13/03/2022 - 19:37

Trong tháng 3-2022, xâm nhập mặn tiếp tục lấn sâu vào nội đồng tại ÐBSCL 

(CT) - Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, từ đầu tháng 3 đến nay, tại ÐBSCL mặn xâm nhập sâu 1g/l cao nhất trên sông Tiền từ 52-55km, sông Hàm Luông từ 70-74km, các cửa sông khác từ 54-61km, trên hệ thống sông Vàm Cỏ mặn vào sâu từ 95-108km. Ven biển Tây, nhờ có hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé đã đi vào hoạt động, mặn được chủ động kiểm soát. 

Trạm bơm nước trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh (TP Cần Thơ) được quản lý tốt, phục vụ nông dân sản xuất nông nghiệp trong mùa khô hạn.

Tình trạng trên đã làm ảnh hưởng đến việc lấy nước ngọt phục vục sản xuất tại các vùng cửa sông. Ðặc biệt, tại các tỉnh ven biển xâm nhập mặn đã làm ảnh hưởng đến sản xuất ở cả khu vực có nước mặn và nước ngọt ở các địa phương này. 

Dự báo, trong những ngày giữa và cuối tháng 3-2022, xâm nhập mặn 1g/l tại khu vực ÐBSCL giảm hơn đầu tháng 3, tuy nhiên vẫn giữ mức cao, lấn sâu vào nội đồng. Cụ thể, trên sông Tiền mặn xâm nhập từ 52-54km, sông Hàm Luông 68-72km, các cửa sông khác từ 54-60km, trên hệ thống sông Vàm Cỏ mặn vào sâu từ 93-105km...

Thời gian tới, các địa phương vùng ÐBSCL cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý chuyên ngành để bố trí lịch mùa vụ sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng sử dụng ít nước, thích nghi mặn, nhất là ở vùng cách biển từ 35-45km.

Sau khi thu hoạch lúa đông xuân 2022, các địa phương cần chờ nguồn nước ngọt trên sông ổn định hoặc chờ mưa diện rộng mới xuống giống vụ lúa hè thu 2022; phối hợp với các đơn vị quản lý và khai thác công trình thủy lợi, cập nhật lịch vận hành, tranh thủ lấy ngọt (khi độ mặn ngoài sông cho phép) để tích trữ nước ao, ruộng, mương liếp…

Tin, ảnh: H.VĂN

Chia sẻ bài viết