Ngay từ cuối thế kỷ XVII, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã có nhiều cộng đồng dân tộc sinh sống. Trong đó, người Khmer đã có mặt từ rất sớm. Trong quá trình tìm đất định cư, bà con Khmer đã chọn những rẻo đất cao trên các giồng dọc theo bờ sông Tiền, sông Hậu, nương nhờ vào thiên nhiên để trồng tỉa và sinh sống. Người Khmer đã quần tụ nhiều trong những phum sóc trên những giồng đất ở Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, vùng đồi núi Tri Tôn - An Giang. Bà con Khmer hiền hòa, hiếu khách, biết làm ruộng thâm canh. Họ theo Phật giáo tiểu thừa, có những hình thức sinh hoạt văn hóa độc đáo thể hiện qua ca múa, lễ hội... Ở ĐBSCL, từ xưa đã có những vùng đất cao ruộng tốt mà người Khmer cư trú, cụ thể là Sóc Trăng với cảng sông quan trọng là Bãi Xàu, nơi trồng được một loại gạo ngon nổi tiếng là gạo Bãi Xàu - một đặc sản của tỉnh Sóc Trăng. Ở Rạch Giá, nơi các giồng cao ráo ven sông Cái Lớn và Cái Bé, người Khmer cũng đã lập xóm từ lâu. Vùng Cà Mau cũng đã có hai làng Hưng Ngãi và Hưng Lợi là làng của người Khmer. Hiện nay, tại ĐBSCL có nhiều địa phương quy tụ nhiều người Khmer như Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau...
Mặc dù có sự cộng cư lâu đời với người Việt, người Hoa nhưng người Khmer ngày nay vẫn bảo lưu được nhiều yếu tố văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Trong lĩnh vực phục sức, do quá trình cộng cư với người Việt, người Khmer đã thích nghi với cách mặc gần hoàn toàn như người Việt. Tuy nhiên, trong dịp lễ hội, đám cưới... thì yếu tố văn hóa truyền thống trong trang phục vẫn còn đậm nét.
* Trang phục phụ nữ
|
Lễ cưới của người Khmer. |
Cách nay khoảng 30 - 40 năm, phụ nữ Khmer ở ĐBSCL vẫn còn mặc váy kín, mặc theo cách quấn quanh thân từ hông và vắt về một phía, gấu váy cao trên cổ chân. Đây là loại váy tơ tằm dệt với nhiều họa tiết. “Chiếc váy cổ truyền, có tính điển hình nhất của dân tộc Khmer chính là chiếc xăm pốt chân khen. Đó là tấm vải rộng quấn quanh thân từ hông xuống ngang đùi, phần vải phía sau kéo luồn giữa hai chân vắt ra phía trước rồi giắt lại ở hông thành một loại như chiếc quần ngắn, rộng lùng thùng”1.
Người già hay các diễn viên thường mặc váy với nhiều loại màu khác nhau. Phụ nữ lớn tuổi trong lễ hội thường mặc một loại áo dài gọi là wên, áo may bít tà, thùng áo rộng và dài ngang dưới gối, cổ áo xẻ trước, hai tay áo chặt, hai bên sườn ghép thêm bốn miếng vải từ nách đến gấu áo, mặc quần đen. Khi mặc áo này, các bà thường quàng khăn vải chéo ngang người, luồn qua một bên nách rồi qua vai, thả hai đầu khăn xuống thành hai múi, biểu lộ sự kín đáo.
Hiện nay, hầu hết phụ nữ Khmer đều mặc y phục như phụ nữ Việt. Phụ nữ còn trẻ thường mặc quần âu hay quần đen với áo sơ mi, áo kiểu, áo bà ba. Bộ quần áo bà ba nhuộm đen cùng chiếc khăn rằn đội đầu chính là y phục thường nhật, phổ biến của phụ nữ Khmer.
* Trang phục nam giới
Trong sinh hoạt ngày thường, đàn ông lớn tuổi người Khmer mặc quần áo bà ba màu đen, hoặc trắng. Họ quấn khăn rằn quanh đầu và chít hai đầu khăn lại ở phía trước trán, hoặc chỉ quấn khăn quanh cổ. Trong các dịp lễ Tết, họ cũng thường mặc loại trang phục này nhưng chất liệu vải tốt hơn. Bên cạnh đó, họ còn quàng khăn dài chéo ngang người rồi vắt lên vai trái. Hiện nay, đàn ông Khmer lớn tuổi thường mặc quần âu và áo sơ-mi. Lúc ở nhà, họ thường để mình trần và vận chiếc xà rông kẽ sọc hay dệt hoa văn ô vuông.
* Trang phục ngày cưới
Trong ngày cưới, cô dâu người Khmer ở ĐBSCL đa số vẫn còn duy trì trang phục truyền thống. Thông thường cô dâu hay mặc chiếc xăm pốt hôl màu tím sẫm hay màu hồng cánh sen, mặc áo dài tầm pông màu đỏ thắm, quàng khăn ngang người và đội mũ pkál plac; loại mũ hình tháp nhọn nhiều tầng, bằng kim loại hoặc bằng giấy bồi, được trang trí bằng cánh con kim quýt màu xanh biếc.
Trang phục trong ngày cưới của chú rể người Khmer thường mang đậm tính truyền thống. Đó là bộ xà rông và áo ngắn bỏ ngoài màu đỏ, cổ đứng, xẻ đằng trước và cài khuy. Ngoài ra, chú rể còn quàng thêm loại khăn truyền thống lên vai trái.
“... Trang phục của người Khmer ĐBSCL hiện nay chỉ còn được thể hiện rõ nhất trong lễ cưới ở một số gia đình còn giữ được phong tục cũ. Chú rể mặc chiếc xăm pốt để thẳng bình thường (như chiếc xà rông) màu đỏ hoặc màu sậm, có hoa văn. Chú rể có thể mặc loại áo Khmer ngắn màu đỏ hoặc màu trắng, kiểu cổ đứng, tay dài, cài cúc (9 cúc) ở phía trước. Nơi vai trái vắt dải khăn (khăn kần xail), đeo thêm con dao cưới (kầm pách) nhằm mục đích để múa mở đường trong lễ cưới theo phong tục, để cắt trầu cau cho cô dâu dùng, để bảo vệ cô dâu hoặc còn được giải thích nhằm biểu tượng cho lòng chung thủy, sẵn sàng hy sinh cho tình yêu (qua sự tích nàng Tiêu, chàng Tum)... Còn cô dâu trong trang phục cưới cổ truyền rất lộng lẫy. Đó là chiếc xăm pốt bằng sợi kim tuyến hay tơ tằm màu đỏ sậm hoặc hồng cánh sen sậm, dài đến cổ chân, có dệt hoa văn, cùng chiếc áo ngắn tay bó chẽn hoặc để hở một bên vai (xa bây). Áo và xăm pốt được giữ chặt và gọn ghẽ bằng chiếc thắt lưng kim loại (xai krò bách). Một tấm sronko có dạng như cái yếm hình bán nguyệt quàng phía trước quanh chân cổ, che phủ hết phần trên của ngực áo. Tấm này màu đỏ, trang trí trên đó có những mảnh hạt chai, thêu hoa cườm sặc sỡ, chung quanh kết tua diềm diêm dúa. Cô dâu còn quàng xéo ngang ngực một tấm khăn dài hình chữ nhật (khăn òn kon đây) dệt bằng sợi kim tuyến rực rỡ. Sau cùng là cái mũ cưới quý phái hình tháp nhọn ba tầng kết hoa lộng lẫy của cô dâu (kà păng hoặc còn gọi là kpâl plôp) làm bằng kim loại hoặc giấy bồi cứng. Người ta bới tóc cao cho cô dâu trước khi đội mũ cưới (mkot) kiểu dân dã. Chiếc mũ này cũng màu đỏ, được trang trí sặc sỡ bởi các hạt ngọc trai, hạt xoàn nhân tạo, thêu hoa cườm và chung quanh mũ kết các chiếc cánh của con kim quýt slap ừng phim màu xanh lá cây pha sắc vàng óng. Trên mũ cắm tua tủa các cây trâm (sniêk sok) gắn bông hoa tròn đủ màu như một rừng hoa khoe sắc (tượng trưng cho tuổi trẻ của cô dâu tươi đẹp như mùa xuân). Nơi chân mũ gắn hai chuỗi hạt ngọc rủ dài xuống hai bên tai của cô dâu”2.
Nhìn chung, các loại trang phục truyền thống của người Khmer vừa kín đáo vừa trang trọng và có phần lộng lẫy với trang trí và màu sắc sặc sỡ, rất duyên dáng và xinh đẹp. Trang phục truyền thống của người Khmer thể hiện đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc Khmer.
Bài, ảnh: Trần Ngu Lạc
(1) Mạc Đường (chủ biên), Vấn đề dân tộc ở Đồng bằng sông Cửu Long. NXB KHXH - 1991. Tr.188.
(2) Phan Thị Yến Tuyết, Nhà ở -Trang phục - Ăn uống của các dân tộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long. NXB KHXH, Hà Nội - 1993. Tr.150-151.