12/11/2009 - 20:37

"Trải thảm đỏ" mời gọi đầu tư các khu tái định cư

TP Cần Thơ xác định công tác xây dựng kết cấu hạ tầng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, để đảm bảo tiến độ xây dựng, thành phố đang tập trung xây dựng các khu tái định cư (TĐC) nhằm phục vụ việc giải phóng mặt bằng. Để có đủ nền TĐC bố trí cho những hộ bị giải tỏa bởi các dự án, UBND TP Cần Thơ đang chuẩn bị thông qua quy chế đầu tư xây dựng các khu TĐC không sử dụng vốn ngân sách nhà nước…

* CƠ CHẾ THÔNG THOÁNG HƠN

Ông Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết: Thành phố đang cần hơn 10.000 nền tái định cư (TĐC) để bố trí cho những hộ bị giải tỏa bởi các dự án, nhưng các khu TĐC do ngân sách xây dựng hiện chỉ mới đáp ứng được 30%. Không có khu TĐC, hàng loạt công trình không thể giải phóng mặt bằng làm cho nhiều dự án phải đình trệ việc triển khai xây dựng. Trước khó khăn đó, ngay từ đầu năm, UBND thành phố đã chỉ đạo các sở ngành hữu quan xây dựng khung pháp lý về cơ chế mời gọi các tổ chức, cá nhân, các thành phần kinh tế tham gia xây dựng các khu TĐC. Theo đánh giá của ông Trần Thanh Mẫn, qua 6 cuộc họp lấy ý kiến đóng góp của các sở, ngành và tham khảo ý kiến của nhà đầu tư (NĐT), dự thảo này đã cơ bản đảm bảo hài hòa được lợi ích cho cả ba phía: Nhà nước, nhà đầu tư và hộ dân TĐC. Hiện nay, UBND thành phố tiếp tục chỉ đạo các bộ phận chuyên môn kiểm tra lại tính pháp lý, bổ sung thêm các ý kiến đóng góp vào dự thảo để trình Ban thường vụ Thành ủy và thông qua trong kỳ họp HĐND sắp tới.

Khu đô thị – Tái định cư Cửu Long – do Công ty cổ phần Him Lam Cần Thơ đầu tư đang trong giai đoạn điều tra áp giá đền bù. Ảnh: PHÚ KHỞI 

Theo quy chế này, sau khi NĐT đã tìm hiểu về cơ chế, chính sách, vị trí lô đất, quy mô xây dựng khu TĐC nếu xét thấy phù hợp với khả năng thì có thể gởi hồ sơ đăng ký đầu tư đến ngành chức năng. Trong hồ sơ phải thể hiện rõ năng lực tài chính, năng lực đầu tư theo qui định tại Điều 11 của Quy chế khu đô thị mới ban hành kèm theo Nghị định số 02/2006/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 04/TT-BXD của Bộ Xây dựng. Tiêu chí xét chọn NĐT của ngành chức năng cũng dựa trên Nghị định số 02/2006/NĐ-CP của Chính phủ về Quy chế khu đô thị mới và mức hỗ trợ của NĐT đối với địa phương. Sau 3 tháng kể từ khi được chấp thuận đầu tư thì NĐT phải khởi động dự án. Trong vòng 12 tháng được chấp thuận đầu tư, nếu NĐT không tiến hành khảo sát, lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, lập dự án đầu tư và phương án tổng thể bồi thường thiệt hại, giải phóng mặt bằng... mà không có lý do chính đáng thì ngành chức năng sẽ xem xét hủy bỏ chủ trương đầu tư...

* NHIỀU ƯU ĐÃI CHO NHÀ ĐẦU TƯ

Khi đầu tư các khu TĐC, NĐT có nghĩa vụ: Sau khi tổ chức thực hiện bồi thường thiệt hại giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng theo quy hoạch được duyệt và bố trí TĐC tại chỗ cho các hộ bị ảnh hưởng, NĐT sẽ bàn giao cho thành phố 70% diện tích đất dự án đối với dự án tại địa bàn quận trung tâm là quận Ninh Kiều; đối với 2 quận vùng ven là quận Cái Răng và quận Bình Thủy thì tỷ lệ này là 60%, còn lại các quận, huyện khác thì tỷ lệ này là 50%. NĐT phải nộp tiền sử dụng đất đối với phần diện tích đất kinh doanh trong dự án theo quy định của pháp luật...

Khi NĐT thực hiện các khu TĐC sẽ được hưởng các quyền lợi như: Được Nhà nước giao đất để thực hiện khu TĐC, được miễn tiền sử dụng đất đối với diện tích đất xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội có chuyển giao cho Nhà nước, đất xây dựng công trình nhà nước và phục vụ TĐC. Trong thời hạn 1 tháng kể từ khi NĐT bàn giao phần diện tích phải giao cho Nhà nước và được cơ quan chức năng xác định được giá trị thì Nhà nước phải thanh toán chi phí đầu tư hạ tầng, xây dựng cơ bản trên phần đất này cho NĐT, nếu chậm trễ thì Nhà nước phải trả thêm chi phí lãi suất vay vốn thay cho nhà đầu tư tương ứng với số vốn mà NĐT đã bỏ ra để đầu tư vào phần diện tích được giao lại cho Nhà nước. Ngoài ra, các NĐT khu TĐC còn được hưởng thêm một số ưu đãi khác như: được Nhà nước hỗ trợ giải phóng mặt bằng (hỗ trợ về điều tra, áp giá, cưỡng chế thi hành); NĐT toàn quyền tự chủ trong lựa chọn hình thức đầu tư, quy mô và được kinh doanh các công trình hạ tầng, BĐS phần còn lại sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ đối với Nhà nước.

Theo đại diện một số sở ngành và các NĐT thì để văn bản có hiệu lực pháp lý về cơ chế mời gọi đầu tư vào các khu TĐC được hoàn chỉnh hơn thì ngành chức năng cũng cần diễn giải cụ thể thêm một số điểm cốt lõi của quy chế này.

Ông Trần Bá Thọ, Giám đốc Công ty TNHH Việt Khang, cho rằng: Việc xác định giá thành của dự án chính là vấn đề mấu chốt để đảm bảo hài hòa lợi ích, bởi trên thực tế đã có nhiều trường hợp danh mục giá cả về vật liệu xây dựng, chi phí nhân công, xe máy... mà ngành tài chính đưa ra để quyết toán công trình thấp hơn so với giá mà NĐT đã chi thực tế, chính điều này đã làm cho không ích NĐT bị thua lỗ. Như vậy, vấn đề định giá thành của dự án làm cơ sở để ngân sách nhà nước thanh toán lại cho NĐT phải được cụ thể hóa một cách chi tiết ngay tại văn bản này thì NĐT mới an tâm bỏ vốn đầu tư trước.

Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường cũng lo ngại nếu không có sự giao kèo với nhau ngay từ đầu thì có thể sẽ phát sinh tình trạng NĐT lựa phần đất xấu nhất trong dự án để giao cho Nhà nước làm khu TĐC. Ông Dương Tấn Hiển, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Cần Thơ cho rằng, nếu NĐT vì nguyên nhân chủ quan thực hiện dự án chậm kéo dài mà các chi phí phát sinh như lãi vay, trượt giá vật tư... cũng được tính vào giá thành là không hợp lý, do đó trong dự thảo cũng cần nêu rõ nếu NĐT chậm trễ trong thực hiện dự án do nguyên nhân chủ quan thì không được tính các khoản chi phí phát sinh vào giá thành. Ông Trần Thanh Cần, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, kiến nghị: Phải có quy định kiểm soát quy mô ngay từ đầu bởi vì đã có trường hợp NĐT vì muốn cho khu TĐC của mình đồng bộ đã cho xây dựng khu TĐC rất khang trang, phần tăng thêm quá sức chi trả của các hộ được TĐC do đó họ không thể vào ở mà phải bán suất TĐC để tìm nơi khác ở...

Trên bình diện chung thì cơ chế này đã cơ bản đảm bảo được quyền lợi của NĐT, Nhà nước và hộ dân bị giải tỏa, bởi lẽ: Khi NĐT bỏ ra phần vốn để đầu tư các khu TĐC này thì sẽ có một phần BĐS để kinh doanh thu lợi bù lại lãi suất vay vốn khi đầu tư trước hạ tầng cho phần giao lại cho Nhà nước. Về phía chính quyền địa phương cũng giải quyết được bài toán thiếu vốn hoặc nguồn vốn ngân sách phân bổ chậm trễ khi đầu tư các khu TĐC bức thiết và được thêm cái lợi thứ hai là có các khu dân cư, TĐC có hạ tầng tốt, khang trang góp phần làm đẹp bộ mặt của thành phố. Về phía người dân được bố trí ở các khu TĐC này cũng cảm thấy an tâm, phấn khởi khi khi hạ tầng các khu TĐC này được xây dựng khang trang theo quy mô khu TĐC và khu đô thị kết hợp. Chính các yếu tố hài hòa lợi ích nhiều phía như vậy mà ngay từ khi quy chế này vừa được dự thảo thì đã có nhiều NĐT nộp đơn đăng ký đầu tư. Qua xem xét, lựa chọn, UBND TP Cần Thơ đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 3 đơn vị là Công ty TNHH Việt Khang đầu tư khu TĐC 50 ha tại phường An Bình, quận Ninh Kiều; Công ty cổ phần Him Lam Cần Thơ đầu tư khu TĐC 54ha và Công ty Liên hiệp Vạn Cường đầu tư khu TĐC 23,6ha tại phường Long Hòa, quận Bình Thủy. Hiện nay, các chủ đầu tư các khu TĐC này đã khởi động dự án, trong đó dự án do Công ty Him Lam Cần Thơ đang ráo riết thực hiện giải phóng mặt bằng để khởi công xây dựng vào năm 2010.

Theo ông Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, chủ trương mời gọi đầu tư các khu TĐC mà thành phố đang thực hiện là một cách làm mới hoàn toàn. Đây là sáng kiến của địa phương và khi chủ trương này đi vào cuộc sống sẽ góp phần rất lớn giúp thành phố đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng để xứng đáng với tầm vóc một đô thị trung tâm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

PHƯỚC THỚI

Chia sẻ bài viết