09/04/2023 - 09:11

Trăm năm làng nghề tàu hũ ky Mỹ Hòa 

ÐĂNG HUỲNH

Bà con làng nghề tàu hũ ky xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long, rất vui mừng khi nghề truyền thống của quê hương đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia. Ðó là thành quả của bao thế hệ người dân Mỹ Hòa gìn nghề giữ nghiệp, giữ bếp lò làng nghề luôn đỏ lửa sớm hôm...

Nghề làm tàu hũ ky xã Mỹ Hòa - Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia. Ảnh: DUY KHÔI

Bên bờ kênh Từ Tải, những lò tàu hũ ky vẫn đều đặn rực lửa vào buổi sớm mai. Những miếng tàu hũ ky vàng óng được hong khô trong gió, với ánh nắng tinh mơ, làm nên nét thơ mộng cho làng nghề.

Ông Ðinh Công Hoàng (tự Ba Hoàng), Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất tàu hũ ky xã Mỹ Hòa, xúc động khi nhắc về lịch sử nghề truyền thống quê hương. Mỹ Hòa bốn bề sông nước và chính con nước Mỹ Hòa đã làm nên làng nghề trứ danh gần xa. Bao thế hệ người dân Mỹ Hòa đã gìn giữ, kế tục làm nghề, để lửa trải qua hơn 1 thế kỷ vẫn không bao giờ tắt. Ông Ba Hoàng chia sẻ: “Ðất quê đãi người và con người nương tựa vào nhau, vào nghề quê mà mưu sinh. Cũng vì lẽ đó mà nghề làm tàu hũ ky Mỹ Hòa vẫn mãi trường tồn qua bao thăng trầm”.

Theo lời ông Ba Hoàng, ông Tổ nghề làm tàu hũ ky Mỹ Hòa là ông Châu Xường, người Hoa. Năm 1912, ông Châu Xường cùng vợ và 2 con trai là Châu Khoạnh (1894-1974) và Châu Sầm (1900-1973) đến vùng đất Mỹ Hòa sinh cơ lập nghiệp, khởi nghiệp trên vùng đất mới bằng nghề truyền thống làm tàu hũ ky. “Ðất cũ đãi người mới”, gia đình ông Châu Xường ăn nên làm ra nhờ nghề này và dần dà, bà con trong vùng cũng học nghề, làm nghề và phát triển. Ðến nay, trong gia đình họ Châu ở Mỹ Hòa như các cháu cố ông Châu Xường là Châu Công, Châu Long... và các con của các ông này như chị Châu Thị Xuân Hà... đều theo nghề cha truyền con nối.

Ông Ba Hoàng cho biết thêm, với những đặc sắc trong chế biến, sản xuất, tàu hũ ky Mỹ Hòa dần có tiếng, được nhiều người ưa chuộng, nên bà con sống được với nghề. Thị trường tiêu thụ tàu hũ ky Mỹ Hòa ở khắp các tỉnh, thành ÐBSCL, nhiều nhất là Cần Thơ, Vĩnh Long, Trà Vinh. Hiện nay, Tổ hợp tác sản xuất tàu hũ ky Mỹ Hòa có khoảng 40 hộ làm nghề, với hơn hàng trăm nhân công. Thông thường cứ 90kg đậu nành nguyên liệu thu được 35kg-38kg tàu hũ ky các loại thành phẩm. Tuy nhiên, năng suất tàu hũ ky phụ thuộc nhiều vào chất lượng đậu nành. Nếu mua phải đậu nành non, nấu sẽ không có váng đậu (vớt làm tàu hũ ky), người làm sẽ lỗ hoặc phá huề.

Theo Bảo tàng tỉnh Vĩnh Long, nghề làm tàu hũ ky có tín ngưỡng cúng Ông Lò vào mùng 2 và 16 âm lịch hằng tháng, phẩm vật gồm có gà luộc, hương, đăng, trà, quả... bày trên mâm lễ, đặt ngay trước thành của bếp lò. Chủ lò cầu nguyện Ông Lò phù hộ được làm ăn thuận lợi, buôn bán suôn sẻ, cầu mong các mẻ được nấu tốt, không bị hư, cầu cho người làm trong lò được “lành tay lành chân”, không bị sự cố, tai nạn.

Trải hơn 1 thế kỷ, làng nghề làm tàu hũ ky Mỹ Hòa vẫn được duy trì, bảo tồn, đời nối đời giữ nghề bằng cách truyền nghề theo kinh nghiệm và kỹ năng của nghệ nhân. Tàu hũ ky Mỹ Hòa giữ được hương vị truyền thống, không chỉ là món ăn ngon mà còn chứa đựng giá trị văn hóa đặc trưng của làng nghề bên bờ sông Hậu. Hiện nay, làng nghề vẫn giữ đúng quy trình sản xuất, từ khâu ngâm đậu, tách vỏ, xay đậu, nhồi đậu, nấu nước đậu, vớt váng đậu (tàu hũ ky), hong gió, đóng gói... Một số công đoạn hiện nay đã được làm tự động, ứng dụng kỹ thuật để giảm sức lao động, tăng năng suất. Mỗi công đoạn đều có công thức riêng, để có được miếng tàu hũ ky nguyên vẹn, độ dày đạt chuẩn và màu sắc đẹp, bắt mắt. Nghề làm tàu hũ ky còn có ý nghĩa cố kết cộng đồng, thúc đẩy bà con cùng chung tay lưu giữ những kinh nghiệm và tri thức nghề truyền thống được lưu truyền qua nhiều thế hệ.

Hai ông: Châu Khoạnh (trái) và Châu Sầm, con ông Châu Xường - ông Tổ nghề làm tàu hũ ky Mỹ Hòa. Hai ông đã theo nghiệp cha từ những ngày đầu ở Mỹ Hòa, thời điểm khoảng năm 1912. Ảnh chụp lại

Với sức lan tỏa của làng nghề, năm 2013, làng nghề được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận nhãn hiệu tập thể “Tàu hũ ky Mỹ Hòa - Bình Minh”. Năm 2017, tàu hũ ky Mỹ Hòa đạt giải thưởng Sản phẩm tiêu biểu ÐBSCL. Ông Lê Thanh Thuận, Trưởng Phòng Kinh tế thị xã Bình Minh, cho biết: Ðịa phương rất quan tâm phát triển, bảo tồn làng nghề ở cả khía cạnh phát triển kinh tế và phát huy di sản. 3 nhóm công việc được địa phương chú trọng là: xúc tiến, quảng bá để lan tỏa sản phẩm tàu hũ ky Mỹ Hòa; xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho sản phẩm cũng như làng nghề; ứng dụng khoa học công nghệ, máy móc nhằm gia tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.

Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, cho biết: Trải qua hàng trăm năm với biết bao đổi thay về điều kiện sống, điều kiện lao động và nhu cầu ẩm thực của nhân dân, làng nghề dù có cải tiến quy trình và công cụ sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm và tiến độ sản xuất nhưng vẫn giữ hồn cốt gắn với kinh nghiệm đã có từ hàng trăm năm. Việc “Nghề làm tàu hũ ky xã Mỹ Hòa” được công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia không chỉ phản ánh sự đa dạng văn hóa và sự sáng tạo được kế tục qua nhiều thế hệ, mà còn là minh chứng cho tình yêu, sự trân trọng giá trị lao động, ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa của người dân Vĩnh Long. Ðây chính là sức mạnh nội sinh hun đúc nên phẩm chất, cốt cách và nguồn động lực về tinh thần của người dân Vĩnh Long trong suốt chiều dài lịch sử từ thời khai hoang mở cõi đến quá trình đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, phát triển địa phương.

Theo bà Thanh, để phát huy giá trị di sản của nghề làm tàu hũ ky, việc nâng cao hơn nữa nhận thức của xã hội về giá trị của nghề và làng nghề là rất quan trọng. Thị xã Bình Minh sẽ nghiên cứu xây dựng Ðề án bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể, để làng nghề phát triển lâu dài. Ðặc biệt, di sản nghề làm tàu hũ ky sẽ là tài nguyên phát triển du lịch tiềm năng, do đó việc đảm bảo không gian, môi trường, mỹ quan làng nghề gắn với xây dựng nông thôn mới một cách bền vững, khuyến khích cộng đồng địa phương chủ động cùng tham gia quản lý di sản, gắn lợi ích của cộng đồng địa phương với việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản là việc làm cần thiết.

Vĩnh Long là một trong những địa phương bề dày lịch sử, văn hóa truyền thống ở vùng ĐBSCL. Theo thống kê, hiện nay, Vĩnh Long có hai di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia là “Lễ hội Lăng Ông Thống chế Điều bát Nguyễn Văn Tồn” và “Nghề làm tàu hũ ky xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh”. Ngoài ra, địa phương hiện có 66 di tích đã được xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa. Bảo tàng tỉnh Vĩnh Long đang lưu giữ trên 27.000 tư liệu ảnh, hiện vật, trong đó có một hiện vật được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật Quốc gia.

Chia sẻ bài viết