31/05/2020 - 14:35

Trái chín 

Truyện ngắn: LƯƠNG MINH HINH

Ngã ba rạch Cái Trang đang được xây cầu, để đường bộ miệt vườn được liền mạch.

Cô kỹ sư cầu đường Tư Nhị lần đầu tiên thấy đường nước sung hết biết! Nơi sông nước mênh mông mà người dân vẫn lập gia cư xóm làng, mương kinh nối với rạch sông chằng chịt. Nhà nhà có bến nước đi vườn, đến ruộng, qua hầm cá vuông tôm, ra bến đình, tới bến chợ... Trai gái vừa thành niên là đã tay chèo xuồng ghe xuôi ngược chuyện bán buôn cây trái, cá mắm. Đường nước, với phương tiện giao thông đủ kiểu, đủ loại phát triển cùng nhịp sống. Những xuồng ba lá, năm lá mái chèo bồng bềnh mấy trăm năm. Những ghe tam bản lên đời với sắt thép rồi nhựa tổng hợp gắn máy cole nổ ròn vang, chong chóng xoay tít đạp nước. Những tàu lớn, phà bự chất ngất sản vật chầm chậm quyến luyến sóng nước đỏ phù sa, trên đường ra phố, đến cảng. Gần cầu đang xây có bến đò ngang tối ngày sáng đêm rộn rã "Đò ơi!".

Cùng việc làm cầu Cái Trang, thị trấn Cái Trang cũng được lên bản đồ quy hoạch. Không khí đô thị chuyển mình với điện đường trường trạm, các cơ quan, cơ sở sản xuất, bán buôn, nhà tường mái ngói đua vượt lên rừng rực. Nhưng vẫn còn mảng xanh um ở ấp Vườn bên này cầu, là ấp ngoại ô. Dăm tháng nay làm cầu, lúc xong việc, Tư Nhị lại lội khắp ấp làng. Cô thích lội ấp Vườn xanh mườn mượt. Con gái khoái trái cây! Cứ hỏi mua là được bà con ấp Vườn mời ăn lấy thảo, không lấy tiền. Mà người ấp Vườn thương cô là người đến xây cầu cho Cái Trang nên sẵn sàng mời cây trái, chớ không có nhiều thời gian trả lời mấy câu hỏi bất tận của cô. Cô thấy trái chín thì hỏi cắt tỉa sao cho trái vụ sau tốt nhất, lại còn hỏi phải xếp đặt sao mấy liếp vườn đều tiếp nước… Người vườn mắc bận rộn mần vườn, còn phải xếp đặt sao cho ghe tàu trái cây chở đi hớp hồn kẻ chợ.

***

Một buổi chiều chạng vạng, Tư Nhị đang thơ thẩn đi quanh ngắm mấy vườn trái chín ở ấp Vườn, thì thấy có bóng người từ lối xóm đi ra. Bà lão lưng còng, mái tóc bạc phơ chống cây gậy tre bước qua cây cầu tre dài dăm mét vắt qua con mương. Tư Nhị bối rối nhắc:

- Ngoại ơi qua cầu tre cẩn thận.

- Cô xây cầu ơi, ngoại đi xuồng ghe, cầu khỉ ấp Vườn cũng được gần tám mươi năm rồi…

- Dạ mấy tháng nữa lễ cắt băng thông cầu Cái Trang, ngoại là một trong những người đầu tiên cất bước. Không bước chân nào qua cầu vui bằng bước chân của các bậc đại thọ, thượng thọ ấp làng ta.

Bà nói đừng kêu đại thọ, thượng thọ. Bà tên Út Thêm. Cha má bà sinh dài dài ra Út: Út Chót, Út Lỡ, Út Hết… tổng cộng mười bốn người. Bà nắm tay Tư Nhị nói, thấy cô xây cầu mê trái chín xứ này, để bà đưa đi thăm một lượt hết ấp Vườn. 

Hai bà cháu hẹn nhau. Buổi sáng bà Út kẹt đưa rước cháu chắt qua đò ngang sang trường lớp bên ấp Đình, còn Tư Nhị làm việc theo ca, lo chuyện xây cầu cho kịp ngày hoàn thành. Ngoài hai giờ đó thì bà Út dẫn Tư Nhị đi thăm vườn tược. Đường bộ mở được tới đâu cùng đi tới đó, đến vườn xa thì đi bằng xuồng ghe. Tư Nhị cảm phục: Ngoại Út Thêm chèo lái điệu nghệ.

Bà Út Thêm kể khi làm vườn là ăn buổi đứng(*) bằng trái cây. Mần từ sáng tới bữa trưa hái trái ăn. Ăn riết nghiền trái hơn cơm. Bây giờ bà ghiền đưa khách đi chiêm ngưỡng trái chín trên cây. Cái ấp này vườn tược nhà nhà bà Út thuộc trong lòng bàn tay. Tư Nhị thì ra sức dòm ngó, không muốn bỏ một loại cây nào: mãng cầu, vú sữa, sầu riêng, chôm chôm, nhãn, mận, măng cụt, cóc, ổi…

Thấy Tư Nhị mê cây trái nhà vườn quá, bà Út Thêm liền rủ cô thăm vườn vào ban đêm. Tư Nhị hăng hái tới nhà bà từ chập tối, liền bị ép đi ngủ lấy sức, gà gáy nửa đêm thức cùng bà dâng mâm lễ ngũ quả. Người miệt vườn lấy trái cây thắp hương báo ơn tổ tiên khai hoang mở đất. Bà Út hối Tư Nhị mở bung hết các cửa sổ nhà. Lần đầu trong đời cô kỹ sư cầu đường ngồi lắng nghe vườn buổi đêm. Muôn giọng côn trùng. Tiếng chim đôi. Hương lá vương vấn. Tiếng gió xé lá xoàn xoạt. Bịch! Bịch! Tư Nhị nhận ra mùi sầu riêng. Cô nhoài người ngỡ muốn chui qua song cửa. Sầu riêng chín mềm cuống rớt ban đêm vắng vẻ. Bà Út khen trái chín rớt thiệt nghĩa tình.

Bà Út lại hẹn Tư Nhị dong ghe tới các vườn chuối, để thu hoa chuối, chặt những buồng chuối già. Gặp những đoạn thân chuối ôm cuống buồng nằm xoài dưới đất và các cuống lá đã lóc hết những mảnh lá lành để gói bánh hay bọc đồ thay bịch nhựa, bà Út giảng giải cho Tư Nhị: Sầu riêng chín trái thì "niềm nẫu cuống", chuối một lứa trái là "thôi một đời cây"! Bà Út Thêm xúc động khuỵu xuống bên thân chuối già nằm hơi xa bụi, kể chuyện xưa.

Mẹ của bà Út Thêm hồi đó chạy đò ngang, mang bầu đứa con thứ 14 đến tháng thứ bảy thì té sàn ghe, động thai đẻ non. Khách đi đò làm bà mụ bất đắc dĩ kéo được thai ra khỏi bụng mẹ, vỗ mông thằng bé bật khóc "oa oa" vang cả bến nước, hết tím tái. Nhưng mẹ thì bị liệt. Bà Út lúc đó mười mấy tuổi đã thành vú nuôi, thành quản gia lo tiếp mẹ chèo đò nuôi em, cùng cha lo chuyện gia viên vườn tược.

Hết đi vườn chuối, bà Út đưa Tư Nhị thăm bóng cây lưu niên đặc trưng nhất của đất phương Nam: cây dừa. Tư Nhị mở điện thoại chụp hình. Những cây dừa bên mí đất nghiêng nghiêng xuống nước, cất mình xiên xiên lên cao. Thân dừa đầy những vết thẹo, mỗi thẹo là mỗi vệt cuống lá rụng. Mỗi năm cây lằn thẹo thân cả chục lần(**), cây vài chục tuổi là thân hàng trăm vết thẹo. Cây mập cây ốm đều dìu người với cây. Trai làng vòng cái dây qua hai cổ chân ngang mức thân dừa thế là tay đu chân nhún vun vút lên cổ dừa đầy những quầy trái. Trái dừa, quầy dừa hái xong được quăng xuống mương nước rộn ràng: Ùm! Ùm! Ùm!

Tư Nhị thấy trái dừa khô thì reo mừng: "Nó chín, trái rụng, đã lên mầm rồi ngoại ơi!". Bà Út cười: "Bây tính lấy giống về trồng?". Bà thong dong tay lái máy ghe trên đường đưa Tư Nhị về công trình xây cầu, nói rằng không biết cây có chịu Tư Nhị hay không, vì cô mới chỉ yêu mến vườn cây và thưởng thức trái chín; còn trồng là chuyện khác. Trồng cây để vườn tược xanh um, trái chín oằn sai là chuyện mà nhiều khi người miệt vườn mất cả đời để nghiệm và truyền thừa qua nhiều thế hệ. Tư Nhị hiểu ý bà Út. Đem cây về trồng mà không thể chăm bón tươi tốt, thì có lỗi với cây.

***

Lễ thông cầu nhộn nhịp tưng bừng đường nước. Bến đò ngang nô nức hơn bao giờ hết. Biết bao nhiêu người gọi "Đò ơi!" lần cuối. Người qua đò về cầu. Người qua cầu về đò, người cứ qua qua lại lại bến đò hoài... Tư Nhị có sáng kiến mời người cao tuổi nhất ấp Vườn qua cầu, được xã hoan nghênh. Cô nắm tay bà Út Thêm đứng trước băng lụa đỏ hừng hực, họ được nhắc tên trong diễn văn, được các nhà báo quay phim chụp hình phỏng vấn quấn quýt…

Rồi cũng tới chuyến đò cuối cùng. Tư Nhị cùng bà Út Thêm trên chiếc đò làm lễ tạ ơn Trời, Đất, đức linh Hà Bá, đức linh Thổ Địa... Những con đò gấp bằng lá cây được thả trên bến sóng: đò đỏ trầm thơm ngát, đò trầu cau, đò gạo muối, đò tiền bạc. Những đò lễ xoay sóng nước, con đò sang ngang neo vào cọc bến nhà.

Rồi cũng đến ngày Tư Nhị rời Cái Trang. Cô vẫn còn những công trình phía trước, vẫn còn những ấp làng, đường nước… đợi những cây cầu nối liền đường bộ, để cây trái rau dưa miệt vườn có thêm đường ra phố, đến chợ, tới cảng nhanh hơn. Bà Út Thêm tiễn cô, hứa: Chừng nào muốn ổn định lập vườn, ngoại sẽ truyền nghề để vườn nhà Tư Nhị lúc nào cũng trái chín lúc lỉu thơm lừng.                      

---------------------

* Làm buổi đứng, ăn cơm buổi đứng: Sáng đi làm mang theo cơm và mắm cá; tới trưa mở ra ăn rồi làm tiếp liền đến ngang chiều.

** Dừa mỗi năm ra mười hai tàu lá.

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Trái chín