02/11/2013 - 21:31

TRĂM NĂM CHIẾU LÁC ĐỊNH YÊN

Nằm bên bờ sông Hậu, quanh năm được phù sa bồi đắp, huyện Lấp Vò, tỉnh Ðồng Tháp có hơn 10 làng nghề truyền thống được công nhận. Trong đó, có làng nghề dệt chiếu Ðịnh Yên hình thành cách đây hàng trăm năm, nổi tiếng khắp vùng Đồng bằng sông Cửu Long với sản phẩm chiếu lác.

Từ Sa Ðéc chạy xe khoảng 30 km theo quốc lộ 80 thì tới Lấp Vò, từ trung tâm huyện lỵ Lấp Vò đi thêm khoảng 3 km nữa thì đến Ðịnh Yên. Nơi đây đâu đâu cũng thấy các khung dệt chiếu bằng tay hoặc bằng máy đang hoạt động, những lá chiếu to nhỏ phơi dọc hai bên đường làng. Ðúng là nhà nhà dệt chiếu! Không khí làm việc miệt mài và cần mẫn. Theo bà con kể thì bây giờ ở Ðịnh Yên không còn trồng lác - loại cây ở miền Bắc vẫn gọi là cói, mà phải ra "bến lác" mua nguyên liệu.

Dệt chiếu ở Định Yên. 

Sông Hậu chảy qua xã Ðịnh Yên chia làm hai nhánh, đoạn này còn được gọi là sông Ðịnh Yên. Nhánh bên trái là một bến lớn dành cho các thuyền buôn lác neo đậu, gọi là "bến lác". Nhánh bên phải là nơi để thuyền lưu thông mua bán tại chợ Ðịnh Yên. Trên đường vào bến lác, xe cộ tấp nập qua lại, xe máy nào từ bến ra cũng đều chở một vài bó lác (mỗi bó nặng 60 kg, dài 1,6 m). Ðó là xe của các chủ dệt chiếu ra bến mua nguyên liệu. Bến lác thường có hơn 20 thuyền ghe đang neo đậu, mỗi thuyền trọng tải từ khoảng 7 đến 10 tấn, khoang thuyền nào cũng đầy ắp lác. Bà con ở bến lác cho  biết, cao điểm, bến lác có tới gần 50 chiếc thuyền. Chủ thuyền đa số mua lác từ phương xa, chủ yếu ở Vĩnh Long và Trà Vinh. Anh Võ Văn Hùng, quê ở Vũng Liêm, Vĩnh Long, đã hơn 10 năm làm nghề chở lác từ Vĩnh Long lên Ðịnh Yên, cho biết mỗi chuyến đi như thế thường mất 10 ngày, trừ chi phí, hai vợ chồng anh lãi hơn 2 triệu đồng. Chủ thuyền phải làm ăn có uy tín, nhất là lác phải đảm bảo chất lượng.

Ðối với nghề dệt chiếu, nguyên liệu rất quan trọng. Vì vậy người dệt phải lựa chọn thật kỹ để có được cọng lác vừa ý, làm ra chiếu có chất lượng. Khi mua lác về, người dệt phải giũ bỏ những cọng lác "lãi" (ngắn hơn 1,6 m chiều ngang của chiếu). Sau đó lác được đem ra phơi, nhuộm màu, rồi tiếp tục phơi khô. Trước khi dệt lại phải nhúng nước để lác không bị gãy. Khi chiếu đã thành phẩm lại đem phơi khô, rồi may bìa, mới coi như hoàn thành. Chị Nguyễn Thị Trúc Thùy, người đã có hơn 25 năm làm nghề dệt chiếu, nhớ lại: "Ngày trước chủ yếu dệt thủ công, khi dệt chiếu phải có hai người, một người xếp lác và một người dệt. Hai người phải phối hợp nhịp nhàng, lúc người dệt điều chỉnh cây dệt về tư thế ngửa thì người xếp lác sẽ xếp phần gốc của cọng lác và ngược lại, khi người dệt đưa cây dệt về vị trí xấp thì người xếp lác xếp phần ngọn của cọng lác".

Làng nghề có từ lâu đời, những người như chị Thùy được nghe về "chợ ma" ở sân chùa An Phước. Ngày đó, gia đình nào cũng làm nghề dệt chiếu, khoảng 5 giờ sáng là bắt đầu dệt tới 5 - 6 giờ chiều. Ðến khi bán chiếu thì họp chợ đêm, tại sân chùa An Phước, bắt đầu lúc 7 - 8 giờ tối. Chợ kéo dài khoảng hơn hai giờ đồng hồ, thường thì đêm sau trễ hơn đêm trước một giờ, cứ xoay vòng như thế, có khi chợ họp lúc 2 - 3 giờ sáng, nên mới gọi là "chợ ma". Chợ chiếu rất nhộn nhịp, đông đúc và đặc biệt là người mua ngồi một chỗ, còn người bán cầm chiếu đi đi lại lại cho người mua lựa chọn. "Chợ ma" ở sân chùa An Phước một thời đã trở thành nét văn hóa độc đáo của làng chiếu Ðịnh Yên, giờ chỉ còn trong ký ức của người lớn tuổi bởi ngày nay chiếu dệt xong, đã có thương lái đến thu mua tận nhà.

Người làm chiếu Định Yên có nhiều sáng tạo về kích thước, màu sắc cho sản phẩm truyền thống này. Bây giờ chiếu Ðịnh Yên có rất nhiều chủng loại như chiếu Trà Niên, chiếu bông, chiếu con cờ, chiếu vảy ốc, chiếu thường,... Mỗi loại chiếu có nét đặc trưng riêng mà người dệt phải tốn nhiều công sức chọn lác, nhuộm màu và vận dụng kỹ thuật dệt mới có được một đôi chiếu đẹp. Theo chị Trương Thúy Nga, đã có gần 20 năm làm nghề, nếu dệt chiếu bằng tay với hai người, mỗi ngày làm được hai đôi, trừ mọi chi phí, mỗi người có thu nhập khoảng 50.000 đồng. Ở Ðịnh Yên bây giờ chủ yếu phụ nữ và trẻ em dệt chiếu, còn đàn ông thì làm ruộng, làm rẫy. Mặc dù thu nhập từ nghề này không cao, nhưng cuộc sống cũng ổn định, ấm no. Bao nhiêu thế hệ ở Ðịnh Yên đã trưởng thành đều gắn với nghề dệt chiếu. Không ít cô gái lấy chồng xứ khác, vẫn trở về Ðịnh Yên tiếp tục làm nghề. Nói như chị Nga thì: "Cái nghề này đã ăn vào xương máu chúng tôi rồi. Làm nghề cũng là giữ gìn truyền thống của ông bà". Dường như ở Ðịnh Yên, dệt chiếu không chỉ là công việc mưu sinh, còn là sự tiếp nối nghề nghiệp của ông bà, cha mẹ. Những người dệt chiếu ở Ðịnh Yên cũng ngầm tự hào vì sản phẩm của họ được bà con khắp nơi yêu mến, tin tưởng.

Hiện nay, ở Ðịnh Yên có khoảng 60% hộ gia đình làm nghề dệt chiếu. Nhiều hộ gia đình khá giả đã sắm máy dệt, khoảng 30 triệu đồng một chiếc. Với máy dệt, chỉ cần một người đứng máy, một ngày có thể làm ra bảy đến tám đôi chiếu. Hiện ở Ðịnh Yên đã có hơn 300 máy dệt. Làng đã thành lập Hợp tác xã chiếu Thanh Bình, do anh Phan Văn Bé Tư làm chủ nhiệm. Hợp tác xã sản xuất với quy mô lớn, có hơn 50 lao động làm việc và thương hiệu chiếu Thanh Bình đã được chứng nhận độc quyền, có đại lý ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, TP Hồ Chí Minh và đã xuất khẩu sang các nước Hàn Quốc, Thái Lan, Campuchia...

Dù đã trải qua nhiều biến đổi, làng chiếu Ðịnh Yên vẫn giữ được nét văn hóa truyền thống đặc trưng. Người gắn bó với nghề dệt chiếu vẫn đông, chợ chiếu vẫn nhóm họp, người mua bán chiếu vẫn tấp nập hằng ngày và chiếu Ðịnh Yên vẫn đến với nhiều gia đình.

Trần Sang

Chia sẻ bài viết