11/06/2018 - 07:28

Triển vọng nghề pha chế 

Pha chế thức uống đang là một trong những nghề được rất nhiều bạn trẻ lựa chọn do thời gian học ngắn hạn, dễ tìm việc làm, lương ổn định. Gần như quán giải khát nào cũng cần nhân viên pha chế để phục vụ nhu cầu đa dạng của khách hàng. Vì lẽ đó, pha chế dần trở thành nghề “hot”. 

Lớp học pha chế tại Cơ sở đào tạo nghề Bếp – bar. Ảnh: KIỀU CHINH
Lớp học pha chế tại Cơ sở đào tạo nghề Bếp – bar. Ảnh: KIỀU CHINH

Thoăn thoắt pha 2 ly lipton đá nhiều chanh theo yêu cầu của khách, Nguyễn Ngọc Chăm (21 tuổi, quê tỉnh Hậu Giang, sinh viên Trường Cao đẳng Cần Thơ), nhân viên pha chế quán cà phê Kho (đường 30 Tháng 4), vui vẻ kể chuyện. Từ nhỏ, Chăm thích khám phá thế giới các loại đồ uống theo cách riêng. Khi đến Cần Thơ học, Chăm tìm “chân” phục vụ quán, kiếm tiền trang trải cuộc sống. Thấy Chăm siêng năng và thích pha chế, chủ quán cho đi học nghề ngắn hạn 1 tháng. Với kiến thức căn bản vững vàng, Chăm mày mò chế biến, thêm bớt các nguyên liệu theo gu từng khách. Chăm kể: “Có người thời gian đầu đến chuyên uống cà phê, sau khi thử các thức uống khác như: lipton đá, sữa chua việt quốc, sinh tố…, lại chuyển dần uống các món trên, mua cà phê mang đi. Làm nghề này được khách khen, tôi thấy vui lắm”. Hiện Chăm làm theo ca, 6 giờ/ngày với thù lao 12.000 đồng/giờ, có thể tự lo trang trải chi phí ăn học. Chăm cho biết, sẽ đầu tư tìm hiểu thêm về  nghề  để đáp ứng công việc tốt hơn.

Nghề pha chế giúp Đỗ Hoàng Minh Nhựt (21 tuổi, quận Bình Thủy) có thu nhập ổn định. Đầu năm 2017, sau khi tham gia khóa học pha chế 4 tháng, Nhựt vào làm tại Cà phê Yellow Bee cho đến nay. Với kiến thức được học kết hợp trải nghiệm thực tế, Nhựt không chỉ pha chế sành điệu cà phê mà còn tạo ra nhiều hương vị đặc biệt cho các thức uống trà sữa, được khách hàng yêu thích.

Từ khi học pha chế và nhận việc ở quán cà phê E – Coffee (đường Huỳnh Cương, phường An Cư), cuộc sống chị Nguyễn Thị Hoàng Điểu dường như đổi khác. Trước đây, chị Điểu làm nội trợ, bán hàng qua mạng. Một lần, nghe người bạn say sưa nói về nghề pha chế, chị Điểu “thử thời vận”. Sau khi được chị Trần Thị Tú Vân, chủ quán E – Coffee đưa đi học khóa cấp tốc tại TP Hồ Chí Minh, chuyên pha chế các thức uống thuộc dòng cà phê Trung Nguyên, chị Điểu về làm tại quán. Chị Điểu tâm sự: “Chỉ cần thêm hoặc bớt một thành phần là tạo được thức uống mới với hương vị, màu sắc khác hẳn. Nhân viên thường lắng nghe ý kiến khách hàng để pha chế phù hợp khẩu vị từng người. Ngoài cà phê sữa, nhiều bạn trẻ yêu cầu được phục vụ các loại trà. Làm việc này không áp lực, nhẹ nhàng, lương khá và cảm thấy thú vị nên tôi sẽ gắn bó lâu dài”.

Chị Đặng Trúc Muội (29 tuổi), làm tại E – Coffee cho biết, từ khi học pha chế, mê luôn mùi trà, cà phê. Chị Muội thích nhất pha chế trà đào, chanh, sả gừng… Cùng nguyên liệu đó nhưng khi qua “tay” chị chế biến, xoay lắc, mỗi loại sẽ có hương vị hấp dẫn khác nhau. Chị Trần Thị Tú Vân chia sẻ: “Pha chế rất quan trọng trong kinh doanh thức uống. Vì vậy, tôi thường xuyên tạo điều kiện để nhân viên học hỏi, nâng cao tay nghề, không chỉ biết tạo ra những sản phẩm mới, lạ, ngon, còn chú trọng trang trí ly nước uống bắt mắt, thẩm mỹ. Tôi từng qua nhiều khóa học về lĩnh vực này để quản lý quán tốt hơn. Sắp tới, tôi sẽ mở lớp pha chế tại quán đào tạo nhân viên và bạn trẻ có nhu cầu”.

Theo chị Lê Ngọc Dẽ, nhân viên tư vấn tuyển sinh Cơ sở đào tạo nghề Bếp – bar (đường 30 Tháng 4, phường Hưng Lợi), gần đây, số học viên đăng ký học nghề pha chế nhiều hơn so với trước. Ngoài học viên thông thường, nhiều chủ quán cất công học pha chế để đảm bảo quản lý tốt. Chị Dẽ cho rằng, yêu cầu của thực khách ngày càng cao, thức ăn, đồ uống phải ngon, đẹp, đảm bảo chất lượng nên để cạnh tranh, các quán phải tuyển nhân viên pha chế qua đào tạo bài bản. Tùy sự tiếp thu của học viên, mỗi khóa học pha chế tổng hợp từ 1-3 tháng (học phí khoảng 5,5 triệu đồng).  Ngoài các kiến thức nền, công thức pha chế các loại cocktail, trà, cà phê… từ đơn giản đến phức tạp, học viên được hướng dẫn nhiều kiến thức về loại cà phê cũng như cách cảm nhận sự khác biệt giữa các thức uống để phục vụ khách hàng tốt nhất.

Không chỉ ở Bếp – bar, đa số học viên sau khi hoàn thành khóa học pha chế đều được các cơ sở dạy nghề giới thiệu việc làm, thu nhập tương đối ổn định. Sau thời gian trải nghiệm, tùy tay nghề, có người tìm việc khác ở các quán lớn hơn, thu nhập cao hơn. Có trường hợp lúc đầu theo khóa học pha chế vì yêu thích, khi đủ kinh nghiệm và vốn liếng, đứng ra mở quán cà phê như chị Tú Vân, chủ quán E – Coffee.

Với sự ra đời hàng loạt quán cà phê bình dân, có thể nói, pha chế thức uống là nghề nhiều triển vọng, rộng mở cơ hội việc làm. Đối với những bạn trẻ năng động, sáng tạo, nghề đặc thù này không chỉ giúp mưu sinh, còn làm phong phú thêm thế giới ẩm thực muôn màu sắc.

KIỀU CHINH

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
nghề pha chế