20/11/2011 - 07:58

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Bùi Văn Ga:

Triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại học

 

Kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng năm nay, bên cạnh những nỗ lực đổi mới, cải tiến, còn bộc lộ nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là trong việc thu hút sinh viên và chất lượng đào tạo của các trường... Bên cạnh đó, việc giải quyết “đầu ra” cũng còn nhiều tranh luận khi có địa phương không tuyển dụng sinh viên hệ ngoài công lập. Những tồn tại trên đang được tìm cách khắc phục, nhất là khi Luật Giáo dục đại học đang được Quốc hội (QH) bàn thảo, chuẩn bị thông qua. Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga đã có cuộc trao đổi với báo chí về những vấn đề này.

Sẽ hủy bỏ “chương trình khung”

* Thưa Thứ trưởng, Bộ nhìn nhận như thế nào về thực trạng một số trường đại học, cao đẳng đang lúng túng và thậm chí “điêu đứng” trước tình cảnh thiếu sinh viên trầm trọng, thậm chí phải đóng cửa một số ngành học?

- Có nhiều nguyên nhân dẫn tới các trường gặp khó khăn trong tuyển sinh, nhưng quan trọng nhất là các trường này mới thành lập, chưa khẳng định được thương hiệu, chưa có uy tín, ngành đào tạo còn ít, thiếu hấp dẫn, không thu hút được người học... Mặt khác, có rất nhiều thí sinh trên điểm sàn đại học nhưng lại chọn học Cao đẳng để có một nghề vững chắc, rồi sau này có điều kiện sẽ học liên thông chứ không chọn học đại học ở những trường còn chỉ tiêu. Điều này cho thấy thí sinh đã có sự cân nhắc và trách nhiệm hơn trong việc chọn lựa con đường học tập của mình, chứ không phải học đại học với bất cứ giá nào.

* Bộ có thấy cần thiết phải có các giải pháp để điều chỉnh hợp lý hơn trong các kỳ tuyển sinh sau?

- Từ thực tiễn trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã và đang triển khai hàng loạt các biện pháp yêu cầu các trường thực hiện đầy đủ các cam kết đảm bảo chất lượng, đặc biệt là các trường mới thành lập, để nâng cao uy tín, thu hút người học. Mặt khác, Bộ cũng sẽ có những điều chỉnh công tác tuyển sinh một cách hợp lý, phù hợp với thực tiễn, vừa bảo đảm chất lượng đầu vào của các trường, vừa tạo điều kiện để các trường tuyển đủ chỉ tiêu đã xác định trên cơ sở năng lực của từng trường. Ví dụ: bổ sung thêm một số khối thi cho năm tới, giao các trường tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong công tác xét tuyển trên cơ sở điểm sàn và chỉ tiêu...; đồng thời xem xét bổ sung chính sách đối với một số ngành khó tuyển, nhưng xã hội có nhu cầu cao về nhân lực. Các trường sẽ cạnh tranh một cách lành mạnh để nâng cao chất lượng, đó là yếu tố sống còn, bởi nếu không đủ uy tín để thu hút người học thì có nguy cơ bị giải thể.

* Việc kiểm soát về chất lượng các trường đại học, cao đẳng được Bộ tiến hành như thế nào trong thời gian tới?

- Đảm bảo chất lượng đào tạo đang được Bộ đặc biệt quan tâm và tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát để kịp thời phát hiện, xử lý các sai phạm. Bộ yêu cầu các trường thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo định kỳ và thực hiện “3 công khai”; đổi mới quản lý hệ thống giáo dục đại học, tiến hành đồng bộ từ các bộ, ngành ở Trung ương, đến các tỉnh, thành phố địa phương và các trường đại học, cao đẳng.

Sau hơn 10 năm thực hiện Luật Giáo dục, Bộ đã ban hành trên 200 chương trình khung các ngành trình độ cao đẳng và đại học. Qua thực tiễn cho thấy, thời gian xây dựng, thời gian phê duyệt và thời gian sử dụng chương trình khung khá dài, không cập nhật được tri thức khoa học, công nghệ mới, tiên tiến; làm giảm tính linh hoạt. Vì vậy, tới đây sẽ bỏ quy định về chương trình khung và thay bằng quy định về chuẩn tối thiểu kiến thức, kỹ năng.

Hướng tới những trường chất lượng cao, xứng tầm khu vực

* Đâu là chất xúc tác để sắp tới các trường đại học, cao đẳng vừa hạn chế được các điểm yếu và ngày càng năng động, tự chủ?

- Bộ khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học huy động ngày càng nhiều các nguồn lực đầu tư để bảo đảm chất lượng, cạnh tranh . Sắp tới, Bộ cũng quy định “Cơ sở giáo dục đại học thực hiện chương trình đào tạo chất lượng cao được thu học phí tương xứng với chất lượng đào tạo ” .

Chính phủ có chính sách đầu tư, chế độ đãi ngộ nhằm thu hút các nhà khoa học và người Việt Nam ở nước ngoài tham gia hoạt động tài trợ, giảng dạy, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Về lâu dài sẽ để các trường tự chủ trong tất cả các mặt hoạt động của mình.

* Bộ đang có những giải pháp gì để “nâng tầm”, hướng tới những trường chất lượng cao xứng tầm khu vực?

- Chúng ta phân tầng đại học để tập trung đầu tư mạnh cho các đại học phát triển theo định hướng để trở thành những đại học nghiên cứu. Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai đề án thành lập 4 trường đại học xuất sắc, trình độ quốc tế theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Các đại học này được sự hỗ trợ mạnh mẽ của liên minh các trường đại học của các nước phát triển. Việc thực hiện đề án này sẽ cho phép chúng ta đẩy nhanh tốc độ hình thành các đại học nghiên cứu, tiến tới được xếp hạng cao trong hệ thống các trường đại học của khu vực và trên thế giới.

Quyết tâm xử lý các trường làm trái quy định

* Tới đây Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ xử lý những cơ sở giáo dục đại học không đảm bảo chất lượng như thế nào?

- Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thành lập Đoàn kiểm tra việc thực hiện cam kết theo đề án khi thành lập, cụ thể là các Trường đại học Văn Hiến, trường Cao đẳng Công nghệ Thông tin, trường đại học Kiến trúc Đà Nẵng, trường đại học dân lập Đông Đô.

Kết quả kiểm tra bước đầu cho thấy, việc thực hiện cam kết về các điều kiện đảm bảo chất lượng của các trường trên chưa đúng với Đề án thành lập trường khi được phê duyệt. Sau nhiều năm hoạt động, số lượng giáo viên cơ hữu của các trường này vẫn còn quá mỏng, cơ sở vật chất, đất đai một số trường còn rất tạm bợ, thuê mướn, không đảm bảo các tiêu chí tối thiểu theo quy định; trong khi quy mô đào tạo vượt quá năng lực bảo đảm chất lượng của trường... Trên cơ sở kết quả kiểm tra, tùy thuộc mức độ, Bộ sẽ có biện pháp xử lý kiên quyết đối với những trường không thực hiện đúng cam kết.

* Vừa qua, tỉnh Nam Định đề ra quy chế tuyển cán bộ, viên chức phải là sinh viên tốt nghiệp đại học hệ chính quy, không tuyển những sinh viên hệ dân lập. Ý kiến của Bộ Giáo dục về vấn đề này như thế nào?

- Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định không có sự phân biệt bằng do trường công lập hay trường ngoài công lập cấp, cũng như không phân biệt bằng chính qui hay bằng vừa làm vừa học.

Luật Giáo dục quy định trường dân lập, tư thục có nhiệm vụ và quyền hạn như trường công lập trong việc thực hiện các mục tiêu. Chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân không có sự phân biệt giá trị sử dụng của văn bằng thuộc các hình thức đào tạo khác nhau.

Luật cán bộ, công chức cũng không có quy định nào cấm người có văn bằng tốt nghiệp học theo hình thức giáo dục thường xuyên hoặc văn bằng do các trường ngoài công lập cấp không được đăng ký dự tuyển công chức. Vì vậy, việc đánh giá khả năng của người dự tuyển qua hình thức đào tạo của văn bằng hoặc qua loại hình cơ sở giáo dục cấp văn bằng là chưa đảm bảo tính khách quan và tính cạnh tranh trong tuyển dụng, không phù hợp với chủ trương xã hội hóa giáo dục của Đảng và Nhà nước.

* Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

NGUYỄN VĂN CẢNH (thực hiện)

Chia sẻ bài viết