28/06/2022 - 09:49

Xuất khẩu thủy sản năm 2022

Triển vọng, nhưng đối mặt nhiều khó khăn 

Trong 5 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam chạm mốc 4,72 tỉ USD. Đây là mức cao nhất trong vòng 10 năm qua. Dự báo, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ tiếp tục bứt phá và đạt kỷ lục trong những tháng cuối năm. Tuy nhiên, bức tranh xuất khẩu thủy sản không chỉ gam màu sáng mà dự báo còn vướng nhiều cản ngại: thiếu hụt nguyên liệu; chi phí vận chuyển tăng cao; rào cản thương mại, kỹ thuật tại thị trường nhập khẩu... Do đó, bên cạnh sự nỗ lực, chủ động từ doanh nghiệp (DN) thì việc hỗ trợ từ cơ quan quản lý nhà nước là cần thiết để xuất khẩu thủy sản Việt Nam tận dụng thời cơ, bứt phá vào dịp cuối năm.

Phục hồi và triển vọng

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam đang trên đà phục hồi và tăng trưởng trở lại hậu COVID-19.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam đang trên đà phục hồi và tăng trưởng trở lại hậu COVID-19.

Số liệu Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) công bố tại Diễn đàn CEO "Tháo gỡ khó khăn cho DN thủy sản - Góc nhìn người trong cuộc" vừa diễn ra cho thấy, 5 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt gần 4,72 tỉ USD, tăng trưởng 44,2% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, dẫn đầu là mặt hàng tôm với hơn 1,8 tỉ USD, tăng hơn 41%; cá tra đạt hơn 1,2 tỉ USD, tăng gần 90%; cá ngừ hơn 462 triệu USD, tăng hơn 58%… Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy ngành thủy sản đang dần phục hồi và tăng trưởng xuất khẩu trở lại hậu đại dịch COVID-19.

Lý giải sự tăng trưởng ấn tượng xuất khẩu thủy sản trong 5 tháng đầu năm 2022, theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký VASEP, hầu hết các thị trường xuất khẩu đều mở cửa sau thời gian dài ảnh hưởng dịch COVID-19. Mặt khác, lượng nguyên liệu tồn kho, dự trữ từ cuối 2021 kéo sang những tháng đầu năm 2022; nhiều DN ký kết được các hợp đồng từ cuối năm 2021 với giá cao. Từ đó thúc đẩy xuất khẩu thủy sản tăng cả sản lượng lẫn giá trị. Bên cạnh đó, các hiệp định thương mại tự do (FTA) do Việt Nam ký kết bắt đầu phát huy tác dụng, góp phần tăng năng lực cạnh tranh cho DN xuất khẩu Việt Nam.

Theo VASEP, từ tháng 3-2022, xuất khẩu thủy sản đang tăng trưởng mạnh với doanh số trung bình 1 tỉ USD/tháng. Do đó, ước tính xuất khẩu thủy sản quý II-2022 sẽ đạt khoảng 3 tỉ USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2021. Quý III là thời điểm các DN thủy sản phục vụ cho các đơn hàng cuối năm, cũng là thời điểm Hội chợ Thủy sản quốc tế Vietfish được tổ chức sau 2 năm ngừng vì dịch bệnh. Do vậy, xuất khẩu thủy sản có động lực tăng trưởng nếu nguồn nguyên liệu được cung cấp ổn định từ sản xuất trong nước và nhập khẩu. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu thủy sản quý III-2022 dự báo đạt khoảng 3 tỉ USD, tăng 33% so với quý III-2021. Với tốc độ tăng trưởng và bối cảnh cung cầu hiện nay, dự báo xuất khẩu thủy sản năm nay sẽ chạm ngưỡng 10 tỉ USD, tăng 12% so với năm 2021.

Đón đầu khó khăn, chủ động tìm giải pháp

Mặc dù có nhiều cơ hội, song theo đánh giá của các cơ quan quản lý nhà nước và chuyên gia trong ngành, xuất khẩu thủy sản Việt Nam vẫn đối mặt với những khó khăn, thách thức: thiếu nguyên liệu chế biến xuất khẩu; cước vận tải biển tăng gấp 6-10 lần so với trước dịch, thiếu container để vận chuyển. "Hiện tại, thị trường Trung Quốc vẫn giữ chính sách "zero COVID" nghiêm ngặt gây ách tắc xuất khẩu thủy sản sang thị trường này. Trong khi đó, các quy định, rào cản của thị trường nhập khẩu khác như cảnh báo thẻ vàng IUU của EU, chương trình kiểm soát thủy sản nhập khẩu của Mỹ (SIMP) cũng là những cản ngại cho xuất khẩu thủy sản…" - ông  Nguyễn Hoài Nam phân tích.

Trước những thách thức đặt ra, nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh khai thác hiệu quả các thị trường xuất khẩu, DN cũng cần có những giải pháp để chủ động ứng phó với biến động thị trường. Ông Trần Nguyễn Hoàng Phú, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Thủy sản Sóc Trăng, chia sẻ: Trước đây, khi đầu tư kho lạnh bảo quản, công ty chỉ tính đến việc làm sao để đảm bảo lượng tồn kho vào thời điểm công suất sản xuất thấp nhất trong năm. Tuy nhiên, khi dịch COVID-19 kéo dài, nhiều nước ngưng nhập, chậm nhập khẩu 3-4 tháng. Lúc đó, sản phẩm DN sản xuất, chế biến ra không có chỗ lưu kho. Từ đó cho thấy, chỉ ở việc đầu tư kho lạnh cũng cần phải tính toán những kịch bản biến động thị trường, biến cố, thiên tai có thể xảy ra.

Việc hiểu chu kỳ thăng trầm trong sản xuất, xuất khẩu thủy sản cũng cần được DN xuất khẩu đặc biệt quan tâm. Theo ông Võ Hùng Dũng, Tổng Thư ký Hiệp hội cá tra Việt Nam, trong khoảng 15 năm qua, ngành cá tra đã diễn ra 3 chu kỳ biến động giá rất mạnh và mỗi chu kỳ tăng giá kéo dài khoảng 1,5 năm. Sau mỗi đợt giá tăng nhanh và mạnh là giai đoạn bước vào khủng hoảng, giá cá tra giảm rất sâu. Nếu DN nào có sức chịu đựng cao, bước qua giai đoạn khó khăn sẽ hưởng được thành quả những năm sau đó. Điều đó cho thấy, những lúc thuận lợi là cơ hội để DN phát triển, lúc khó khăn DN cần giải pháp tháo gỡ, lúc khắc nghiệt DN cần các giải pháp đột phá.

"Thị trường, giá cả là vấn đề muôn thuở của DN không ai có thể giúp, mà chính DN phải biết quản lý, quản trị chuỗi cung ứng của chính mình. Tuy nhiên, để nâng cấp chuỗi giá trị lên tầm cao hơn và bền vững hơn đòi hỏi phải có nhiều nguồn lực hơn từ quốc gia cải thiện chuỗi giá trị xuất khẩu thủy sản từ cơ sở hạ tầng, logistics, con giống, đầu vào... Không DN riêng lẻ nào, kể cả nhóm DN có thể làm được những việc lớn lao, tốn kém đòi hỏi tính đồng bộ, phối hợp cao trừ khi có Nhà nước, với sự hỗ trợ thông qua chính sách, chương trình đầu tư nâng cấp, cải thiện chuỗi cung ứng khi tình hình quá khó khăn" - ông Võ Hùng Dũng bày tỏ.

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết