10/04/2008 - 11:24

Trang trại heo rừng giữa đồng bằng

Đó là mô hình nuôi heo rừng được anh Thái Thiện Tùng (sinh năm 1975, ngụ phường Tân Phú, quận Cái Răng, TP Cần Thơ) thực hiện từ cuối năm 2007. Đến nay, khu chăn nuôi này có gần 200 con heo rừng, được xem là trang trại nuôi heo rừng hiếm có ở thành phố đồng bằng này.

 Anh Thái Thiện Tùng bên trại chăn nuôi heo rừng.

Theo chân một người quen, chúng tôi chạy xe dọc theo đường Quang Trung chừng 5 km (tính từ đầu đường ngã 3 Quang Trung – 30 Tháng 4), đến cầu Bến Bạ rồi quẹo phải vào một con lộ nhỏ, đi thêm 700 m nữa đến khu vực Phú Thuận, phường Tân Phú, quận Cái Răng, để tận mắt xem trang trại nuôi heo rừng của anh Tùng.

Khi được hỏi về ý tưởng thành lập trang trại nuôi heo rừng, anh Tùng cho biết: “Lúc trước, tôi có thấy ở khu vực miền Đông Nam bộ người dân nuôi nhiều heo rừng và cho hiệu quả kinh tế cao, còn ở ĐBSCL có nuôi nhưng rất ít, riêng ở Cần Thơ thì chưa có ai nuôi, nên tôi quyết định thử sức một lần”. Trước khi nuôi heo rừng, anh Tùng đã đi đến nhiều trang trại nuôi heo rừng ở các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai... tham khảo và học hỏi một số kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi để có phương án chăn nuôi phù hợp với đất miền Tây Nam bộ. Theo anh Tùng, khó khăn chủ yếu là diện tích đất để làm chuồng trại. Ở các tỉnh vùng ngoài “đất rộng người thưa” nên dễ dàng chăn nuôi hơn. Còn ở Cần Thơ thì “đất hẹp người đông”, nên anh đã phải đi tìm rất nhiều nơi để lập trang trại này, đặc biệt là phải xa khu dân cư để tránh tình trạng ô nhiễm.

Được một người quen giới thiệu, anh Tùng gặp được nhiều chủ trang trại nuôi heo rừng ở tận Thái Lan. Sau đó anh đã nhập về 120 con heo bố mẹ (10 con đực, 110 con cái), mỗi con nặng khoảng 50 kg. Về kỹ thuật nuôi, anh được các chủ trang trại người Thái Lan chỉ dẫn tận tình, có tài liệu để tham khảo, nên anh an tâm phần nào khi nhập heo rừng về nuôi. Anh Tùng cho biết, khi nhập về đàn heo được cơ quan thú y kiểm dịch gắt gao và tiêm thuốc phòng chống dịch. Tuy nhiên, với điều kiện khí hậu có phần khác biệt so với Thái Lan và các tỉnh miền Đông, trong quá trình nuôi, heo bị tiêu chảy và ho. Cục Thú y cho biết những triệu chứng này không có gì nghiêm trọng vì do có sự thay đổi môi trường sống.

Với diện tích nuôi hơn 1.000 m2, nhiều chuồng trại chăn nuôi ở đây được xây dựng với các dạng: chuồng nền đất có rào lưới B40 dành cho heo chưa đẻ hoặc đẻ rồi; loại chuồng xây gạch bê tông dành cho heo chuẩn bị, đang đẻ và có chuồng riêng để tránh tình trạng heo con bị cắn chết. Theo anh Tùng, heo rừng sống chủ yếu là nền đất, sống lan cho nên mô hình chuồng trại như vậy một phần để đảm bảo được vệ sinh chuồng trại dễ dàng hơn, một phần cho heo thích ứng với môi trường sống tự nhiên. Hàng ngày, sáng thả heo ra nền đất, chiều lùa vào và khi cho ăn thì đánh kẻng. Hình thức này độc đáo và thuận lợi để tập trung đàn heo cho ăn đúng giờ, đúng buổi và cả liều lượng thức ăn. Mỗi ngày cho heo ăn hai buổi sáng và chiều, thức ăn chủ yếu là rau, củ, cám. Anh Tùng cho biết thêm, nuôi heo rừng thuận lợi vì có thức ăn tự nhiên, nhiều loại rau, củ như rau muống, rau lang, cải, khoai đều có thể mua hoặc trồng để cho heo ăn hàng ngày.

Thịt heo rừng săn chắc, ít mỡ, có giá trị dinh dưỡng cao và thuộc loại hàng hiếm ở ĐBSCL, nên gần đây nhiều người dân ở các tỉnh như: Cà Mau, Kiên Giang, Bến Tre, Bạc Liêu đã tìm đến trang trại của anh Tùng mua heo rừng về nuôi. Theo anh Tùng, giá heo con trung bình từ 200.000 đến 250.000 đồng/kg (heo con nuôi khoảng 3 tháng được chừng 12-15 kg/con). Còn giá heo bố mẹ thì khá cao, trung bình khoảng 300.000 đồng/kg trở lên (trọng lượng từ 50 đến 80 kg/con). Ước tính, khi xuất bán heo con hay heo bố mẹ, cũng có lời từ 50.000 đến 100.000 đồng/kg. Mới đây, anh Tùng đã xuất bán được gần 10 con cả heo con và bố mẹ. Một số nhà hàng, quán ăn ở TP Cần Thơ cũng đã tìm đến mua, bởi thịt heo rừng cũng rất được thực khách ưa chuộng. Một số người dân cũng đã tìm đến trang trại của anh Tùng để tham khảo mô hình nuôi heo rừng.

Với 70 heo con vừa lọt lòng mẹ và nhiều heo mẹ khác đang mang thai, hiện nay trang trại của anh Tùng có thể nói đã thành công khi lần đầu nuôi thử nghiệm heo rừng tại đồng bằng. Anh Tùng cho biết: “Sau khi cho đàn heo đẻ hết, tôi sẽ mở rộng mô hình này ở một số địa điểm khác có diện tích rộng hơn. Càng xa khu dân cư thì việc chăn nuôi sẽ càng thuận tiện hơn”. Khi chúng tôi ra về, anh Tùng đã gởi tấm danh thiếp có số điện thoại 0908179999, hoặc (0710) 765202, để những ai có nhu cầu mua heo rừng liên lạc với anh được dễ dàng hơn.

Bài, ảnh: HOÀNG DI

Chia sẻ bài viết