25/09/2023 - 22:54

Tránh dùng cà phê khi đang uống thuốc chữa bệnh 

Uống cà phê buổi sáng là thói quen của nhiều người để tăng cường sự tỉnh táo và kích thích hệ tiêu hóa. Nhưng với những người đang uống thuốc trị bệnh, điều quan trọng cần lưu ý là thành phần caffeine trong cà phê có thể tương tác, ảnh hưởng đến sự hấp thụ và hoạt động của thuốc. Đặc biệt, các chuyên gia khuyến cáo nên tránh uống cà phê khi dùng 5 loại thuốc sau đây:

+ Thuốc chống trầm cảm. Số người uống thuốc chống trầm cảm đang ngày một tăng và trở nên phổ biến trong nhóm bệnh nhân ở độ tuổi 20 và 30. Tuy nhiên, caffeine trong cà phê được phát hiện có ảnh hưởng đến khả năng hấp thu của cơ thể với một số thuốc chống trầm cảm như fluvoxamine, amitriptyline, escitalopram và imipramine. Nghiên cứu chỉ ra rằng caffeine làm giảm hấp thu fluvoxamine, đổi lại, fluvoxamine có thể làm tăng phản ứng của cơ thể với caffeine, từ đó giảm tác dụng của thuốc đối với chứng mất ngủ và tăng nhịp tim. Do vậy, những người đang dùng thuốc chống trầm cảm cần tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc đợi ít nhất 1 tiếng sau khi uống thuốc rồi mới được uống cà phê.

Cà phê có thể tương tác và ảnh hưởng tác dụng của một số loại thuốc.

Cà phê có thể tương tác và ảnh hưởng tác dụng của một số loại thuốc.

+ Thuốc huyết áp. Hoạt chất caffeine được biết là có tác dụng làm tăng nhịp tim và ảnh hưởng đến huyết áp. Vì vậy, việc uống cùng lúc cà phê với thuốc trị cao huyết áp - có tác dụng làm chậm nhịp tim - có thể gây rắc rối cho bệnh nhân. Nghiên cứu còn cho thấy uống cà phê trong khi dùng một số loại thuốc huyết áp như amlodipine có thể cản trở sự hấp thụ thuốc, từ đó ảnh hưởng đến hiệu quả của thuốc. Mặc dù có thể không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng người bệnh nên tránh uống cà phê trong khi đang dùng thuốc huyết áp.

+ Thuốc trị hen suyễn. Nếu bị hen suyễn và đang dùng các loại thuốc giãn phế quản như aminophylline hoặc theophylline, người bệnh cần hiểu cách thức hoạt động và tác dụng của của thuốc đối với cơ thể. Thuốc giãn phế quản có chứa steroid làm thư giãn đường thở, giúp hô hấp dễ dàng hơn nhưng có thể đi kèm các tác dụng phụ như đau đầu, bồn chồn, đau dạ dày và khó chịu. Nghiên cứu cho thấy tiêu thụ cà phê và đồ uống chứa caffeine khác có thể làm tăng nguy cơ mắc các tác dụng phụ này, trong một số trường hợp còn làm giảm hấp thu thuốc.

+ Thuốc chữa tiểu đường. Theo một nghiên cứu của Hiệp hội Tiểu đường Mỹ, dùng bất kỳ thức uống nào có chứa caffeine cũng có thể làm tăng lượng insulin và lượng đường trong máu. Các chuyên gia nhận thấy việc tăng tiêu thụ caffeine có thể gây khó khăn cho việc điều chỉnh mức đường huyết và làm tăng nguy cơ gặp biến chứng liên quan đến tiểu đường. Hơn nữa, việc thêm sữa và đường vào cà phê dễ làm tăng lượng đường trong máu, cản trở hiệu quả của thuốc trị tiểu đường.

+ Thuốc trị cảm lạnh và dị ứng. Đa số mọi người có thể phải dùng thuốc điều trị cảm lạnh và dị ứng cùng lúc. Những loại thuốc này có thể chứa steroid hoặc các thành phần như pseudoephedrine hydrochloride, làm tăng hoạt động của hệ thần kinh trung ương. Khi uống thuốc gần với thời gian dùng cà phê, chúng có thể khuếch đại tác động đối với hệ thần kinh trung ương, làm tăng nguy cơ gặp các tác dụng phụ như bồn chồn, khó chịu và rối loạn giấc ngủ.

AN NHIÊN (Theo Jpost.com)

Chia sẻ bài viết