Ngày 5-5, hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) cho biết các loại vũ khí mà nước này vừa tiến hành “diễn tập tấn công” hôm 4-5 gồm các hệ thống pháo phản lực đa nòng tầm xa và vũ khí dẫn đường chiến thuật.

Hệ thống pháo phản lực đa nòng tầm xa và vũ khí dẫn đường chiến thuật của Triều Tiên được phóng thử nghiệm hôm 4-5. Ảnh: Reuters
Theo KCNA, các cuộc thử nghiệm được tiến hành ở khu vực biển Nhật Bản nhằm đánh giá và kiểm tra khả năng hoạt động, độ chính xác của các loại vũ khí nêu trên. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã tham gia thị sát các cuộc thử nghiệm và “đánh giá cao khả năng chiến đấu của các vũ khí và thiết bị” được thử nghiệm. Bên cạnh đó, ông Kim Jong-un cũng nhấn mạnh “chỉ có sức mạnh mới có thể bảo đảm hòa bình và an ninh thực sự”. Do đó, ông cho rằng Triều Tiên cần “duy trì mức độ sẵn sàng chiến đấu cao nhằm bảo vệ sự độc lập về kinh tế và chính trị trước nguy cơ xâm lược từ bất kỳ lực lượng nào”.
Theo ông Kim Dong-yub, chuyên gia quân sự của Viện nghiên cứu Viễn Đông thuộc Đại học Kyungnan (Hàn Quốc), những hình ảnh của vũ khí dẫn đường chiến thuật mà KCNA công bố cho thấy đây có thể là tên lửa đạn đạo đất đối đất tầm ngắn, giống như phiên bản của tên lửa Iskander. Tên lửa đạn đạo mới với động cơ nhiên liệu rắn này có thể bay xa 500km, tức có thể đặt toàn bộ bán đảo Triều Tiên trong tầm ngắm và đủ khả năng vô hiệu hóa hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến (THAAD) của Mỹ đang triển khai tại Hàn Quốc. Việc phóng tên lửa như vậy có thể vi phạm các nghị quyết cấm vận của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, nhưng ít nhất nó không phải là tên lửa đạn đạo tầm xa vốn được coi là mối đe dọa trực tiếp đối với lục địa Mỹ.
Trong một phản ứng trên trang tweet cá nhân, Tổng thống Mỹ Donald Trump viết: “Bất kỳ điều gì cũng có thể xảy ra trong thế giới rất thú vị này, song tôi tin rằng nhà lãnh đạo Kim Jong-un hoàn toàn có thể nhận ra tiềm năng kinh tế to lớn của Triều Tiên và sẽ không làm điều gì gây cản trở hoặc chấm dứt điều đó”. Ông Trump nhấn mạnh: “Ông Kim Jong-un cũng biết rằng tôi ủng hộ ông ấy và không muốn phá bỏ lời hứa của ông ấy với tôi. Rồi thỏa thuận sẽ đến”.
Iran kiên quyết làm giàu uranium
Chủ tịch Quốc hội Iran Ali Larijani cho biết Tehran sẽ tiếp tục làm giàu uranium cấp độ thấp theo thỏa thuận hạt nhân của nước này với các cường quốc thế giới, bất chấp những động thái ngăn chặn của Mỹ.
Hãng tin ISNA dẫn lời Chủ tịch Quốc hội Iran hôm 4-5 cho biết, theo thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) mà Tehran ký kết với nhóm P5+1 (Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Mỹ và Đức) năm 2015, Iran có thể sản xuất nước nặng và hoạt động này không vi phạm thỏa thuận. Vì vậy, Iran sẽ tiếp tục tiến hành các hoạt động làm giàu uranium. Nước nặng có thể được sử dụng trong các lò phản ứng để sản xuất plutonium, một nhiên liệu sử dụng trong các đầu đạn hạt nhân. Thỏa thuận này cho phép Iran chuyển qua Nga số lượng uranium được làm giàu ở mức độ nhẹ tại cơ sở hạt nhân chính Natanz. Ngoài ra, Iran được phép chuyển qua Oman lượng nước nặng dự trữ giới hạn 300 tấn được sản xuất tại cơ sở Arak.
Bắt đầu từ ngày 4-5, Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm ngăn chặn việc hỗ trợ Iran mở rộng nhà máy điện hạt nhân Bushehr duy nhất của nước này, đồng thời tăng cường chiến dịch nhằm chấm dứt chương trình tên lửa đạn đạo của Tehran và hạn chế tầm ảnh hưởng của Iran trong khu vực. Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ sẽ không gia hạn hai biện pháp miễn trừ trừng phạt, gồm cho phép Iran trữ nước nặng trong quá trình làm giàu uranium tại Oman và cho phép Iran trao đổi với Nga uranium đã được làm giàu để lấy oxide uranium. Đây là biện pháp trừng phạt thứ ba mà Mỹ áp đặt đối với Iran trong nhiều tuần qua. Giới phân tích cho rằng động thái trên là một phần trong các nỗ lực của chính quyền Tổng thống Donald Trump nhằm “cô lập” kinh tế và chính trị Tehran kể từ sau khi Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử hồi tháng 5-2018. Mới đây nhất, ngày 2-5, Mỹ đã chính thức chấm dứt việc miễn trừ trừng phạt đối với 8 quốc gia và vùng lãnh thổ nhập khẩu dầu thô từ Iran. Quyết định này đã khiến giá dầu mỏ lên tới mức cao nhất kể từ tháng 11-2018, trong bối cảnh các nhà nhập khẩu chịu sức ép phải dừng mua dầu của Iran và nguồn cung toàn cầu bị thắt chặt.
EU lên án hành động của Mỹ
Anh, Pháp, Đức và Liên minh châu Âu (EU) hôm 4-5 đã ra tuyên bố chung chỉ trích quyết định trên của Washington đối với Tehran. Tuyên bố chung nêu rõ các bên còn lại tham gia JCPOA sẽ nỗ lực duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran, bảo đảm các kênh trao đổi thương mại, tài chính với Iran cùng bên thứ ba quan tâm duy trì thỏa thuận này, trong đó cơ chế trao đổi thương mại không sử dụng đồng đô-la Mỹ INSTEX mà Anh, Pháp và Đức đã lập ra hồi đầu năm nay nhằm lách luật cấm vận của Mỹ. Tuyên bố chung cũng kêu gọi Nga và Trung Quốc, với tư cách là các bên tham gia ký kết JCPOA, nỗ lực duy trì trao đổi thương mại hợp pháp với Iran bằng những bước đi cụ thể.
TTXVN, REUTERS