03/03/2011 - 08:12

Trăn trở xóm Cây Me

Xóm Cây Me nằm bên chợ Ô Môn, thuộc khu vực 2, phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn, TP Cần Thơ. Chỉ vài bước chân là người dân trong xóm đã vào trung tâm quận, thế nhưng cuộc sống của những hộ dân ở xóm nhỏ này như một thế giới riêng biệt, nhiều gia đình trải qua bao thế hệ vẫn nghèo khó…

* Chạy ăn từng bữa

Trước giải phóng, nơi đây là con Rạch Cây Me, về sau ngày càng có nhiều hộ dân đến dựng nhà, sinh sống. Con rạch dần bị lấp đi, tên Rạch Cây Me được thay bằng xóm Cây Me.

Xóm Cây Me có 112 hộ dân thì có đến 58 hộ cận nghèo. Đàn ông làm bốc vác, làm thuê, còn phụ nữ thì phụ việc nhà, buôn bán nhỏ ở chợ Ô Môn. Bà Đào Thị Sang, 85 tuổi, từ cha mẹ của bà, đến bà, các con, cháu của bà cùng sống ở xóm nhỏ này. Hằng ngày, bà và đứa cháu ngoại 11 tuổi xin cơm từ thiện ở Bệnh viện Ô Môn để được no bụng. Xin đến quen mặt, bà ngại nên nhờ người khác xin giùm. Bà Sang có 3 người con. Người con trai cả đi tù; người con trai kế chết; cô con gái út có chồng, chồng lại bỏ. Căn nhà nhỏ xập xệ của bà Sang được ngăn ra 3 phần: phía trước cho con dâu lớn và cháu nội, phía sau là con dâu kế và đứa cháu nội mới biết bò; còn khoảng giữa là của bà và con gái út. Mấy năm trước, vì nghèo quá, con gái bà Sang đi làm thuê ở TP Hồ Chí Minh, để đứa con nhỏ cho bà chăm sóc. Nhìn quanh trong nhà, trên cái bếp dầu là một cái thau cơm nguội của người hàng xóm mang qua cho. Đó là bữa trưa của bà và cháu ngoại. Một người trong xóm đã mang thau cơm nguội đó qua cho. Đợi đứa cháu đi học về, bà hấp lại để 2 bà cháu ăn. Có hôm, hàng xóm người cho chén cá kho, con khô, còn thường thì bữa cơm của 2 bà cháu chỉ có nước tương và nước mắm. Có khi hết nước mắm nhưng không có tiền mua, bà con lối xóm mỗi người góp một ít mua cho. Con gái bà Sang đi làm thuê, lại đau bệnh rề rà, vì thiếu nợ 4 triệu đồng mà không dám về nhà, sợ chủ nợ đến đòi. Mỗi khi điện thoại hay gởi tiền về cho con trai đi học, con gái bà Sang đều nói sẽ cố gắng làm khi nào có đủ tiền trả nợ mới dám về nhà. Bà Sang buồn bã kể: “Hôm trước Tết, nó điện về nói chủ không mướn làm nữa vì nó cứ bệnh hoài, không biết kiếm đâu ra tiền để gởi về cho thằng nhỏ được tiếp tục đi học. Ở xóm này nhiều gia đình cũng nghèo, mang nợ vì vay bạc góp”.

Lối vào xóm Cây Me. 

Chị Thạch Thị May, nhà ở cuối xóm, gần 2 năm nay, vợ chồng chị vẫn chưa trả nổi số tiền góp 3 triệu đồng. Đó là những lần chồng chị bệnh, những ngày không ai thuê, mướn nên hỏi tiền góp để mua gạo, mua thuốc. Chị May giặt đồ thuê cho bà con ở chợ Ô Môn, mỗi thau đồ giặt thuê, chị được trả công 10-15 ngàn đồng; hôm nào nhiều, giặt được 3 thau, ít thì 1 thau. Chị May có 3 con, 2 người con lớn đã nghỉ học đi làm bốc vác ở huyện Thới Lai, đứa con út đang học lớp 6. Chồng chị May làm mướn ở chợ Ô Môn. Chị May cho biết, trong nhà chị chưa khi nào có đến 10kg gạo, toàn là mua gạo ăn từng bữa.

* Lực bất tòng tâm

Ông Võ Tân Phúc, Phó Chủ tịch UBND phường Châu Văn Liêm, trăn trở: “Địa phương luôn dành những chính sách, tạo điều kiện để đời sống của bà con ở xóm Cây Me được nâng lên. Thế nhưng, do lối suy nghĩ, tập quán làm bữa nào ăn bữa nấy nên ở xóm Cây Me vẫn còn nhiều hộ không thể xóa nghèo”.

Con đường dẫn đến những căn nhà trong xóm có chiều ngang khoảng 1m, dọc hai bên đường là những căn nhà lá ọp ẹp san sát. Cặp những căn nhà cuối xóm còn có mấy ao nước đen ngòm với đủ thứ rác, cỏ mọc xung quanh, càng làm cho xóm nhỏ thêm tách biệt với những con lộ nhựa lớn, những dãy nhà mua bán sầm uất ở ngay bên cạnh. Bước vào đầu xóm, chúng tôi đã thấy mười mấy phụ nữ, trẻ em ngồi chụm vào sòng bài. Ông Huỳnh Văn Bé, Phó khu vực 2, phường Châu Văn Liêm, thở dài: “Hôm nào có ai thuê mướn việc gì thì họ đi làm, còn không thì ở nhà tụ tập đánh bài hay nhậu rồi mở nhạc lớn, nằm võng nghe. Dạo trước nơi đây là điểm có nhiều tệ nạn xã hội, nhờ mấy anh em ở Ban dân phố vận động, giáo dục nên đã giảm nhiều”.

Hầu hết trẻ em trong xóm Cây Me đều bỏ học sớm. Nhiều gia đình sinh từ 5 đến 6 con, ít thì cũng 3 đến 4 con. Trẻ em ở xóm học đến lớp 2, lớp 3 là bỏ học, đi theo gia đình lượm bọc, mò hến. Nhiều phụ huynh ở đây quan tâm đến việc con em mình kiếm được tiền về mua gạo nhiều hơn là việc các em đến trường. Trước thực trạng này, cán bộ địa phương cùng ngành giáo dục mở 2 lớp học tình thương, vận động học bổng, tập sách, quần áo tặng các em. Địa phương còn thành lập hẳn tổ vận động các em trong xóm vào lớp học nhưng tình hình cũng không mấy khá hơn. Khoảng 10 giờ trưa, chúng tôi thấy có rất nhiều nhóm thiếu niên tụ tập ở đầu xóm. Ông Đoàn Toàn Thiện, Trưởng khu vực 2, nói: “Giờ này đáng ra các em phải ngồi trong lớp học. Bỏ học sớm, nhiều em rơi vào tệ nạn xã hội”.

Bà Nguyễn Xuân Hoa, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Châu Văn Liêm, cho biết: “Hiện tại, số nợ tồn từ quỹ xóa đói giảm nghèo của địa phương ở xóm Cây Me đã gần 200 triệu đồng, nhiều hộ không có khả năng trả nợ”. Ông Võ Tân Phúc, Phó Chủ tịch UBND phường Châu Văn Liêm, cho biết: “Trong năm 2011, địa phương sẽ thực hiện Dự án nâng cấp đô thị tại khu vực 2. Chúng tôi hy vọng sau khi môi trường sống được cải thiện, đời sống bà con ở xóm Cây Me sẽ tốt hơn”. Đó còn là mong mỏi của người dân phường Châu Văn Liêm. “Hiện tại, chúng tôi cố gắng giải quyết từng bước cho từng vấn đề ở xóm Cây Me, nhưng đó chỉ là những giải pháp mang tính tạm thời. Nơi đây rất cần có những chương trình, dự án dài hơi, mang tính bền vững. Điều này lại nằm ngoài khả năng của địa phương”, ông Thiện trăn trở.

Từ xóm Cây Me ra con lộ lớn của trung tâm quận Ô Môn, tôi gặp mấy đứa trẻ tóc vàng cháy cũng từ cái xóm nhỏ này đi ra. Cả nhóm lang thang trên đường, trong nhóm có một đứa tay cầm cuộn dây đồng đi về hướng chợ. Cả nhóm í ới hỏi nhau bán được 10 ngàn không? Đây là những em bỏ học đi lượm bọc. Tương lai các em rồi sẽ ra sao? Các em có thoát khỏi cảnh nghèo mà ông bà, cha mẹ của mình đã một đời quanh quẩn với nó...

Bài, ảnh: THẢO MỘC

Chia sẻ bài viết