30/11/2023 - 20:15

Triều Tiên từ chối đề nghị đối thoại của Mỹ 

Bà Kim Yo-jong, em gái nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, đã bác bỏ lời kêu gọi trở lại bàn đàm phán của Mỹ và tuyên bố sẽ tiến hành thêm các vụ phóng vệ tinh.

Bà Kim Yo-jong chỉ trích Mỹ “hai mặt” khi đề nghị đàm phán trong lúc tăng cường các hoạt động quân sự trong khu vực. Ảnh: Reuters

Trong cuộc họp tuần này của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ), Đại sứ Mỹ Linda Thomas-Greenfield đã gọi vụ phóng vệ tinh do thám ngày 21-11 của Triều Tiên là “hành động liều lĩnh, bất hợp pháp”, đe dọa các quốc gia láng giềng. Tuy nhiên, bà Thomas-Greenfield tái khẳng định đề xuất đối thoại của Mỹ mà không kèm điều kiện tiên quyết nào và Triều Tiên “có thể chọn thời gian và chương trình nghị sự”.

Đáp lại, theo Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 30-11, bà Kim Yo-jong tuyên bố Bình Nhưỡng sẽ không bao giờ đàm phán về vấn đề chủ quyền của một quốc gia độc lập với Washington và còn dọa sẽ thực hiện thêm nhiều vụ phóng vệ tinh và vũ khí khác. Bà Kim nói rằng Đại sứ Thomas-Greenfield “đã không thể đưa ra một lý do hợp lý hơn để giải thích vì sao Mỹ ủng hộ sự tiếp xúc ngoại giao và những nỗ lực nối lại đối thoại của mình trong khi lại tiến hành hoạt động quân sự khiêu khích của tàu sân bay hạt nhân và tàu ngầm hạt nhân của Mỹ được triển khai tới bán đảo Triều Tiên”.

Bà Kim Yo-jong cáo buộc Mỹ thể hiện “tiêu chuẩn kép cực đoan” tại cuộc họp của HĐBA LHQ vừa rồi. Bà khẳng định chính “tiêu chuẩn kép và những hành vi độc đoán” của Mỹ, chứ không phải chương trình không gian của Triều Tiên, đã gây tổn hại cho hòa bình và ổn định trong khu vực.

Cũng theo KCNA, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã kiểm tra các bức ảnh do vệ tinh do thám chụp căn cứ hải quân Mỹ ở thành phố San Diego (Mỹ) và căn cứ không quân Kadena tại Nhật Bản. Bình Nhưỡng cho rằng vệ tinh này được thiết kế để theo dõi các hoạt động quân sự của Mỹ và Hàn Quốc, đồng thời đã chụp ảnh các căn cứ quân sự của Washington trên khắp thế giới cũng như các cơ sở như Nhà Trắng và Lầu Năm Góc.

Trong một bài bình luận riêng, KCNA tố cáo Hàn Quốc tăng cường “các động thái khiêu khích chiến tranh” thông qua các cuộc tập trận chung với quân đội Mỹ, trong đó có sự tham gia của tàu sân bay USS Carl Vinson.

Hậu quả tiềm tàng khi Hàn Quốc trang bị vũ khí hạt nhân

Với việc Triều Tiên có khoảng 60 vũ khí hạt nhân, liên tục đe dọa tấn công đối thủ và phóng thử các tên lửa đầy uy lực, ngày càng nhiều người Hàn Quốc mất niềm tin vào tuyên bố bảo vệ đồng minh của Mỹ. Họ lo sợ Mỹ lưỡng lự sử dụng vũ khí hạt nhân để bảo vệ Hàn Quốc trước cuộc tấn công từ Triều Tiên.

Các cuộc thăm dò cho thấy phần lớn người dân Hàn Quốc, với tỷ lệ 70-80% trong một số khảo sát, bày tỏ sự ủng hộ nước này sở hữu vũ khí nguyên tử hoặc thúc giục Mỹ tái triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật. Washington từng bố trí loại vũ khí này tại bán đảo Triều Tiên nhưng đã rút hoàn toàn vào năm 1991.

Tuy nhiên, những người phản đối kịch bản trang bị vũ khí hạt nhân cho Seoul đã chỉ ra rằng sự ủng hộ mạnh mẽ của dân chúng nhiều khả năng chưa tính toán đến những tổn thất lớn hoặc tổn hại tới quan hệ với Washington cũng như hoạt động giao thương với Trung Quốc. Hàn Quốc sở hữu vũ khí hạt nhân có thể dẫn đến các lệnh trừng phạt nhằm vào nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu của nước này. Kịch bản trên cũng có thể khuyến khích Nhật Bản xem xét tự phát triển chương trình vũ khí hạt nhân. Do vậy, một số người đang thúc đẩy một giải pháp ít nguy hiểm hơn để giải quyết những lo ngại an ninh của Hàn Quốc.

HẠNH NGUYÊN (Theo AP, Reuters)

Chia sẻ bài viết