ấp dễ dàng hơn, mà việc đi lại buôn bán hàng hóa nông sản của người dân chúng tôi chắc chắn sẽ thuận tiện hơn".

 Hệ thống giao thông nông thôn của xã Trung Hưng vừa mới được khánh thành, đưa vào sử dụng. Ảnh: UYỂN NHI

Việc khánh thành các công trình giao thông nêu trên là một trong những hoạt động chào mừng sự kiện quan trọng của địa phương: Ngày 29-11, xã Trung Hưng đón nhận danh hiệu xã đạt chuẩn quốc gia về nông thôn mới (NTM). Ông Nguyễn Đức Huy, Chủ tịch UBND xã cho biết: Kết quả này là một quá trình nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng của người dân quyết tâm thực hiện đạt các tiêu chí về NTM. Bởi, ngay khi bắt tay vào xây dựng chương trình, Trung Hưng chỉ đạt 7/20 tiêu chí theo Bộ tiêu chí TP Cần Thơ về NTM. Thêm vào đó, Trung Hưng là một xã nông thôn, kết cấu hạ tầng nông thôn còn nhiều yếu kém. Đa số người dân làm nông nghiệp, đời sống còn nhiều khó khăn nên mức đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế. Trong khi việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về NTM cần có nguồn vốn lớn để đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng cơ sở, giao thông nông thôn, cơ sở vật chất văn hóa, y tế, trường học… nhưng nguồn vốn đầu tư chưa đáp ứng nhu cầu đặt ra.

Nhận diện được thực lực, nhất là khó khăn, thách thức nên ngay sau khi Đề án về xây dựng NTM xã Trung Hưng được phê duyệt (năm 2012), UBND xã phân công thành viên Ban Chỉ đạo hỗ trợ ấp, phân công thành viên Ban Quản lý xã theo dõi từng tiêu chí để thực hiện; Ban Quản lý xã xây dựng kế hoạch đẩy mạnh triển khai thực hiện, sơ kết rút kinh nghiệm. Đảng ủy xã cũng ban hành Nghị quyết về xây dựng NTM; Ban Phát triển ấp xây dựng kế hoạch NTM riêng của từng ấp... Để tạo được sự đồng thuận và chung tay xây dựng NTM trong dân, UBND xã chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú, đa dạng thông qua tuyên truyền trực tiếp trong các cuộc họp, hoặc lồng ghép trong các buổi tuyên truyền khác và thông qua đài truyền thanh... Đến nay, xã đã tổ chức 60 cuộc tuyên truyền các văn bản, chủ trương của Đảng và Nhà nước về NTM với 600 lượt người dự; cấp phát 6.500 tờ bướm, treo panô, đài truyền thanh xã phối hợp với đội tuyên truyền lưu động của thành phố và huyện đến tuyên truyền trên địa bàn xã; cấp 220 sổ tay, phát 3.300 tờ tuyên truyền về 20 tiêu chí NTM đến tất cả hộ dân trong xã.

Trong xây dựng NTM, lãnh đạo xã Trung Hưng xác định, nâng cao thu nhập cho người dân mới tạo được bước chuyển căn cơ. Chính vì thế, xã đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đầu tư hoàn chỉnh hệ thống đê bao khép kín. Đồng thời, triển khai kế hoạch sản xuất lúa vụ 3 gắn với cải tạo vườn tạp và chăn nuôi; nhân rộng các mô hình làm ăn có hiệu quả, giới thiệu và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn… Đến nay, toàn xã có gần 3.200ha đất chuyên sản xuất 3 vụ lúa/năm. Nông dân đều áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất; tất cả các khâu làm đất, thu hoạch đều cơ giới hóa 100% diện tích. Ngoài ra, Trung Hưng còn có các mô hình xen canh, luân canh như 2 lúa - 1 màu, trồng màu, nấm rơm trên bờ đê, chuyên canh màu dưới chân ruộng với các loại như dưa hấu, đậu, rau ăn lá các loại... đem lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, xã Trung Hưng có 52 tổ hợp tác hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp; 4 hợp tác xã hoạt động trên lĩnh vực thủy lợi, xây dựng dân dụng và 1 hợp tác xã dịch vụ - nông nghiệp. Xã đã xây dựng được cánh đồng lớn tại ấp Thạnh Trung với diện tích 536ha, Doanh nghiệp tư nhân Trung Thạnh bao tiêu sản phẩm giúp nông dân yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Ông Nguyễn Đức Huy, Chủ tịch UBND xã Trung Hưng nhận xét: Nhờ kết hợp thực hiện các giải pháp nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân đã góp phần tăng thu nhập bình quân đầu người của xã tăng dần qua các năm. Từ đó người dân có điều kiện đóng góp thêm nguồn lực trong công cuộc xây dựng NTM của địa phương. Theo UBND xã Trung Hưng, từ năm 2011 đến tháng 9-2016, xã đã huy động được hơn 538 tỉ đồng xây dựng NTM. Trong đó, nguồn vốn do nhân dân đóng góp (tiền mặt, đất, hoa màu, vật kiến trúc, ngày công lao động...) đạt hơn 105 tỉ đồng. Thu nhập bình quân của xã năm 2016 là 34 triệu đồng/người/năm; toàn xã chỉ còn 209 hộ nghèo, chiếm 3,92% tổng số hộ của xã.

Đến nay, xã Trung Hưng đã đạt 20/20 tiêu chí theo Bộ tiêu chí TP Cần Thơ về NTM và chính thức được công nhận xã đạt chuẩn quốc gia về NTM. Dù vậy, theo ông Nguyễn Đức Huy, Chủ tịch UBND xã: Không chủ quan với kết quả đạt được, thay vào đó, Trung Hưng tiếp tục nâng chất các tiêu chí đã đạt và tập trung củng cố những tiêu chí còn đạt yếu. Xã tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả… Ngoài sự nỗ lực của địa phương, để việc xây dựng NTM đi vào chiều sâu, thật sự bền vững, Trung Hưng đề nghị thành phố, huyện có chính sách ưu đãi hơn nữa để khuyến khích mời gọi doanh nghiệp chung tay xây dựng NTM thông qua các chương trình hợp tác sản xuất nông nghiệp, kinh doanh, giải quyết việc làm... Đồng thời, sớm có chính sách hỗ trợ vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất nông nghiệp, đầu tư áp dụng khoa học công nghệ sau thu hoạch... để ngày càng nâng cao hiệu quả sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn.

QUANG ĐĂNG

Chia sẻ bài viết