05/09/2017 - 09:56

Tranh luận trên truyền hình, Thủ tướng Đức thắng lớn 

Sau cuộc tranh luận phát trực tiếp trên truyền hình tối 3-9, cả Thủ tướng Đức Angela Merkel và đối thủ Martin Schulz dường như chưa thuyết phục được một lượng lớn cử tri còn lưỡng lự. Tuy nhiên, giới truyền thông cho rằng bà Merkel là người chiến thắng trong cuộc tranh luận duy nhất trước thềm cuộc bầu cử  sẽ diễn ra ngày 24-9 tới.

Bà Merkel và đối thủ Schulz trên truyền hình tối 3-9. Ảnh: AP

Một cuộc khảo sát công bố tuần qua cho thấy gần một nửa cử tri Đức (46%) vẫn chưa quyết định ai sẽ là lãnh đạo tiếp theo của họ, do đó, việc giành được sự ủng hộ của nhóm cử tri này rất quan trọng đối với mỗi ứng viên.

Theo tờ New York Times, trong cuộc tranh luận kéo dài 97 phút, bà Merkel và ông Schulz thể hiện lập trường về chính sách nhập cư, kinh tế, an ninh nội địa, đối sách với Thổ Nhĩ Kỳ cũng như Mỹ – đồng minh quan trọng nhất của Berlin.

Ông Schulz, thủ lĩnh đảng trung tả Dân chủ Xã hội, bắt đầu bằng việc chỉ trích quyết định của bà Merkel về việc mở cửa biên giới đón nhận 1 triệu di dân. Nhưng bà Merkel vẫn kiên định bảo vệ quyết định của mình, dù nói hành động tương tự sẽ không tái diễn.

Thủ tướng Merkel khẳng định Đức đã nỗ lực phối hợp tốt giữa tiếp nhận người tị nạn để bổ sung vào thị trường lao động, nhất là với lao động nữ. Đối với hoạt động Hồi giáo cực đoan, Thủ tướng Merkel cho rằng, dù đã gây ra những hành động kinh hoàng ở châu Âu song bà tin rằng “Hồi giáo thuộc về Đức”.

Cựu Chủ tịch Nghị viện châu Âu sau đó công kích Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, nói rằng ông này đang coi thường luật pháp quốc tế và kêu gọi chấm dứt đàm phán để Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập Liên minh châu Âu (EU). Ông cũng gọi Tổng thống Mỹ Donald Trump là người “khó đoán”, “đưa thế giới đến bờ vực khủng hoảng” và không đáng tin cậy để giải quyết căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.

Tuy nhiên, những chỉ trích của ông Schulz dường như mang lại cho nữ thủ tướng cơ hội thể hiện năng lực của bà vốn đã nổi tiếng cả trong lẫn ngoài nước hơn một thập niên qua. Đồng ý rằng Thổ Nhĩ Kỳ không nên trở thành thành viên EU và cho biết sẽ tìm tiếng nói chung với các nhà lãnh đạo từ các quốc gia thành viên, song bà Merkel khẳng định mối quan hệ ngoại giao với Thổ Nhĩ Kỳ không nên dừng lại.

Mặc dù thừa nhận Mỹ và Đức vẫn còn khác biệt trong một số vấn đề (như biến đổi khí hậu chẳng hạn), nhưng Thủ tướng Merkel nói bà sẽ làm “mọi thứ trong khả năng” để đồng minh Mỹ không dùng đến giải pháp quân sự đối phó Triều Tiên, mà thông qua con đường ngoại giao.

Về kinh tế, ông Schulz kêu gọi tạo ra một hệ thống công bằng hơn. “Đức là một đất nước thịnh vượng, nhưng không phải ai ở nước này đều thịnh vượng” – ông nói. Đáp lại, bà Merkel cho biết từ khi bà lên nắm quyền, số người thất nghiệp đã giảm một nửa, từ 5 triệu xuống còn 2,5 triệu, trong khi lương thì tăng lên.

Tại một số thời điểm, bà Merkel đã thẳng thừng bác bỏ những chỉ trích của ông Schulz bằng cách lưu ý rằng chính đảng Dân chủ Xã hội của ông đã ủng hộ bà trong thời gian cùng cầm quyền với Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo theo đường lối Trung hữu.

“Bà Merkel thắng cuộc tranh luận tay đôi trên truyền hình” – nhật báo hàng đầu của Đức Bild tuyên bố khi dẫn kết quả cuộc thăm dò của đài truyền hình ARD, trong đó cho thấy 55% ủng hộ thủ tướng và 35% ủng hộ ông Schulz.

Các cuộc thăm dò ý kiến nhanh sau tranh luận do các đài truyền hình thực hiện cũng nhận định bà Merkel đáng tin cậy và dễ mến hơn (49% so với 29%). Trong một bài xã luận, nhật báo hàng đầu tại Munich – Süddeutsche Zeitung – gọi bà Merkel là một nhà lãnh đạo của chính phủ và thế giới, trong khi mô tả ông Schulz “quá nhạt nhẽo, quá bảo thủ, quá hòa nhã, thiếu ý thức quyền lực, không phải là một đối thủ”.

Cuộc tranh luận ngày 3-9 diễn ra khi bà Merkel bước vào cuộc đua mà cả bà và Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo cầm quyền luôn trong thế dẫn đầu. Các cuộc thăm dò cho thấy đảng của bà sẽ giành khoảng 40% phiếu bầu và bà sẽ trở thành thủ tướng nhiệm kỳ thứ tư liên tiếp.

THANH TRÚC (Theo NY Times, Washington Post, BBC)

Chia sẻ bài viết