Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa phối hợp với UBND TP Cần Thơ, Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An tổ chức lễ xuất khẩu lô gạo đầu năm 2021 với 1.600 tấn gạo sang Malaysia và Singapore. Lô gạo đầu năm mở ra kỳ vọng tăng trưởng xuất khẩu gạo của Việt Nam năm sau cao hơn năm trước. Và nền tảng vững chắc cho sự tăng trưởng chính là nỗ lực Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đồng hành cùng doanh nghiệp và nông dân trong việc không ngừng nâng cao chất lượng và giá trị hạt gạo Việt.
Khu vực đóng gói gạo thành phẩm để chuẩn bị cho lô hàng xuất khẩu đầu năm của Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An.
Những tín hiệu vui
Tại lễ công bố xuất khẩu lô gạo đầu năm, ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An, phấn khởi chia sẻ: Lô gạo xuất khẩu đầu năm mang ý nghĩa rất quan trọng bởi Chính phủ, Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương bỏ ra rất nhiều công sức, có khi lên đến hàng chục năm để ký kết được các hiệp định thương mại tự do; mang về những lợi thế nhất định cho các ngành hàng trong đó có ngành Nông nghiệp Việt Nam, bao gồm ngành gạo. Về phía doanh nghiệp và nông dân cũng đã thay đổi được quy trình canh tác sản xuất, nâng cao chất lượng lúa gạo. Năm 2020, ngành gạo xuất khẩu đã có sự tăng tốc rất tốt và bước sang năm 2021, tín hiệu mới đầu năm là rất đáng mừng. Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An xuất khẩu lô gạo đầu năm 2021 với 1.150 tấn gạo Hương lài đi Malaysia và 450 tấn gạo Jasmine 85 đi Singapore. Lô hàng xuất khẩu đầu năm có mức giá rất khả quan bởi gạo Jasmine 85 giá xuất khẩu năm 2020 là 630 USD/tấn nay xuất khẩu với giá 680 USD/tấn và gạo Hương Lài giá 720 USD/tấn nay xuất khẩu với giá 750 USD/tấn. Ðó là tín hiệu lạc quan để công ty tiếp tục khai thác thị trường, gia tăng đơn hàng xuất khẩu trong thời gian tới.
Hằng năm, Việt Nam xuất khẩu từ trên 6-7 triệu tấn gạo tới hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ. Năm 2020, gạo là điểm sáng trong các mặt hàng nông sản xuất khẩu, giá trị xuất khẩu gạo tăng trưởng mạnh, đặc biệt giá gạo liên tục tăng đã đánh dấu mức tăng lịch sử trong khoảng một thập kỷ qua. Xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 6,15 triệu tấn với giá trị ước đạt trên 3 tỉ USD, tăng 9,3% về giá trị mặc dù khối lượng gạo xuất khẩu giảm khoảng 3,5% so với cùng kỳ năm 2019. Tại buổi lễ xuất khẩu lô gạo đầu năm 2021, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh nhấn mạnh: Ngành hàng lúa gạo Việt Nam đã không ngừng gia tăng uy tín, chất lượng và giá gạo tăng cao ở mức lịch sử trong vòng 15 năm trở lại đây. Với việc tổ chức Lễ xuất khẩu lô hàng đầu năm, Bộ NN&PTNT khẳng định luôn ủng hộ các doanh nghiệp, các địa phương xây dựng chuỗi liên kết sản xuất nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng và an toàn, hỗ trợ doanh nghiệp nắm bắt cơ hội tốt hơn từ thị trường. Hoạt động này nhằm hâm nóng khí thế của ngành hàng lúa gạo năm 2020, đồng thời tiếp tục tận dụng những cơ hội và tiềm năng để đưa ngành hàng lúa gạo có bước phát triển ngoạn mục trong năm 2021.
Lô hàng gạo đầu năm 2021 của Việt Nam xuất khẩu sang Malaysia và Singapore là hai thị trường thuộc nhóm 10 nước có kim ngạch lớn nhất trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam. Ðây cũng là sự kiện có ý nghĩa tích cực ngay sau khi Việt Nam ký kết Hiệp định Ðối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) ngày 15-11-2020 bao gồm 10 nước thành viên ASEAN và 5 quốc gia mà ASEAN đã ký hiệp định thương mại tự do.
Chắt chiu cơ hội thị trường
Theo định hướng của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, năm 2021 ngành gạo tiếp tục đảm bảo kim ngạch xuất khẩu phải xấp xỉ và cao hơn năm 2020 với sản lượng tương đương. Ông Nguyễn Trung Kiên, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam, cho biết: Hiệp hội đã đề ra một số giải pháp phát triển thị trường. Mặc dù dự báo việc tiếp cận thị trường mới gặp rất nhiều khó khăn do tình hình dịch COVID-19, nhưng thông qua các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, Hiệp hội đã xây dựng các kênh chào hàng trực tuyến, tham gia các hội thảo thương mại trực tuyến; khai thác qua các kênh thương vụ các nước sở tại để phát triển ngành hàng gạo. Về sản phẩm, năm nay Hiệp hội Lương thực và các doanh nghiệp trong Hiệp hội tập trung vào những sản phẩm chất lượng cao trong những năm vừa qua đã đạt được những kết quả rất tốt; phát triển thị trường gạo chất lượng cao; đảm bảo về an toàn thực phẩm để gia nhập những thị trường khó tính như châu Âu, Úc, Mỹ, Canada… Nói về lợi thế của ngành hàng gạo, ông Kiên nhấn mạnh: Nhiều sản phẩm gạo cao cấp của Việt Nam có giá cao hơn Thái Lan trong suốt thời gian dài chứ không chỉ trong thời gian ngắn. Ðiều này chứng tỏ việc thay đổi về cơ cấu giống lúa, cải tiến chất lượng giống, về đảm bảo an toàn thực phẩm trong thời gian qua với sự quyết tâm từ của Nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp và người nông dân đã mang đến những tác động tích cực cho ngành lúa gạo Việt Nam.
Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho rằng: Năm 2021, bên cạnh các tác động của dịch COVID-19 còn có sự tác động về chính sách của các thị trường mới, đặc biệt là thị trường châu Mỹ, thị trường châu Âu, các hiệp định thương mại tự do chính thức có hiệu lực và đi vào thực hiện; gần đây nhất là Hiệp định RCEP với quy mô thị trường trên 2 tỉ người. Do đó, ngành gạo cần tập trung sâu vào khâu giá trị, nâng cao năng lực chế biến, gia tăng giá trị toàn ngành. Sau lô gạo đầu năm, cần tiếp tục bám sát chỉ đạo tái cơ cấu ngành gạo của Chính phủ, bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị tổng kết ngành Nông nghiệp là phải tập trung “chắt chiu từng cơ hội của thị trường”. Các cơ sở chế biến, xay xát gạo phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; gia tăng giá trị sản phẩm. Doanh nghiệp xuất khẩu phải cố gắng đạt các chứng chỉ quan trọng như USDA của Mỹ, Global GAP... Phải luôn rà soát lại vấn đề liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và nông dân; vì có liên kết bền chặt, mới có thể tạo ra diện tích lúa hàng hóa lớn, với chất lượng cao. Phải vận dụng hiệu quả các cơ chế tín dụng, cơ chế tài chính ưu đãi cho các doanh nghiệp nông nghiệp. Bởi vì đầu tư vào nông nghiệp rất khó khăn và thời gian thu hồi lợi nhuận dài hơn so với các sản phẩm khác. Vấn đề logistics trong nông nghiệp cần được chú trọng hơn để tạo được sự cạnh tranh cho ngành hàng lúa gạo.
Bài, ảnh: MINH HUYỀN