01/12/2008 - 20:25

Trồng cây ca cao cần gắn với thị trường tiêu thụ

Trong khoảng 3 năm trở lại đây, nhiều tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã phát triển mạnh diện tích trồng ca cao xen trong vườn dừa và vườn cây ăn trái do mô hình này đem lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, tại tỉnh Bến Tre đã có khoảng 3.500 ha ca cao trồng xen vườn dừa, cây ăn trái và tỉnh Tiền Giang cũng có khoảng 1.300 ha thực hiện mô hình này… Mới đây, huyện Phong Điền (TP Cần Thơ) đã triển khai mô hình trồng xen cây ca cao trong vườn cây ăn trái. Tuy mới triển khai, nhưng nhiều nông dân rất kỳ vọng vào mô hình này vì đầu ra sản phẩm đã được bao tiêu…

TRIỂN VỌNG TỪ CÂY CA CAO

Huyện Phong Điền có diện tích tự nhiên 11.000 ha, trong đó có 6.000 ha đất vườn và 4.000 ha đất ruộng. Trước đây, ca cao đã từng được trồng ở Phong Điền, cây phát triển rất tốt và cho trái nhiều. Nhưng do chưa có doanh nghiệp (DN) đứng ra bao tiêu và thu mua sản phẩm nên nhiều nông dân còn lo ngại. Ông Thái Văn Bảy, ở ấp Mỹ Long, xã Mỹ Khánh, Phong Điền, cho biết: “Đất ở Phong Điền trồng ca cao tốt nhưng vấn đề quan trọng là phải có nơi tiêu thụ. Tôi đã biết hiệu quả của cây ca cao trồng xen trong vườn dừa, cây ăn trái nhưng chưa dám trồng. Tôi đang trồng cóc và chỉ xen canh chuối chứ không biết trồng cây gì, nếu ca cao có đầu ra tôi sẽ trồng”.

Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phong Điền vừa phối hợp với Công ty TNHH Cargill Việt Nam tổ chức tọa đàm triển khai mô hình trồng xen cây ca cao trong vườn cây ăn trái. Tại buổi tọa đàm, anh Nguyễn Hoàng Phượng, Chủ cơ sở sản xuất giống và thu mua ca cao Nguyễn Hoàng Phương ở huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre (là cơ sở mua sản phẩm cung ứng cho Cargill Việt Nam) đã hứa sẽ bao tiêu thu mua sản phẩm của bà con trong huyện và bán cây giống theo dạng cho nợ một phần. Bà con chỉ trả trước 60% số tiền cây giống, còn lại 40% được cho thiếu 30 tháng. DN sẽ bao tiêu thu mua sản phẩm và đặt trạm thu mua sản phẩm tại Phong Điền, nếu bà con trong huyện đăng ký trồng từ 50.000-60.000 cây ca cao trở lên. Anh Nguyễn Hoàng Phượng, cho biết thêm: “Cơ sở sẽ cung cấp 100% giống cây ca cao ghép cho bà con. Cây ca cao ghép có ưu điểm là chống chịu sâu bệnh tốt và cho năng suất cao, cây cho trái sau khoảng 18 tháng trồng. Giá ca cao giống sẽ ở mức 7.000 đồng/cây. Thời điểm giao cây vào năm 2009”. Cùng với việc tổ chức buổi tọa đàm, trước đó huyện Phong Điền cũng đã hỗ trợ 2.035 cây ca cao giống (với mức hỗ trợ 60% trên giá cây) cho 8 hộ dân tại xã Trường Long thực hiện mô hình điểm nhằm từ đó có thể nhân rộng diện tích trồng ca cao trong huyện. Dự kiến có 10 ha ca cao được trồng thí điểm.

Mô hình trồng xen ca cao hiệu quả của anh Nguyễn Văn Lập, xã Phú Khánh, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. 
Ảnh: CAO DƯƠNG 

Công ty TNHH Cargill Việt Nam (thuộc Tập đoàn Cargill) là nhà thu mua các sản phẩm hạt ca cao chế biến xuất khẩu. Hiện Cargill có 5 nhà máy thu mua và chế biến ca cao trên thế giới. Nhà máy lớn nhất đặt ở Hà Lan có công suất 225.000 tấn/năm. Riêng ở Việt Nam Cargill có một nhà máy chế biến ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2 hoạt động từ năm 2005. Công ty hiện có 2 trạm thu mua hạt ca cao, một trạm đặt ở TP Buôn Mê Thuột, tỉnh Đắc Lắc, trạm còn lại đặt ở Bến Tre, để thu mua ca cao ở các tỉnh Đồng Nai, Vũng Tàu, Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long và dự kiến sau này sẽ có thêm TP Cần Thơ. Trạm đặt ở Bến Tre hiện thu mua khoảng 20 tấn hạt ca cao/tháng. Ngoài trạm thu mua, Cargill còn phát triển các điểm thu mua và các cơ sở thu mua. Cụ thể, như Cơ sở thu mua của anh Nguyễn Hoàng Phượng tại huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre đang thu mua khoảng 3 tấn hạt khô và 50 tấn trái tươi/tháng.

Theo anh Lương Văn Lợi, phụ trách trạm thu mua ca cao ở miền Tây và miền Đông Nam bộ (Công ty TNHH Cargill Việt Nam), hiện nay ca cao trồng tại nhiều tỉnh ĐBSCL có năng suất cao gấp 2-3 lần so với nhiều vùng khác trên thế giới. Cây 4 năm tuổi có thể đạt năng suất 1-1,5 tấn/ha. Cây ca cao có thể cho năng suất 2 tấn/ha vào năm thứ 5 và người trồng có thể đạt thu nhập 35 triệu đồng/ha. Hiện nay, nhu cầu về ca cao trên thế giới đang rất lớn, khoảng 3 triệu tấn/năm. Giá ca cao trong 25 năm qua ở mức trung bình 19.000 đồng/kg. Riêng đầu năm 2008 đến nay, giá ca cao ở mức từ 28.000-35.000 đồng/kg.

Tuy điểm yếu của ngành ca cao Việt Nam là phần lớn thu mua hạt xuất khẩu, chưa chế biến nhiều, nhưng sản phẩm ca cao xuất khẩu của Việt Nam được đánh giá có chất lượng hàng đầu châu Á. Trồng ca cao đang có thuận lợi là đã có định hướng phát triển, xây dựng thương hiệu. Có giống ca cao ghép năng suất cao, ít sâu bệnh. Người trồng và thu mua ca cao được xây dựng thói quen lên men hạt ca cao trước khi phơi khô xuất khẩu nên chất lượng tốt hơn so với hạt phơi khô mà không qua giai đoạn lên men. Theo chỉ tiêu phân bổ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, TP Cần Thơ có thể phát triển trồng đến 1.500 ha ca cao vào năm 2020.

CẦN TÍNH TOÁN KỸ

Trước đây, cây ca cao đã từng được trồng tại địa bàn Cần Thơ nhưng cuối cùng nhà vườn phải đốn bỏ do không có thị trường tiêu thụ, giá bán thấp. Bên cạnh đó, nhà nông cũng chưa hiểu biết nhiều về ca cao và các giống ca cao, nên cây dễ bị sâu, bệnh dẫn đến năng suất thấp. Mặt khác, ca cao là loại cây công nghiệp, phải trồng với diện tích lớn để có sản lượng đủ đáp ứng chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Ông Nguyễn Thành Hân ở xã Nhơn Nghĩa, Phong Điền, bộc bạch: Với giá ca cao giống khoảng 7.000 đồng/cây và được nợ 40% tiền cây giống trong 30 tháng, đầu tư trồng 1 công (1.000m2) ca cao không quá lớn, chỉ tốn trên 1 triệu đồng. Thấy có một doanh nghiệp hứa bao tiêu thu mua sản phẩm nên tôi đang đăng ký mua 210 gốc ca cao giống để trồng trong năm tới. Theo tôi, chương trình bao tiêu thu mua sản phẩm cần phải có những ràng buộc cụ thể để nhà nông yên tâm. Hiện nay, Công ty TNHH Cargill Việt Nam cho rằng do công ty là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài nên không thể trực tiếp ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với nông dân mà phải thông qua doanh nghiệp trong nước hoặc hợp tác xã. Đây chính là điều bà con băn khoăn, vì sợ rồi đây Cargill lại không mua thì ai chịu trách nhiệm về hợp đồng bao tiêu?”.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, cây ca cao thường bị hai loại sâu bệnh là thúi trái và rệp sáp. Vì vậy, khi trồng ca cao khâu chọn giống rất quan trọng. Hiện nay, có 2 phương pháp trồng ca cao là trồng xen trong vườn dừa hoặc vườn cây ăn trái và trồng chuyên canh cây ca cao. Thực tế, mô hình trồng xen cây ca cao trong vườn dừa đã có hiệu quả tại các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang. Riêng trồng chuyên canh cây ca cao thì chưa có nơi nào trồng hiệu quả. Do đó, nhà nông cần phải tính toán kỹ khi có ý định trồng chuyên canh cây ca cao. Ông Hà Anh Dũng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ), cho rằng, nhà vườn không nên trồng cây ca cao riêng lẻ mà nên trồng xen nó dưới các tán cây ăn trái nhằm có thêm thu nhập. Riêng về việc ai đứng ra làm đầu mối để tiêu thụ sản phẩm cho nông dân thì hiện hầu như chưa có ai trả lời được câu hỏi này.

Thực tế cho thấy, ở Bến Tre trồng ca cao đạt hiệu quả tốt là có mô hình trồng xen trong vườn dừa và cây ăn trái. Thu nhập chính của nhà vườn vẫn là từ vườn dừa và cây ăn trái, còn thu nhập từ cây ca cao là phần phụ tăng thêm. Hiện nay, giá hạt ca cao khô tại nhiều tỉnh (Bến Tre, Tiền Giang) ở mức 31.000-32.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá trái ca cao tươi chỉ ở mức khoảng 2.500 đồng/kg. Trung bình phải 10-11kg trái tươi mới thu được 1kg hạt khô. Một cây ca cao mỗi năm cho cao nhất khoảng 150 trái thì tính ra chỉ có 1.000 đồng/trái. Do đó, rất khó có hiệu quả nếu không trồng xen canh và xem nó như một nguồn thu nhập thêm.

KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết