02/09/2019 - 14:47

Triển vọng nuôi cá bông lau trên vùng nước lợ 

Cá bông lau - một loài thủy sản có giá trị kinh tế cao đang được người dân huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) nuôi thành công, mở ra một hướng phát triển mới cho nghề nuôi thủy sản tại ĐBSCL.

Ông Lâm đang nuôi cá bông lau trên các ao nuôi tôm.

► Bén duyên vùng nước lợ

Cá bông lau, một loài cá đặc sản nổi tiếng ở miền Tây đang giảm dần trong tự nhiên. Thời gian qua, cá bông lau thường được đánh bắt trên sông và bán với giá khá cao nên không phải ai cũng có cơ hội thưởng thức. Nhân giống, gây nuôi cá bông lau không chỉ mở hướng phát triển mới cho nghề nuôi thủy sản tại ĐBSCL mà còn để loại cá này trở thành thực phẩm phổ biến.

Theo ông Đồ Văn Thừa, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cù Lao Dung, mô hình nuôi cá bông lau tại địa phương có vài năm trước, do người dân sử dụng con giống bắt từ tự nhiên thuần dưỡng và nuôi trong ao đất. Do cá phát triển tốt, đạt hiệu quả cao, nên từ năm 2018, huyện đề xuất phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sóc Trăng thực hiện đề tài nuôi cá bông lau giống nhân tạo trong ao đất trên diện tích 0,6ha. Sau 12 tháng nuôi, cá đạt trọng lượng khoảng 1,2kg/con; sau khi trừ chi phí, người nuôi lời 30.000 đồng/kg. Chính việc nuôi cá bông lau bằng giống nhân tạo thành công đã giúp nhiều nông dân tại Cù Lao Dung có thêm lựa chọn để đa dạng mô hình sản xuất.

Ông Lâm Thành Lâm, ngụ xã An Thạnh 3, cho biết trước đây ông nuôi tôm sú rồi chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng. Tuy nhiên, do nuôi tôm nhiều năm, đất đai nhiễm bệnh nên hiệu quả không cao. Đầu năm 2018, ông bắt đầu chuyển sang nuôi cá bông lau bằng giống nhân tạo trên diện tích 2.000m2 với 4.000 con cá giống. Đến thời điểm xuất bán, cá bông lau của ông đạt bình quân khoảng 1,2-1,4 kg/con. “Cá bông lau dễ nuôi, có khả năng kháng bệnh cao. Đợt vừa rồi, sau khi trừ hao hụt số cá thả nuôi, tôi thu hoạch hơn 5 tấn cá. Với giá bán từ 100.000-120.000 đồng/kg, trừ hết chi phí, tôi còn lời bình quân 30.000 đồng/kg”- ông Lâm chia sẻ.

Theo ông Trần Thanh Nhã, ở xã An Thạnh 3, thực tế cho thấy điều kiện thổ nhưỡng tại địa phương rất thích hợp để nuôi cá bông lau. Đàn cá của ông sau 11 tháng nuôi, cũng đạt trọng lượng hơn 1kg/con. Thương lái đến thu mua giá 100.000 đồng/kg, trong đó chi phí khoảng 70.000 đồng/kg nên người nuôi chắc chắn có lời. Còn ông Nguyễn Văn Kiệt, ở xã An Thạnh Nam, cho biết những năm qua, ông chuyên thu gom cá giống tự nhiên về thuần dưỡng bán cho người nuôi, nhưng lượng cá giống tự nhiên ngày càng ít dần. Gần đây, cá bông lau được nhiều người ưa chuộng nhưng ngoài tự nhiên ngày càng hiếm, nên ông để lại 13.000 con giống nuôi trong 7.000m2 ao đất. Sau 1 năm, ông Kiệt thu hoạch được khoảng 10 tấn cá, bán giá 115.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, ông lời hàng trăm triệu đồng.

Ông Lâm rất thành công khi nuôi cá bông lau bằng giống nhân tạo.

► Triển vọng phát triển

Theo ông Lâm, khoảng 3 năm nay, người dân các xã An Thạnh Nam, An Thạnh 3 bắt đầu nuôi cá bông lau trong ao đất. Lúc đầu bà con chủ yếu nuôi giống được đánh bắt từ tự nhiên. Cá bông lau giống khoảng 700-1.000 con/kg, đánh bắt trên các sông lớn, được một số hộ dân có kinh nghiệm thu gom với giá 3.000 đồng/con. Sau khi thuần dưỡng từ 30-40 ngày bán lại cho người nuôi từ 10.000-12.000 đồng/con đi kèm các dịch vụ tư vấn kỹ thuật miễn phí cho người nuôi. Tuy nhiên, do nguồn giống từ tự nhiên hạn chế, sản lượng cá bán ra không nhiều, nên việc nuôi bằng giống nhân tạo thành công đã mở ra một triển vọng phát triển cho loài cá đặc sản này. Ông Lâm cho biết  thêm: “So với các loại thủy sản khác thì nguồn lãi từ cá bông lau cao hơn nhiều, dự kiến tôi sẽ chuyển 8.000m2 mặt nước còn lại đang nuôi tôm thẻ chân trắng sang nuôi cá bông lau”.

Còn ông Lâm Vũ Linh, ở xã An Thạnh 3, đang có đàn cá bông lau đạt trọng lượng trung bình 1,2 kg/con, cho biết nuôi cá bông lau trong ao đất cũng như nuôi các loài thủy sản khác, trong quá trình nuôi cần thực hiện đúng quy trình kỹ thuật cũng như quản lý môi trường ao nuôi. Đặc biệt, nuôi cá bông lau giống nhân tạo lớn nhanh hơn so với giống cá tự nhiên. Trong quá trình nuôi, cần phải chú ý khi thời tiết thay đổi thất thường hay sau khi thay nước, cá có thể giảm ăn hoặc bỏ ăn, từ đó tìm hiểu nguyên nhân để kịp thời xử lý.

Huyện Cù Lao Dung hiện có 3.089ha nuôi thủy sản, trong đó có hơn 1.700ha nuôi tôm nước lợ, diện tích còn lại nuôi nghêu và các loại thủy sản khác. Thực tế thời gian qua cho thấy cá bông lau là đối tượng nuôi mới, phù hợp với môi trường nước tại địa phương. Ông Đồ Văn Thừa cho biết, cá bông lau là loài cá có giá trị kinh tế cao hơn các loài cá da trơn khác. Đặc biệt, cá bông lau là đối tượng nuôi mới, phù hợp với nguồn nước lợ, mặn tại Cù Lao Dung. Nguồn giống cá bông lau nhân tạo sẽ có nhiều ưu thế để nhân rộng và cũng dần thay thế nguồn cá tự nhiên có nguy cơ cạn kiệt, góp phần bảo tồn nguồn giống cá bông lau tự nhiên.Thực tế cho thấy cá bông lau phù hợp với môi trường nước có độ mặn từ 1-10‰. Từ kết quả đó, đầu năm 2019, huyện Cù Lao Dung tiếp tục thực hiện thêm 3 mô hình nuôi cá bông lau bằng giống nhân tạo và thiên nhiên, hiện cá phát triển rất tốt.

“Trong điều kiện thích ứng với biến đổi khí hậu, tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng phát triển gia tăng và bền vững, thì tại những vùng nuôi tôm muốn cách vụ có thể tận dụng các ao lắng hay ao nuôi lâu năm bị nhiễm bệnh để nuôi các loài thủy sản khác, đặc biệt là cá bông lau. Tuy nhiên, cái khó của nuôi cá bông lau là chi phí đầu tư khá cao, thời gian nuôi kéo dài để cá đạt trọng lượng từ 1,2 kg/con trở lên mới bán được giá. Trong khi đó, đầu ra cá bông lau cũng chưa thật ổn định vì chủ yếu tiêu thụ nội địa. Do đó, muốn đầu tư, phát triển mở rộng thì ngành chức năng và bà con nông dân phải tính toán kỹ, tìm đối tác để có thị trường tiêu thụ ổn định lâu dài mới giúp nghề nuôi phát triển bền vững”- ông Thừa nói.l

Bài, ảnh: Bình Nguyên

Chia sẻ bài viết