12/06/2010 - 20:59

Trò chơi dân gian của người Khmer Nam bộ

Đua ghe Ngo - không thể thiếu trong các lễ hội lớn của bà con Khmer.

Bà con dân tộc Khmer là một bộ phận trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, phần lớn cư trú, sinh sống ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Cũng như các dân tộc khác, người Khmer có một nền văn hóa đậm đà bản sắc, phong phú và đa dạng. Ngoài phong tục, tập quán, các lễ hội đặc trưng, bà con Khmer còn có những trò chơi dân gian gắn với các lễ hội khác đặc sắc và hấp dẫn. Một số trò chơi tiêu biểu thường được tổ chức tại các phum, sóc, sân chùa, trường học.

Đánh Kol: Kol là một khúc cây tròn ngắn, cứng, dài chừng 5 đến 8cm bằng ngón tay cái. Trên một khoảng sân rộng bằng non nửa sân bóng đá, người chơi chia làm hai phe, từ 5 đến 10 người một phe. Mỗi phe đứng dàn ngang ở vạch cuối sân. Giữa sân có một gạch ngang chia đôi bên. Giữa lằn gạch có một lỗ tròn.

Bắt đầu chơi, mỗi bên lần lượt cử người cầm khúc gậy gỗ dài chừng 1m gõ cho kol bay lên vừa tầm và đánh về phía đối phương. Nếu người cầm gậy phía bên kia bắt (chụp) được kol thì mang lại lỗ và đánh trả lại. Nếu đỡ hụt (không bắt được kol) thì người đỡ phải nhặt khúc kol chạy đến vạch cho vào lỗ. Lúc nầy mọi người phe kia ùa ra cản và giành khúc kol trở lại. Người bị truy đuổi phải chuyền khúc kol lại cho phe mình và tìm cách làm sao cho kol vào lỗ là thắng. Phe kia nếu cướp được kol thì bên giữ kol bị thua. Tùy theo giao kết, thường thì những người bên thua phải cõng những người bên thắng đi một vòng sân hoặc chịu một yêu cầu khác. Chơi kol gần giống như trò chơi “đánh trổng” (Nam bộ), đánh khăng (phía Bắc) của người Kinh.

Lbeng Arat Sva là trò chơi của trẻ Khmer Nam bộ còn gọi là trò chơi “khỉ nhập”. Lbeng Arat Sva thường được tổ chức vào những đêm trăng sáng ở trước sân nhà, sân phơi lúa. Bắt đầu cuộc chơi, bọn trẻ gom lại rồi chọn một người làm “khỉ”. “Khỉ” bị bịt mắt và ngồi giữa sân. Bọn trẻ con đi vòng quanh vừa vỗ tay vừa nói những câu chọc tức. Khi đám trẻ đi đủ ba vòng và không nói nữa, người làm khỉ lộn đầu ba lần rồi nhảy lên đuổi bắt bọn trẻ. Bắt được người nào khỉ cắn người đó (giả vờ). Bọn trẻ không được đánh khỉ mà chỉ xúm lại cố kéo người bị khỉ cắn ra. Trò chơi cứ thế kéo dài đến khi lũ trẻ chán thôi. Khi nghỉ chơi, một đứa trẻ phải đi hái lá môn múc nước về tạt vào khỉ cho nó trở lại kiếp người, vì lúc đầu nó đã bị “khỉ nhập” rồi!

Qòng Hơ Khlen còn gọi là Bòng Hơ Khlen là trò thả diều thường tổ chức vào tháng 11 (tháng Maksir của người Khmer). Diều có nhiều loại khác nhau như: Khlen Phnong dài 3-4m trên đầu mang một “cây đờn” được làm bằng tre dán giấy (giống như sáo diều của người Kinh). Tùy theo gió mạnh hay yếu, diều bay cao hay thấp mà “cây đờn” phát ra âm thanh to hay nhỏ. Ngoài loại diều sáo còn có loại diều đấu. Diều đấu có mỏ nhọn bằng tre vót sắc bén, có thể đâm rách diều đối phương. Một loại diều đấu khác có dây se keo dán các mảnh thủy tinh nhỏ để nghiến đứt, cứa rách diều địch. Ngoài mục đích vui chơi người Khmer còn thả diều để cầu trời cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.

Tok Sây là trò chơi đá cầu. Quả cầu làm bằng lông vịt và mỗi lần chơi có ít nhất 4 người đứng ở 4 góc chuyền theo đường thẳng hay vòng tròn tùy thích. Giữ cho trái cầu không rơi xuống đất càng lâu càng hay. Người nào đá hỏng (hụt) sẽ phải ra ngoài và bị bôi lọ lên mặt tùy theo lời giao. Nhiều người có kỹ thuật đá rất độc đáo như: đá móc, đá giò lái, đá bàn, đá ngoéo, đá tạt ngang. Ngoài ra, còn có loại cầu bằng sợi mây đan tròn như quả bóng quần vợt gọi là “Sây kem pôn”. Loại nầy khó đá nên kén người chơi. Mỗi lần đá có từ 4 đến 12 người đứng thành vòng tròn hoặc chéo góc giống như đá cầu lông vịt. Tok Sây rất giống đá cầu lông của người Kinh.

Qòng Hot Kon (Thả đèn gió, đèn trời) cũng là một trò chơi dân gian hấp dẫn. Làm đèn gió và đốt đèn khá đơn giản. Miệng đèn là một thanh tre được làm như cạp rổ. Thông thường đường kính miệng đèn rộng 0,8m và thân đèn cao 1m. Miệng đèn làm khuôn để dán giấy. Giấy dán đèn là giấy bản hoặc giấy dó, có độ dai bền. Tim bấc đèn bằng sợi vải tẩm với dầu phộng hoặc mỡ heo. Từ miệng đèn có sợi dây để buộc bấc đèn. Khi đốt, người ta giữ cho đèn thăng bằng rồi châm lửa vào bấc, lửa nóng làm không khí trong lòng đèn giãn nở và đèn từ từ bay lên, gặp gió đèn sẽ bay cao, bay xa.

Vào dịp lễ Ok-Om-Bok, người Khmer hay thả đèn gió với mục đích cầu cho trời đất phù hộ mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, nhân dân an lành. Tuy nhiên, do tránh hỏa hoạn nên hiện nay không được phép thả đèn gió.

Qro Năng Tuk Ngo (đua ghe Ngo) không thể thiếu trong các lễ hội lớn. Đua ghe ngo thường được tổ chức vào dịp lễ Ok-Om-Bok, thu hút đông đảo người xem cổ vũ cho các đội tham gia thi tài.

Những người thợ rất kỳ công để làm được một chiếc ghe ngo vừa ý và đẹp. Hình dáng ghe ngo tựa như con rắn mình thon dài thoai thoải về hai phía, đầu uốn cong và thấp hơn đằng sau lái một chút. Đầu tiên, người ta chọn một thân cây sao nguyên vẹn có chiều dài từ 20m đến 24m và bề hoành đúng kích cỡ chiếc ghe cần làm. Ghe ngo có nhiều cong đóng chặt ở đáy nối dài từ đầu tới sau lái, trên các cong có đóng nhiều ván cây ngang dài độ 1,20 m vừa để cho hai người ngồi bơi song song từng cặp. Ghe ngo thường có từ 46 tới 50 chỗ. Người thợ sẽ đục khoét ruột cây và chia thành 20 đến 24 khoang. Hai bên thân ghe được đẽo, bào, gọt theo dáng hình thoi, đầu và đuôi cong lên chồm về phía trước để giảm sức cản của nước. Sau đó, sơn phết, vẽ lên ghe những hình đầu rồng đuôi phượng hay rắn Naga ở mũi và lái, có nơi người ta vẽ hình sư tử, hổ, báo, gấu, cá sấu...Toàn bộ ghe ngo có màu sắc rất sặc sỡ, lộng lẫy như chiếc thuyền rồng.

Vào cuộc thi, các ghe ngo tập trung dàn hàng ngang ở điểm xuất phát, khẩn trương chuẩn bị thi tài. Một tiếng pháo hay còi ra hiệu lệnh, người ngồi đầu ghe xòe tay đánh nhịp chỉ huy. Người đứng giữa đánh chiêng thúc giục, động viên các tay bơi. Người cầm lái phải rất kinh nghiệm để điều khiển chiếc ghe ngo lướt với tốc độ cao, không bị lật. Những chiếc ghe phóng vun vút, mái dầm loang loáng, rít veo véo xé tung mặt nước. Tiếng trống, tiếng thanh la, tiếng reo hò cổ vũ vang lên tưng bừng, sôi động một khúc sông.

Bà con dân tộc Khmer còn có rất nhiều các trò chơi dân gian đặc sắc khác như: On Kul (đánh bông vụ, con quay), Tielprot (kéo dây), Qòng Na ga (rồng rắn)...

Văn hóa dân gian là những mạch suối ngầm tuôn chảy trong lòng đất nước, nó nuôi dưỡng âm thầm nhưng bền bỉ đời sống tinh thần của nhân dân. Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa qua các sinh hoạt lễ hội, trò chơi dân gian của các dân tộc anh em trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam là góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân trong sự nghiệp phát triển và hội nhập.

MAI LÝ

Sách tham khảo:

Từ điển Văn Hóa Đông Nam Á (Nxb Văn Hóa Thông Tin 1999).

Đồng dao và các trò chơi dân gian (Nxb Lao động 2007).

Văn hóa ba nước Đông Dương (Nxb Văn Hóa Hà Nội 1992).

Chia sẻ bài viết