05/01/2019 - 14:09

Trợ lực cho doanh nghiệp 

Quá trình hội nhập quốc tế đã và đang mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp ở TP Cần Thơ và cả nước nói chung mở rộng sản xuất và phát triển xuất khẩu. Tuy nhiên, khó khăn đặt ra cho doanh nghiệp cũng rất lớn khi áp lực cạnh tranh ở cả thị trường trong nước và quốc tế ngày càng tăng.

Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở TP Cần Thơ. Ảnh: KHÁNH TRUNG

Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở TP Cần Thơ. Ảnh: KHÁNH TRUNG

Đến nay, nước ta đã tham gia ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có nhiều FTA đã có hiệu lực như: ATIGA (Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN), FTA ASEAN-Trung Quốc, ASEAN-Hàn Quốc, ASEAN- Nhật Bản, ASEAN-Úc, New Zealand, ASEAN-Ấn Độ và các FTA song phương giữa Việt Nam- Nhật Bản, Chile, Hàn Quốc, Liên minh kinh tế Á Âu… Các FTA đã và đang tạo nhiều cơ hội cho doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang nhiều thị trường trên thế giới và người tiêu dùng trong nước cũng được tiếp cận nhiều loại hàng hóa chất lượng với giá rẻ nhờ thuế xuất nhập khẩu giảm.

Thời gian qua, doanh nghiệp ở TP Cần Thơ  đã tận dụng khá tốt các cơ hội do FTA mang lại, đẩy mạnh xuất khẩu, khai thác các thị trường mới mở và phát huy lợi thế cạnh tranh của nông sản, hàng hóa khi được giảm các dòng thuế suất khi xuất khẩu vào các nước. Thành phố tích cực hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, sản phẩm, tiếp cận và mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu. Năm 2018, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn thành phố ước đạt 125.510 tỉ đồng, vượt 2,47% so với kế hoạch, tăng 12.26% so với năm 2017. Xuất khẩu hàng hóa và doanh thu dịch vụ thu ngoại tệ đạt mức cao kỷ lục 2.070 triệu USD, vượt 15,64% kế hoạch, tăng 13,14% so với năm 2017. Đến nay, các doanh nghiệp tại thành phố đã giao thương, xuất khẩu hàng hóa đến gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Cơ hội để doanh nghiệp Cần Thơ tiếp tục mở rộng sản xuất và phát triển xuất khẩu trong thời gian tới là rất lớn, nhất là khi nước ta tiếp tục đàm phán, ký kết thêm nhiều các FTA. 

Theo nhiều doanh nghiệp, phần lớn các doanh nghiệp tại thành phố và vùng ĐBSCL nói chung là doanh nghiệp vừa và nhỏ, với năng lực tài chính hạn chế, gặp khó trong nắm bắt thông tin thị trường xuất khẩu, lộ trình thực hiện cụ thể của các FTA và các đối tác nên doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ thêm từ Nhà nước. Doanh nghiệp cần được trợ lực nâng cao chất lượng, thương hiệu sản phẩm, chủ động ứng phó và vượt qua các rào cản phi thuế quan được các nước đặt ra, cũng như hỗ trợ về mặt pháp lý cho doanh nghiệp khi phải đối mặt với các vụ “thưa kiện” mang tính quốc tế.

Cần Thơ được đánh giá còn nhiều tiềm năng để phát triển xuất khẩu gạo, thủy sản, nông sản và nông sản thực phẩm chế biến. Song, việc xây dựng các vùng nông sản nguyên liệu chất lượng cao phục vụ xuất khẩu còn gặp nhiều trở ngại do nông dân sản xuất nhỏ lẻ và doanh nghiệp còn thiếu vốn để cung ứng vật tư đầu vào và thanh toán tiền cho nông dân khi thu hoạch sản phẩm.  Do vậy, các cơ quan chức năng cần tăng cường hỗ trợ, khuyến khích nông dân liên kết với nhau thành lập các tổ hợp tác và hợp tác xã để thuận lợi trong liên kết với doanh nghiệp. Đồng thời, cần tăng cường các nguồn vốn cho vay ưu đãi để doanh nghiệp liên kết với nông dân phát triển sản xuất, xuất khẩu các loại nông sản chất lượng cao, mang lại giá trị gia tăng cao. Sản phẩm xây dựng được thương hiệu với chất lượng cao và ổn định, doanh nghiệp sẽ khai thác tốt thị trường xuất khẩu.

KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết