HẠNH NGUYÊN (Theo AP, Reuters)
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vừa tiết lộ các mục tiêu nhằm tăng cường sức mạnh quân đội nước này trong năm 2023 tại một cuộc họp quan trọng đang diễn ra của đảng Lao động cầm quyền.
Tiếp tục thử vũ khí trong năm 2023?

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại Hội nghị toàn thể mở rộng của Ủy ban Trung ương đảng Lao động Triều Tiên ngày 27-12. Ảnh: Reuters
Theo Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 28-12, vào ngày thứ hai của hội nghị toàn thể mở rộng lần thứ 6 của Ủy ban Trung ương đảng Lao động khóa 8, Chủ tịch Kim Jong-un đã phân tích những thách thức an ninh mới trên chính trường quốc tế và bán đảo Triều Tiên, đồng thời ông nêu rõ các nguyên tắc đối ngoại và phương hướng đấu tranh chống lại kẻ thù để bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia. “Các mục tiêu cốt lõi mới nhằm tăng cường khả năng tự vệ sẽ được theo đuổi quyết liệt trong năm 2023 để chuẩn bị cho những biến động khác nhau trong tình hình chính trị”, KCNA đưa tin.
Mặc dù hãng thông tấn này không nêu chi tiết, nhưng giới quan sát nhận định những mục tiêu mới có thể liên quan tới nỗ lực mở rộng kho vũ khí hạt nhân và trình làng những hệ thống vũ khí công nghệ cao chẳng hạn như tên lửa mang nhiều đầu đạn, vũ khí tầm xa linh hoạt hơn, vệ tinh do thám và các máy bay không người lái (UAV) tiên tiến. Họ cho rằng mục đích cuối cùng của ông Kim Jong-un là muốn sử dụng năng lực hạt nhân vững mạnh để buộc các đối thủ chấp nhận Triều Tiên là một quốc gia hạt nhân hợp pháp, trạng thái mà ông nghĩ là cần thiết cho việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt của quốc tế đối với Bình Nhưỡng.
Phát biểu của nhà lãnh đạo Triều Tiên đưa ra trong bối cảnh tình trạng thù địch với Hàn Quốc dâng cao hôm 26-12 khi Seoul cáo buộc Bình Nhưỡng điều động 5 UAV vượt qua biên giới vào không phận nước này lần đầu tiên sau 5 năm. Để đáp trả, phía Hàn Quốc đã bắn cảnh cáo, điều máy bay chiến đấu và trực thăng tấn công, cũng như triển khai các máy bay trinh sát không người lái đến khu vực gần biên giới Triều Tiên làm nhiệm vụ chụp ảnh các căn cứ quân sự.
Đằng sau vụ UAV Triều Tiên
Trong vụ UAV Triều Tiên xâm nhập không phận, dù đã bắn hơn 100 phát đạn từ súng máy trên trực thăng, quân đội Hàn Quốc không thể hạ gục bất cứ thiết bị nào do chúng quá nhỏ. Các UAV đã bay qua một số thành phố của Hàn Quốc, bao gồm thủ đô Seoul, trong khoảng 5 giờ.
Vì lẽ đó, tại cuộc họp nội các hôm 27-12, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã khiển trách Bộ trưởng Quốc phòng nước này. Ông Yoon Suk-yeol cũng tuyên bố sẽ thúc đẩy việc thành lập một đơn vị quân đội chuyên về UAV và sử dụng các UAV tàng hình tiên tiến để giám sát Triều Tiên tốt hơn. Hôm qua, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc thông báo Seoul sẽ chi hơn 440 triệu USD trong 5 năm tới để tăng cường khả năng đối phó UAV của Bình Nhưỡng. Khoản ngân sách này dành cho 4 dự án nâng cao năng lực ngăn chặn UAV, bao gồm súng laser phá hủy UAV và máy vô hiệu hóa các thiết bị nhỏ hơn.
Các chuyên gia cho rằng Triều Tiên tung các UAV vào không phận Hàn Quốc để kiểm tra khả năng sẵn sàng của quốc gia láng giềng và Mỹ. Triều Tiên có thể đã nhận thấy các UAV là công cụ chi phí thấp nhưng hiệu quả trong việc gây hoảng loạn về an ninh và chia rẽ ở Hàn Quốc.
Tổng thống Yoon Suk-yeol, người nhậm chức hồi tháng 5, cho biết Hàn Quốc chỉ tổ chức các cuộc tập huấn chống UAV quy mô nhỏ kể từ năm 2017. “Tôi nghĩ người dân của chúng ta phải thấy rõ mức độ nguy hiểm của chính sách phụ thuộc vào thiện chí của Triều Tiên và các thỏa thuận hòa bình”, ông Yoon Suk-yeol nói như muốn đổ lỗi hệ thống phòng không lỏng lẻo là do chính sách Triều Tiên của người tiền nhiệm Moon Jae-in. Các thỏa thuận quân sự hai miền năm 2018 vốn cấm các hoạt động thù địch ở khu vực biên giới.
Bình luận trên lập tức vấp phải phản ứng từ phía đảng Dân chủ đối lập của ông Moon Jae-in. Đảng này cáo buộc Tổng thống Yoon Suk-yeol tìm cách đẩy trách nhiệm về thất bại an ninh của chính phủ ông cho người khác.