Lãi suất tiền vay ở các ngân hàng đang ở mức cao nhưng không phải doanh nghiệp (DN) nào cũng có thể tiếp cận được nguồn vốn này, nhất là DN vừa và nhỏ. Còn đối với kênh cho thuê tài chính, DN muốn tiếp cận phải có dự án sản xuất khả thi, nhưng việc lập và thẩm định dự án lại rất nhiêu khê. Do vậy, nhiều DN phải “thắt lưng buộc bụng” để chờ qua “cơn khốn khó”.
Ông Lê Ngọc Thành, Giám đốc Công ty CP Da Tây Đô, cho biết: “Lãi suất ngân hàng tăng là khó khăn chung của nhiều DN. Do đó, chúng tôi phải tính toán kỹ chi phí sản xuất và cân đối nguồn vốn lưu động cho phù hợp. Tôi nghĩ, Chính phủ kiềm chế lạm phát, siết chặt tín dụng, nhưng đối với DN sản xuất và xuất khẩu cần phải được quan tâm để DN có điều kiện ổn định sản xuất. Bây giờ, hạn chế nguồn vốn, nên DN phải chấp nhận thu hẹp sản xuất để giảm rủi ro”. Theo ông Thành, vì lãi suất vay ở ngân hàng đã lên đến 21%/năm nên để kiếm được 21% lợi nhuận trên tổng doanh thu là điều chẳng dễ dàng chút nào đối với DN trong tình hình chi phí sản xuất tăng, đầu ra lại hạn chế như hiện nay.
 |
Sức ép tăng lương cho công nhân cũng là khó khăn chung của DN. Trong ảnh: Công nhân xưởng may xuất khẩu tại Công ty cổ phần May Meko. Ảnh: Nam hương |
Không chỉ đối mặt với lãi suất ngân hàng, chi phí đầu vào tăng mà hiện tại nhiều DN còn gặp khó khăn khi công nhân đòi tăng lương để đảm bảo cuộc sống. Đây là “lực cản” rất lớn cho DN, nhất là ngành thủy sản và may mặc phải sử dụng nhiều lao động. Đa phần DN may mặc đều làm gia công, dù giá gia công có tăng, nhưng cũng không bù đắp được chi phí giá thành, phí vận chuyển (do phải xuất hàng qua cảng ở TP Hồ Chí Minh). Một số DN ngành may mặc ở TP Cần Thơ cho biết, tăng lương để giữ chân công nhân, đảm bảo sản xuất theo đơn đặt hàng là điều chẳng dễ dàng trong điều kiện bị hạn chế nguồn vốn. Vấn đề này đã đẩy nhiều DN rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan.
Đó là ngành thủy sản, may mặc. Còn DN xay xát, chế biến gạo thì chịu một khoản thuế giá trị gia tăng (VAT) khi tiêu thụ gạo nội địa. Đợt “sốt ảo” gạo vừa rồi đã cho thấy sự yếu kém của hệ thống phân phối nội địa là kẽ hở cho tư thương thao túng. DN nhà nước có trách nhiệm thu mua, chế biến xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Nhưng vì sao những đơn vị này không mặn mà với thị trường nội địa? Theo lý giải của DN, nếu xuất khẩu thì thuế suất 0%, trong khi bán gạo nội địa phải chịu thuế VAT 5%. Ông Lê Minh Trượng, Giám đốc Công ty Lương thực sông Hậu, cho biết: “Khi DN mở cửa hàng gạo tiêu thụ nội địa không cạnh tranh lại với tư thương vì phải chịu thuế VAT 5%, còn những cửa hàng gạo của tư thương chỉ đóng thuế khoán. Nếu 1kg gạo giá bán 10.000 đồng, khi cộng thuế, DN phải niêm yết giá 10.500 đồng/kg, còn tư thương chỉ cần niêm yết 10.000 đồng/kg đã có lời”.
Trong 6 tháng đầu năm 2008, tốc độ tăng trưởng GDP thành phố là 12,6%. Kế hoạch 2008 của thành phố là tốc độ tăng trưởng GDP từ 16,3- 16,5%. Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp để kiềm chế lạm phát, trong đó có việc điều chỉnh tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước. Nhưng theo lãnh đạo thành phố Cần Thơ, vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã gợi ý Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL cố gắng giữ mức tăng trưởng GDP theo kế hoạch đã đề ra. Hiện nay, ngân sách của thành phố có khoảng 80% là mức đóng góp của DN, trong khi đó, nhiều DN đang thu hẹp sản xuất để giảm rủi ro. Do đó, thành phố cần tiếp tục có biện pháp hỗ trợ để giúp DN ổn định sản xuất và tăng trưởng bền vững.
Gia Bảo