28/06/2020 - 06:15

Triều Âm Tự 

Triều Âm Tự (tên dân gian là chùa Trà Bông, chùa Ông Chín Hứa) là ngôi chùa theo đạo Bửu Sơn Kỳ Hương của Phật Thầy Tây An Đoàn Minh Huyên. Chùa được ông Đặng Văn Ngoạn (tục gọi ông Đạo Ngoạn) sáng lập tại thôn Nhị Mỹ, huyện Kiến Phong, tỉnh Định Tường (nay là ấp Hòa Dân, xã Nhị Mỹ, huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp). Đây là một trong những nơi hiếm hoi còn lưu giữ được lọn tóc của Phật Thầy Tây An.

Ngôi thờ Chùa Ông Chín với lối kiến trúc như một ngôi nhà cổ Nam bộ. Ảnh: THANH THUẬN

Ông Đạo Ngoạn sinh vào năm Minh Mạng nguyên niên (1820) tại làng Nhị Mỹ, gần rạch Trà Bông, trong một gia đình nhân đức. Khoảng năm 1849, miền Lục Tỉnh bị nạn dịch tả hoành hành làm dân chết vô số kể. Trong lúc tai kiếp xảy ra, xuất hiện một kỳ nhân có tài chữa khỏi căn bệnh thiên thời, đó là ông Đoàn Văn Huyên, người gốc thôn Tòng Sơn, huyện Vĩnh An, phủ Tân Thành (nay thuộc huyện Lấp Vò, Đồng Tháp). Ngoài việc chữa bệnh, ông còn rao giảng phép tu tập, làm lành lánh dữ, giữ trọn tứ ân - ân tổ tiên cha mẹ, ân đất nước, ân tam bảo, ân đồng bào nhân loại. Người đến xin chữa bệnh và quy y rất đông. Những người quy y được ông phát cho một “lòng phái” bằng giấy vàng hoặc giấy bạch, trên có bốn chữ “Bửu Sơn Kỳ Hương”.

Từ đó, ông Đoàn Văn Huyên được coi là người sáng lập ra phái Bửu Sơn Kỳ Hương. Sau đó, vì thấy tín đồ theo quy y ông ngày càng đông, triều đình nghi ông là gian đạo sĩ, mượn việc chữa bệnh để rao giảng thuyết giáo nhằm quy tập dân chúng làm loạn nên lệnh cho quan Tổng đốc An Hà đưa ông về Châu Đốc câu lưu tại chùa Tây An dưới chân Núi Sam và xuống tóc quy y theo phái Lâm Tế. Tín đồ hay tin kéo đến chùa Tây An quy y rất đông và tôn xưng ông là Phật Thầy Tây An Đoàn Minh Huyên.

Năm Tự Đức thứ ba (1850), khi biết tin Đức Phật Thầy vào núi Sam truyền đạo, ông Ngoạn tìm đến tận nơi để xin quy y. Với bản chất từ lương điềm đạm, ông được Phật Thầy thu nhận, giao cho ông cùng ông Bùi Văn Thân, tức Tăng Chủ Bùi Thiền Sư mở trại ruộng. Hơn một năm sau, ông được Đức Phật Thầy gọi về núi Sam cùng ông Đạo Thạch giúp việc trị bệnh và coi sóc các việc trong chùa Tây An.

Ông Đạo Ngoạn theo học đạo với Phật Thầy gần 4 năm thì được thầy dạy phải trở về quê báo hiếu mẹ già và lập gia thất sanh con nối dõi. Ông không dám trái lời thầy. Hành trang ông mang theo trên đường về Trà Bông là những giáo lý mà thầy truyền dạy cùng với một lọn tóc mà đức Phật Thầy trao tặng lúc ngài phải thế phát xuất gia theo phái Lâm Tế. Lọn tóc ấy được ông xem như báu vật suốt chặng đường hành đạo.

Cuối năm Tự Đức năm thứ bảy (1854), ông Đạo Ngoạn về quê dựng lên ngôi chùa bằng tre lá đơn sơ tại vàm rạch Trà Bông. Gọi là chùa nhưng thực chất đây là nơi ông Đạo Ngoạn truyền bá đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, hướng dẫn dân lập trại ruộng khai hoang phục hóa vùng ven Đồng Tháp Mười và chữa bệnh cho dân chúng.

Khi giặc Pháp xâm lược Nam kỳ, ông Đạo đã ra sức khuyên dân chúng làm lành lánh dữ, không hợp tác với giặc và báo đáp tứ ân. Giặc Pháp ở Định Tường thấy chùa quy tụ đông người, sợ rằng nơi đây trở thành địa điểm quy tụ nghĩa quân nên ra lịnh cho nhà chức trách ở Sa Đéc theo dõi, nếu thấy có biểu hiện hội dân làm loạn thì lập tức bắt ngay. Tuy nhiên, giới cầm quyền ở đây cảm phục đức độ và uy tín của ông nên họp nhau hiến kế, đem sắc thần của đình Nhị Mỹ thỉnh về thờ tại hậu tổ của chùa Trà Bông rồi báo với quan tỉnh Định Tường rằng dân chúng tụ họp ở chùa Trà Bông chỉ để cúng thần cầu an chớ không phải hội kín. Thấy không có chứng cớ gì để ngăn cấm, thực dân Pháp mới để yên nhưng vẫn cho mật thám thường xuyên quan sát.

Hộp dựng lọn tóc của Phật Thầy Tây An thờ tại Chùa Ông Chín. Ảnh: THANH THUẬN

Sau khi ông Đạo Ngoạn qua đời, chùa được giao lại cho ông Đặng Công Hứa (còn gọi ông Chín Hứa) - con ông Đạo Ngoạn quản lý. Ông Chín Hứa đặt tên mới cho ngôi chùa là Triều Âm Tự.

Là một nhánh lớn của Bửu Sơn Kỳ Hương với vị sáng lập là một trong thập nhị hiền thủ của đức Phật Thầy Tây An, chùa ông Chín áp dụng hệ thống giáo lý của Phật Thầy, tuy nhiên có đôi nét khác biệt. Chánh điện có ba gian: gian giữa là bàn thờ Tam Bảo, theo thuyết vô vi nên không thờ tượng cốt mà chỉ thờ tượng trưng bức trần điều (vải đỏ), phía trước bàn thờ Tam Bảo là bàn thờ Sắc thần Thành hoàng bổn cảnh và Đại Càn Quốc gia Nam Hải với hộp sắc thần đựng 6 lá sắc của đình Nhị Mỹ, 4 bài vị bằng gỗ và các đồ ngũ sự. Gian bên tả thờ Phật Đạo (Phật Thầy Tây An và ông Đạo Ngoạn) với báu vật là hộp đựng lọn tóc của Phật Thầy Tây An. Gian bên hữu thờ cửu huyền trăm họ. Phía sau chánh điện là gian hậu liêu thờ ông Chín Đặng Công Hứa. Bên gian hữu phía trước có bàn thờ Bác Hồ, phía sau là ba bộ ván kỷ niệm lúc sanh thời ông Chín Hứa thường ngồi giảng đạo với bút, nghiên, gối tựa,…

Những ngày thường, chánh điện được đóng kín cửa, chỉ đến khi cúng mới mở cửa. Đạo chủ trương ăn chay trường để nuôi dưỡng tánh từ bi, đàn ông để râu, tóc. Lúc ông Chín Hứa còn sanh tiền, ông có cúng mặn cho các chiến sĩ trận vong. Kinh kệ chủ yếu tụng kinh Phổ Môn và niệm danh hiệu Quan Thế Âm bồ tát (quyển kinh Phổ Môn tụng hằng ngày được ông Chín Hứa diễn giải và chú thích bằng quốc ngữ). Xưa kia, tín đồ đạo Ông Chín rất đông, hơn ngàn người khắp các nơi như: Cả Vừng (Nhị Mỹ), Mương Điều (Lấp Vò), Cao Lãnh, Tân Thuận Tây, Mỹ Long, Mỹ Quý, Ba Sao, Mỹ Đức Tây…

Trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, chùa Ông Chín là nơi tuyên truyền tư tưởng yêu nước chống giặc, tập họp nhân dân, đóng góp tài lực, vật lực cho cách mạng và cũng là nơi nuôi chứa cán bộ cách mạng. Trong chiến tranh, chùa đã phải nhiều lần dời đổi địa điểm, bị chiến tranh tàn phá ác liệt, tuy nhiên nơi đây đã trở thành biểu tượng tinh thần của bổn đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, nơi góp phần trong công cuộc khai phá Đồng Tháp Mười và cũng là nơi tích cực đóng góp, nuôi chứa cán bộ cách mạng qua hai giai đoạn chống Pháp và chống Mỹ. Hầu hết tín đồ là người yêu nước, tham gia kháng chiến. Chùa là trường dạy chữ Nho đầu thế kỷ XX và cũng là nơi chữa bệnh miễn phí cho nhân dân. Đến nay, những vết tích của chiến tranh còn lại khá nhiều, nơi đây vẫn còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị đặc biệt: tấm trần điều, lọn tóc của Phật Thầy, các lá sắc thần của thôn Nhị Mỹ, sách vở, bút tích của ông Đạo Ngoạn, ông Chín Hứa, các hiện vật sinh hoạt có niên đại đầu thế kỷ XX…

Ngày 23-12-2019, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp đã ban hành quyết định xếp hạng Triều Âm Tự là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

SEN HỒNG

Tài liệu tham khảo

1. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Hội Khoa học Lịch sử Đồng Tháp (2015), Đồng Tháp nhân vật chí, NXB Trẻ, tr. 279-280.

2. Nguyễn Văn Hầu (1972), Thất Sơn mầu nhiệm, NXB Từ Tâm - Sài Gòn.

3. Nguyễn Văn Hầu (1973), Sấm truyền Đức Phật Thầy Tây An, Tòng Sơn.

4. Nguyễn Nguyễn (2012), Ông Đạo Ngoạn - Đặng Văn Ngoạn, Đồng Tháp Xưa & Nay số 38, tr 43.

Người kể chuyện:

• Ông Lê Văn Đực, sinh năm 1936, Trưởng Ban Hộ tự - Triều Âm Tự.

• Ông Phạm Văn Thanh, Phó Ban Hộ tự - Triều Âm Tự.

Chia sẻ bài viết