02/03/2021 - 09:31

Triết lý khởi nghiệp của Nguyễn Văn Đua 

Cách nay 10 năm, anh Nguyễn Văn Đua, ngụ ấp 2B, xã Tân Hòa, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang, bắt đầu khởi nghiệp. Từ 12 con dê giống, giờ đàn dê của anh có trên 300 con, thu nhập bình quân mỗi năm khoảng 300 triệu đồng. Hơn 1 năm nay, cơ sở Ngọc Đào do anh làm chủ, mở cửa đón khách đến trải nghiệm nghề nuôi dê vào dịp cuối tuần. “Mấy tháng nay, cơ sở ngừng đón khách, do dịch COVID-19. Đợi ổn định, tôi sẽ mở thêm nhiều dịch vụ du lịch cộng đồng nữa. Giờ thì tập trung phát triển đàn dê để tính chuyện gia tăng chuỗi giá trị sản phẩm sau sữa dê” - anh Đua khẳng định.

Tham quan mô hình nuôi dê của anh Nguyễn Văn Đua. Ảnh: T.H

Tham quan mô hình nuôi dê của anh Nguyễn Văn Đua. Ảnh: T.H

Chinh phục khó khăn

Tốt nghiệp cấp 3, gia đình bắt anh Đua học ngành Luật. “Ba tôi nói, tao cả đời làm nông, phấn đấu mấy cũng chả giàu nên chỉ hy vọng vào con cái” - anh Đua kể. Thực hiện ước muốn của ba, anh Đua học ngành Luật ở Trường Đại học Cần Thơ. Ra trường, anh về quê công tác, việc làm ổn định, nhưng đam mê nghề nông đã thôi thúc anh tìm hướng đi mới để chứng minh cho ba anh rằng: Nghề nông có thể làm giàu, nếu đi đúng hướng!

Khởi đầu với đàn dê thịt, nhưng do không nắm vững kỹ thuật, thiếu kinh nghiệm nên anh Đua gặp thất bại nhanh chóng. Anh Đua cho biết: “Dê con chết rất nhiều, do nguồn giống kém chất lượng. Năm 2010, tôi quyết tâm ra Trung tâm giống Quốc gia mua 12 con dê giống về thử lại. Rồi để vài con để lấy sữa, ý định ban đầu chỉ để cho mấy đứa nhỏ trong nhà uống. Tụi nhỏ khen ngon. Khi đó tôi mới nghĩ tới nuôi dê lấy sữa bán”.

Năm 2017, để mở hướng kinh doanh, anh Đua quyết định thành lập cơ sở Ngọc Đào, mua sắm trang thiết bị và bắt tay vào tìm tài liệu, quy trình chế biến sữa dê. “Thời điểm đó, có những hôm mất ăn mất ngủ, đàn dê bị bệnh, nguồn sữa không đảm bảo chất lượng. Tôi nhờ các thầy ở Trường Đại học Cần Thơ tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật. Mình dân tay ngang, nhưng tôi chưa bao giờ có ý định bỏ cuộc khi thất bại. Khi thành công với sản phẩm sữa dê thanh trùng Ngọc Đào và được người tiêu dùng khen ngon, tôi hạnh phúc lắm” - anh Đua kể.

Thành công ban đầu đã tiếp thêm động lực để anh tiếp tục nghiên cứu và sáng tạo sản phẩm mới. Tổng đàn dê hiện có trên 300 con, trong đó khoảng vài chục con đang cho sữa, trung bình một ngày khoảng 40-60 lít sữa tươi (một con dê cho sữa khoảng 1,5-2 lít/ngày). Từ nguồn nguyên liệu này, năm 2019, anh Đua tiếp tục nghiên cứu, chế biến thêm 3 sản phẩm: phô mai, sữa chua, sữa chua sấy khô. Cả 4 mặt hàng của cơ sở Ngọc Đào đang sở hữu đều được ngành chức năng công nhận là sản phẩm OCOP của tỉnh Hậu Giang, đạt chuẩn 4 sao. Sản phẩm hiện có bán ở thị trường Hậu Giang, một số địa phương lân cận và TP Hồ Chí Minh.

Anh Đua cho biết: “Cơ sở hiện không đủ nguồn hàng để cung cấp ra thị trường. Sữa dê sấy khô phải đem lên tới TP Hồ Chí Minh, chi phí cao, mỗi ký tiền công sấy mất 65.000 đồng, nên giá thành sản phẩm còn cao, giá ra thị trường chưa thể cạnh tranh được”. Theo anh Đua, quy trình nuôi từ dê con cho đến khi trưởng thành, lấy được sữa mất khoảng 18 tháng. Tuy nhiên, ĐBSCL mới có TP Cần Thơ có cơ sở đầu tư máy sấy thăng hoa, nhưng chủ yếu chỉ để sấy đông trùng hạ thảo và một số loại trái cây. Để đầu tư máy sấy thăng hoa chuyên cho ngành thực phẩm, công suất khoảng 60kg/mẻ sấy, thêm hạ tầng đi kèm (phòng ẩm độ, khử trùng, kho cấp đông, nhà xưởng…) tầm khoảng 2 tỉ đồng. Hiện tại cơ sở của anh không đủ nguồn lực đầu tư. Vả lại, tổng số dê đang cho sữa cũng chưa đủ nguyên liệu để đầu tư thiết bị. “Ít nhất phải có 1.000 con dê cho sữa thì mới có thể mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư trang thiết bị hiện đại cho chế biến công nghiệp. Còn giờ thì chỉ làm từng bước” - anh Đua nói.

Truyền “lửa đam mê” đến người trẻ

Nhìn lại chặng đường 10 năm khởi nghiệp, trải qua nhiều thất bại, nhưng sự kiên định đã cho anh Đua những thành quả ngọt. Đàn dê 300 con đều được gắn mã số trên tai để quản lý hồ sơ, chu trình sinh trưởng, các loại thuốc đã từng tiêm khi dê bị bệnh. Đồng thời, cũng để tránh bị trùng huyết khi nhân đàn. “Ngày đi làm. Chiều về cùng vợ chăm sóc đàn dê. Lên mạng tìm thêm tài liệu nghiên cứu để hoàn thiện quy trình sản xuất và tích thêm kiến thức”- anh Đua nói.

Tất cả quy trình nuôi, chế biến đều được khép kín. Nguồn thức ăn cho dê là cỏ tươi được trồng trong vườn nhà, cộng thêm với bả đậu nành lấy từ các lò làm đậu hủ, bắp non, cỏ… ở huyện. Nguồn rơm thu hoạch từ các vụ lúa, anh Đua mang về ủ chua lên men, tầm 3-4 tháng mới đem cho dê ăn, tất cả đều được kiểm soát chặt chẽ. Những kỹ thuật này cũng nhờ sự hỗ trợ của cán bộ nông nghiệp địa phương.

Ông Nguyễn Vĩnh Thọ, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành A, cho biết: “Các sản phẩm do cơ sở Ngọc Đào sản xuất có nhiều triển vọng phát triển. Huyện đang tiếp tục hỗ trợ cơ sở hoàn thành các thủ tục, thiết kế bao bì,… để có thể đưa sản phẩm lên đạt OCOP 5 sao, trở thành sản phẩm OCOP quốc gia. Đây là mô hình khởi nghiệp khá thành công của huyện. Bản thân anh Đua cũng muốn giúp hộ dân trong huyện phát triển nghề nuôi dê, nhưng nhiều nông dân chưa mặn mà, nên chưa thể thành lập tổ hợp tác. Nếu có nhiều nông dân tham gia, mô hình kinh tế hợp tác này có thể phát triển mạnh, do thị trường đã có đánh giá tích cực về sản phẩm”.  

Không chỉ cùng với địa phương thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) và thỏa niềm đam mê với nghề nông, anh Đua còn thử nghiệm mô hình phát triển du lịch cộng đồng. Hơn 1 năm qua, cơ sở Ngọc Đào mở cửa đón khách vào cuối tuần, đa số là học sinh trên địa bàn huyện đến trải nghiệm làm nông, du khách tham quan đến trải nghiệm các công đoạn cho dê ăn, lấy sữa... và thưởng thức các sản phẩm từ sữa dê ngay tại chỗ. Anh Đua cho biết, dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, nên cơ sở của anh tạm ngưng đón khách tham quan, chờ ổn định mới mở cửa trở lại.

Thời điểm này, mô hình khởi nghiệp của anh Đua được xem là mô hình điểm của địa phương và thể hiện sức sáng tạo của người trẻ. Song, anh Đua vẫn luôn trăn trở với nghề nông và mong truyền “lửa” nhiệt huyết của mình đến với những người trẻ muốn khởi nghiệp, góp phần xây dựng bền vững ngành nông nghiệp. Anh Đua nói: “Gia đình tôi có truyền thống làm nông, họ đều nói nghèo, không thể giàu. Nhưng tôi muốn chứng minh: Làm nông nghiệp giàu hay không là do chính bản thân mình. Khi đàn dê cho sữa khoảng 100 lít/ngày, tôi có thể chào hàng cả nước”.  

GIA BẢO - ANH KHOA

Chia sẻ bài viết