18/09/2012 - 21:22

Trầm cảm sau sinh có hại cho cả mẹ và bé

Các bà mẹ trẻ rất cần sự trợ giúp của người thân trong việc chăm sóc em bé để tránh bị trầm cảm sau khi sinh. Ảnh: Photos.com

Chứng trầm cảm sau sinh, căn bệnh ảnh hưởng đến 25% sản phụ trong năm đầu sau sinh, không chỉ ảnh hưởng đến bản thân người mẹ mà còn tác động đáng kể đến sức khỏe của trẻ, cả về thể chất lẫn tinh thần. Điển hình là nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Mỹ phát hiện con của các bà mẹ bị trầm cảm có chiều cao thấp hơn những trẻ có mẹ không mắc bệnh này.

Trầm cảm sau sinh ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và tinh thần của trẻ

Nghiên cứu của Trường Y tế Cộng đồng Johns Hopkins Bloomberg ở Baltimore cho thấy con của những sản phụ bị trầm cảm sau sinh có chiều cao thấp hơn những bạn đồng trang lứa khi chúng đến tuổi đi học. Tuy đã có nghiên cứu chứng minh chứng trầm cảm sau khi sinh có thể ảnh hưởng đến khả năng phát triển của trẻ trong 2 năm đầu đời, nhưng nghiên cứu mới, đăng trên tạp chí Nhi khoa (Pediatrics), cho thấy tác động của căn bệnh này thậm chí có ảnh hưởng lâu dài đến trẻ.

Các chuyên gia đã thu thập dữ liệu của 10.700 trẻ nhỏ chào đời trong giai đoạn năm 2001-2007 và tiến hành phân tích chiều cao của các em ở 3 thời điểm khác nhau gồm 9 tháng, 4 tuổi và 5 hoặc 6 tuổi (tức tuổi đi học mẫu giáo). Nhóm nghiên cứu phát hiện vào độ tuổi lên 4, những trẻ em có mẹ từng mắc chứng trầm cảm thể nhẹ và vừa sau sinh có đến 40% nguy cơ nằm trong nhóm 10% trẻ bị thấp bé, so với những trẻ em cùng lứa tuổi có mẹ không mắc chứng bệnh này. Khi trẻ được 5 tuổi, tỷ lệ này tăng lên đến 48%.Việc bị liệt vào nhóm 10% trẻ có thể trạng nhỏ bé đồng nghĩa với việc các em có chiều cao thấp hơn 90% bạn cùng tuổi còn lại.

Kết quả trên tuy không chứng minh được bệnh trầm cảm sau sinh khiến trẻ kém phát triển về tầm vóc, nhưng nó cho thấy bệnh trầm cảm sau sinh có mối liên hệ với chiều cao ở trẻ. Các nhà nghiên cứu cho rằng sự lo lắng, căng thẳng ở người mẹ cũng khiến trẻ căng thẳng theo, bởi việc gia tăng hàm lượng hoóc-môn gây stress cortisol có liên quan đến sự giảm sút hàm lượng hoóc-môn tăng trưởng ở trẻ nhỏ. Hơn nữa, những bà mẹ bị stress có hành vi cho bú hoặc chăm sóc trẻ cũng kém hơn. Ví dụ, khi họ bị chán ăn, họ cũng ít quan tâm đến nhu cầu ăn uống của người khác, bao gồm cả con của họ. Điều đó có thể khiến trẻ bị thiếu dinh dưỡng, dẫn đến kém phát triển. Theo Tiến sĩ Michelle Terry, chuyên gia thể chất thuộc Khoa Y, Đại học Washington (Mỹ), chứng trầm cảm sau sinh còn khiến các bà mẹ mất ngủ, kéo theo đó là sự xáo trộn về giờ giấc cho bú và ngủ của trẻ.

Biện pháp phòng ngừa và điều trị

Theo nghiên cứu của các chuyên gia thuộc khoa Điều dưỡng ở Đại học Connecticut, phụ nữ có dùng thêm viên bổ sung dầu cá trong thời kỳ mang thai ít mắc triệu chứng bệnh trầm cảm hơn.

Nhóm nghiên cứu đã quan sát các thai phụ có dùng thêm viên bổ sung dầu cá hoặc giả dược từ tuần thứ 24 của thai kỳ cho đến lúc sinh. Các bà mẹ tương lai cũng được yêu cầu trả lời bảng câu hỏi nhằm đánh giá các triệu chứng trầm cảm tại thời điểm trước khi thử nghiệm và 4 thời điểm khác sau khi sinh. Kết quả cho thấy, những phụ nữ dùng thêm dầu cá có điểm số về đánh giá mức độ trầm cảm thấp hơn 6 điểm so với những người chỉ dùng thuốc an thần. Nghiên cứu này cho thấy axít béo Omega-3 trong dầu cá (vốn có chức năng thúc đẩy sự phát triển về thể chất lẫn trí tuệ của trẻ) cũng có thể giúp cải thiện triệu chứng trầm cảm ở thai phụ. Những kết quả này cho thấy bổ sung dầu cá vào chế độ ăn có thể giúp thai phụ phòng ngừa nguy cơ trầm cảm.

Mới đây, Học viện Nhi khoa Mỹ (AAP) cũng đưa ra khuyến cáo các bà mẹ sau sinh nên làm các cuộc kiểm tra nhằm tầm soát các dấu hiệu của bệnh trầm cảm. Thông thường, thời điểm các triệu chứng trầm cảm xuất hiện rõ rệt nhất là 6 tuần sau khi sinh. Vì vậy, AAP khuyến cáo các bác sĩ khoa nhi nên quan sát các bà mẹ vào các lần họ đưa bé đến tái khám lúc 1, 2 và 4 tháng tuổi. Các bác sĩ cũng được khuyên nên tư vấn sức khỏe cho các bà mẹ bằng cách yêu cầu họ trả lời bộ câu hỏi "Mức độ trầm cảm sau sinh Edingurgh" (gồm 10 câu hỏi được thiết kế để xác định bệnh tình của sản phụ), để có hướng điều trị thích hợp.

THÁI THANH (Theo Heathland)

Các dấu hiệu nhận biết trầm cảm sau khi sinh

Theo Trung tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC), chứng trầm cảm sau khi sinh ở các bà mẹ được xác định bằng các dấu hiệu sau đây:

- Khó ngủ cho dù em bé đã ngủ (khác với chuyện thiếu ngủ thường thấy ở các bà mẹ mới sinh).

- Có cảm giác xa cách với đứa trẻ.

- Có những suy nghĩ tiêu cực và sợ hãi, chẳng hạn như luôn lo có người sẽ bắt cóc hoặc tổn hại em bé.

- Lo lắng bản thân có thể làm đau em bé trong khi chăm sóc.

- Cảm giác có lỗi vì cho rằng bản thân không phải là một người mẹ tốt hoặc xấu hổ vì nghĩ mình không thể chăm sóc con tốt.

CDC khuyến cáo những bà mẹ mắc phải các dấu hiệu nói trên nên đến gặp bác sĩ để tư vấn và điều trị vì việc phát hiện và điều trị sớm các triệu chứng trầm cảm không chỉ giúp mẹ tránh được sự sa sút tinh thần mà còn ngăn chặn nguy cơ làm ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và trí tuệ của con.

HOÀNG ĐIỂU (Theo Guardian)

Chia sẻ bài viết