05/07/2017 - 20:24

Triển vọng từ thanh long ruột đỏ

Ở Bình Thủy, mô hình trồng thanh long ruột đỏ của ông Lê Hoàng Hộ, ngụ khu vực Bình Dương, phường Long Hòa, đang được nhiều người học tập bởi hiệu quả kinh tế khá cao. Đầu tư chi phí thấp, nhẹ công chăm sóc, thanh long ruột đỏ đang chứng tỏ ưu thế là loại cây trồng phù hợp với vùng đất này.

Vườn thanh long của ông Hộ có gần 3.000m2, gồm cả thanh long đang cho trái và thanh long mới được trồng cách đây vài tháng. Thanh long được ông trồng thẳng tắp, cỏ vườn làm sạch nên quang cảnh khu vườn rất đẹp, lại giúp ông Hộ dễ dàng trong chuyện chăm sóc, thu hoạch trái. Thanh long được trồng theo những giồng đất cao, giữa là những rãnh thoát nước để tránh ngập úng. Theo ông Hộ, trồng thanh long, chỉ cần bỏ tiền đầu tư lúc đầu, những mùa sau, có thể sản xuất nhánh giống tại chỗ để nhân lên. Cây thanh long được trồng cạnh các trụ bê tông để cây leo, mỗi trụ trồng 3- 4 cành giống, khoảng cách giữa các trụ khoảng từ 2,5- 3m.

Ông Lê Hoàng Hộ (bìa trái) giới thiệu khách tham quan vườn thanh long.

Ông Hộ cho biết thêm, thanh long ruột đỏ là một trong những loại cây dễ trồng, ít bị sâu bệnh, rất phù hợp với vùng đất này, nếu không xông đèn vào ban đêm thì thanh long cho 5- 6 đợt trái/năm. "Cây thanh long ruột đỏ trồng rất nhàn, không tốn nhiều công chăm sóc lại cho thu hoạch lâu bền. Đó chính là lý do tôi gắn bó với thanh long nhiều năm qua"- ông Hộ nói.

Trước kia, đất của gia đình chỉ trồng những loại cây lâu năm, cho thu nhập thấp, có khi được mùa nhưng lại mất giá. Năm 2012, trong một chuyến đi Đồng Tháp, ông tình cờ nhìn thấy vườn thanh long cho trái chín đỏ, hiệu quả kinh tế cao nên quyết định cải tạo vườn nhà để trồng thanh long. Ban đầu do chi phí đầu tư trụ bê tông cao nên ông trồng thử nghiệm với trên 100 gốc quanh nhà. Sau 1 năm, thanh long bắt đầu cho thu hoạch với giá từ 25.000- 30.000 đồng/ kg tại vườn. Từ việc cho trái tự nhiên theo mùa đến nay, ông Hộ dần đúc kết được kinh nghiệm, nắm bắt phương pháp xử lý thanh long cho trái nhiều, đẹp, đặc biệt là phương pháp xử lý cho trái nghịch mùa, bán được giá cao. Rồi ông Hộ bắt đầu nhân giống, mở rộng diện tích trồng lên 3.000m2 với trên 500 gốc. Mỗi năm, ông Hộ thu lợi từ vườn thanh long hàng trăm triệu đồng, sau khi đã trừ chi phí. Ông Hộ cho biết, gia đình đang cải tạo đất để mở rộng mảnh vườn lên 10.000m2, tăng quy mô sản xuất.

Với hiệu quả kinh tế bước đầu, mô hình trồng thanh long ruột đỏ của cựu chiến binh Lê Hoàng Hộ đang mở ra cho hội viên Cựu chiến binh nói riêng và nông dân quận Bình Thủy nói chung hướng phát triển kinh tế mới, đem lại thu nhập cao, góp phần phát triển kinh tế- xã hội địa phương. Ông Trịnh Văn Sáu, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Long Hòa, cho biết: "Thanh long ruột đỏ là mô hình mới, bước đầu đã khẳng định được giá trị và cho hiệu quả kinh tế cao. Thời gian tới, Hội Cựu chiến binh phường sẽ khuyến khích, tuyên truyền về hiệu quả của cây thanh long ruột đỏ để bà con  hội viên mở rộng diện tích trồng, góp phần xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu".

Bài, ảnh: NGUYỄN TÍN

Chia sẻ bài viết