27/06/2021 - 13:13

Tranh minh họa không chỉ là... minh họa 

Gần đây, thị trường sách có nhiều ấn phẩm hấp dẫn, không chỉ về nội dung mà còn ở cách trình bày, nhất là tranh minh họa. Những bức vẽ giàu tính thẩm mỹ không chỉ có tác dụng minh họa cho sách mà thực sự là những tác phẩm mỹ thuật giá trị.

Sách “Người kép già” tái bản những tác phẩm của nhà văn Kim Lân (trái) và tranh vẽ bìa cho sách của họa sĩ Thành Chương (phải).

Sách “Người kép già” tái bản những tác phẩm của nhà văn Kim Lân (trái) và tranh vẽ bìa cho sách của họa sĩ Thành Chương (phải).

Những phiên đấu giá tranh vẽ minh họa cho sách xuất hiện ngày càng nhiều thời gian gần đây. Mới nhất, phiên đấu giá trực tuyến tranh của họa sĩ Thành Chương vẽ minh họa cho quyển sách “Người kép già” - tái bản những danh tác của nhà văn Kim Lân do Công ty cổ phần Văn hóa Đông A tổ chức, được sự chú ý của dư luận. Các tác phẩm được họa sĩ Thành Chương vẽ bằng bột màu trên giấy bìa, kích thước 30x40cm, minh họa cho các truyện ngắn rất sinh động. Điều thú vị hơn nữa khi biết họa sĩ Thành Chương chính là con trai của cố nhà văn Kim Lân. Tổng trị giá giao dịch của phiên đấu giá tranh minh họa này lên đến hơn 600 triệu đồng.

Công ty cổ phần Văn hóa Đông A cũng từng tổ chức thành công phiên đấu giá trực tuyến tranh minh họa “Châu chấu” của họa sĩ Tạ Huy Long, lấy cảm hứng từ truyện “Dế Mèn phiêu lưu ký”, với giá giao dịch cuối cùng hơn 75 triệu đồng. Trước đó, các phiên đấu giá tranh minh họa cho các ấn phẩm “Truyện Kiều”, “Lục Vân Tiên”... cũng thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới chơi tranh và đam mê mỹ thuật.

Vẽ bìa và vẽ minh họa cho sách ngày càng được các tác giả, nhà xuất bản chú trọng và đầu tư công phu. Đơn cử như NXB Trẻ trong chương trình “Tháng Ba sách Trẻ” vừa qua đã ra mắt những ấn phẩm văn học rất độc đáo. Đó là sách tái bản các tác phẩm nổi tiếng “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” (Nguyễn Nhật Ánh), “Cánh đồng bất tận” (Nguyễn Ngọc Tư) và “Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ” (Nguyễn Ngọc Thuần). Đáng chú ý là phần tranh vẽ minh họa cho sách. Họa sĩ Minh Hải vẽ minh họa cho “Cánh đồng bất tận”, khi trình làng trên mạng xã hội đã nhận được nhiều sự yêu thích. “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” có phần phụ với 8 trang truyện tranh do nhà văn Nguyễn Nhật Ánh viết lời với phần tranh minh họa của họa sĩ Hoàng Tường. Nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần kiêm luôn vai trò họa sĩ khi vẽ minh họa cho chính “đứa con văn chương” - “Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ” của  mình.

Còn rất nhiều ví dụ về thành công của tranh minh họa khi các tác phẩm văn học, khảo cứu... được tái bản. Có thể kể thêm về bộ sách khảo cứu Nam Bộ của cố nhà văn Sơn Nam, hay bộ sách tái bản tác phẩm của Bà Tùng Long, Nguyễn Huy Thiệp, Vũ Trọng Phụng... cũng được giới thiệu với hình thức bắt mắt. Đó là sự hòa quyện của văn chương và mỹ thuật, làm nên những ấn phẩm đáng đọc và đáng lưu giữ trong kệ sách gia đình.

Thời buổi công nghệ hiện đại, trước sự lấn át của nhiều loại hình giải trí và phương tiện tiếp cận kiến thức, văn hóa đọc có nhiều thách thức. Vậy nên, cách làm mới mẻ trong công nghệ làm sách, ấn bản, gia tăng hàm lượng giá trị nghệ thuật trong ấn bản để thu hút bạn đọc được xem là cách làm khả thi. Vừa đọc sách, vừa xem tranh, như một kiểu thưởng thức nghệ thuật song trùng, kích thích trí tưởng tượng độc giả. Nhưng, nếu tách rời các tranh minh họa ấy ra một cách đơn lập thì vẫn sẽ là những tác phẩm mỹ thuật giá trị. Tranh minh họa giờ không chỉ để minh họa mà thực sự là một phần của ấn bản, làm thăng hoa giá trị nghệ thuật cho tác phẩm.

Bài, ảnh: DUY KHÔI

Chia sẻ bài viết