04/01/2018 - 20:36

Phòng, chống xâm phạm sở hữu trí tuệ

Trách nhiệm từ nhiều phía 

Sở hữu trí tuệ (SHTT) được coi là tài sản vô hình của doanh nghiệp (DN), đóng góp vào sự hình thành và phát triển mạnh mẽ, là thước đo quá trình lớn mạnh của DN. Song, tại Việt Nam cũng như trên thế giới, tình trạng xâm phạm SHTT hiện khá phổ biến và ngày càng phức tạp. Để giải quyết tình trạng trên, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ từ DN, cơ quan chức năng và cả người tiêu dùng.

Ý thức tự bảo vệ

Thời gian qua, tình trạng xâm phạm quyền SHTT ở Việt Nam ngày càng phức tạp, xảy ra tranh chấp kéo dài. Dư luận đã từng xôn xao khi Công ty cổ phần Acecook  Việt Nam (đăng ký độc quyền nhãn hiệu “Hảo Hảo tôm chua cay, hình” vào năm 2003) gửi đơn đề nghị cơ quan chức năng xử lý việc bị Công ty cổ phần Thực phẩm Á Châu “nhái” bao bì (đăng ký bảo hộ nhãn hiệu “Hảo Hạng tôm chua cay, hình” vào năm 2009), xâm phạm quyền sở hữu nhãn hiệu mì Hảo Hảo...

Các đại biểu tìm hiểu cách phân biệt sản phẩm thật/giả do doanh nghiệp trưng bày tại một hội thảo về quyền SHTT ở TP Cần Thơ. Ảnh: TUYẾT TRINH

Để một sản phẩm đến được với người tiêu dùng, các chủ sở hữu chân chính phải đầu tư rất nhiều nguồn lực mới đạt được kết quả khả quan. Dù bị đối thủ vô tình hay cố ý tranh chấp bản quyền nhãn hiệu thì hoạt động sản xuất kinh doanh, uy tín, thương hiệu của DN chân chính đều bị ảnh hưởng. Do vậy, để phòng, chống xâm phạm quyền SHTT, trước hết DN cần có giải pháp tự bảo vệ mình. Ông Trần Thanh Kha, Đại diện Công ty TNHH NGK Spark Plugs (Việt Nam) tại TP Hồ Chí Minh, cho biết: Hàng giả, hàng nhái trên thị trường ngày càng tinh vi và hiện có nhiều loại, được phân loại 1,2,3. Một số sản phẩm hàng giả, hàng nhái mắt thường có thể phân biệt được. Tuy nhiên, một số sản phẩm sản xuất theo công nghệ cao mắt thường không thể phân biệt được. Năm 2014, công ty tiến hành thu gom 1.208 sản phẩm bugi C5HSA tại 452 cửa hàng trên toàn quốc. Kết quả, sau khi chuyên gia NGK Nhật Bản kiểm tra tất cả các sản phẩm, có 20,5% là sản phẩm giả. Để chống hàng giả, công ty đã thực hiện một số giải pháp và mang lại hiệu quả trong thời gian qua. Cụ thể,  tuyên truyền cảnh báo hàng giả thông qua việc nhân viên công ty đưa poster cảnh báo và hướng dẫn người tiêu dùng và các đại lý phân phối cách phân biệt giữa hàng thật và hàng giả, hàng nhái. Phối hợp với cơ quan chức năng điều tra, xử lý các điểm kinh doanh hàng giả. Công ty nghiên cứu sử dụng tem nhãn chống hàng giả dán trên bao bì sản phẩm. Qua đó, công ty đã giảm đáng kể tình trạng hàng giả. Đơn cử tại TP Cần Thơ, nếu như 3 năm trước đây, tình trạng hàng giả của công ty chiếm khoảng 20%, hiện nay đã giảm còn 5%. “Chúng tôi tin rằng giải pháp chống hàng giả sẽ hữu ích cho một Việt Nam phát triển. Nếu chúng ta quét sạch hàng giả 20% thì mức độ thỏa mãn của người tiêu dùng sẽ tăng lên 20% và DN cũng tăng doanh số thêm 20%”, ông Trần Thanh Kha chia sẻ.

Từ kinh nghiệm hoạt động cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực SHTT, bà Nguyễn Thị Thanh Trúc, Giám đốc Công ty Điểm Tựa Vàng tại TP Hồ Chí Minh, cho rằng: DN cần chủ động bảo vệ mình bằng mọi biện pháp mà pháp luật cho phép. Chủ thể quyền SHTT có quyền: áp dụng biện pháp công nghệ nhằm chống xâm phạm quyền; yêu cầu bên xâm phạm chấm dứt vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại; yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý xâm phạm hoặc khởi kiện ra tòa hoặc trọng tài. Để làm được điều đó, trước tiên doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc bảo vệ quyền SHTT nói chung cũng như sở hữu công nghệ nói riêng trong các hoạt động kinh doanh. Bởi trước khi muốn xử lý phải có quyền, đó là nhận diện quyền SHTT sản phẩm của mình, nên DN phải chủ động đăng ký bảo hộ quyền SHTT, sở hữu công nghệ. Bên cạnh đó, DN cần thường xuyên, theo dõi giám sát thị trường kịp thời phát hiện những hành vi xâm phạm SHTT của đơn vị. Mặt khác, DN cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để được hỗ trợ…

Chung tay phòng chống xâm phạm quyền SHTT

Xâm phạm quyền SHTT trong giai đoạn hiện nay được thực hiện bằng nhiều phương thức, thủ đoạn mới, như: áp dụng công nghệ cao, sử dụng các thiết bị hiện đại để sản xuất hàng hóa làm cho người tiêu dùng và cơ quan quản lý thị trường khó phát hiện thật/giả. Các hành vi vi phạm này ngày càng nguy hiểm hơn ở tính chất vi phạm, có tổ chức chặt chẽ không những trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam mà còn mở rộng đối với tổ chức và cá nhân nước ngoài. Không chỉ DN ngay cả người tiêu dùng cũng bị ảnh hưởng xấu, thậm chí gây ra thiệt hại cho toàn xã hội. Do vậy, muốn ngăn chặn và từng bước đẩy lùi vấn nạn hàng giả, hàng nhái, bên cạnh DN chủ động bảo vệ mình, cần sự phối hợp chặt chẽ của cơ quan quản lý và người tiêu dùng. 

Ông Trần Thanh Kha, Đại diện Công ty TNHH NGK Spark Plugs (Việt Nam) tại TP Hồ Chí Minh, đề xuất: Chống hàng giả, hàng nhái là cuộc chiến lâu dài, trong đó, phòng quan trọng hơn chống. Do vậy, DN rất cần sự phối hợp từ các bên chung sức chiến đấu, từng bước đẩy lùi vấn nạn này. Trong công tác nhập khẩu cần hàng rào hải quan siết chặt công tác kiểm tra, kiểm soát hàng hóa; chính phủ nghiêm khắc kiểm soát, quản lý và xử lý hàng nhập khẩu phi pháp. Bộ, ngành xem xét tăng hình thức xử lý vi phạm đủ mạnh để xử phạt và răn đe những tổ chức, cá nhân sản xuất và buôn bán hàng giả. Bên cạnh đó, cần có các chính sách phù hợp để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và bảo vệ thương hiệu của nhà đầu tư. Đối với cơ quan thực thi (quản lý thị trường, cảnh sát kinh tế…) thực hiện đúng và đủ theo thẩm quyền.  

Tình trạng hàng giả, hàng nhái tràn lan như hiện nay, có nguyên nhân do một bộ phận người tiêu dùng vẫn còn chấp nhận hàng giả do chuộng giá rẻ, hoặc do không biết và nhất là thường im lặng bỏ qua khi phát hiện mua phải hàng giả. Và cũng chính người tiêu dùng bị ảnh hưởng trực tiếp “tiền mất tật mang” khi sử dụng hàng gian, hàng giả. Vấn nạn này làm cho người tiêu dùng phải trả tiền nhiều hơn khi sử dụng hàng giả. Có thể nói, trong cuộc chiến chống hàng gian, hàng giả, xâm phạm quyền SHTT, bên cạnh DN, người tiêu dùng có vai trò rất quan trọng. Ông Trần Giang Khuê, Phó Trưởng đại diện phụ trách Văn phòng đại diện Cục SHTT tại TP Hồ Chí Minh, cho rằng: Ở góc độ người tiêu dùng, đấu tranh chống hàng gian, hàng giả cũng là để tự bảo vệ mình. Người tiêu dùng cần nói “không” với hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Khi phát hiện hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT, người tiêu dùng cần thông báo cho các DN, cơ quan chức năng. Đồng thời, yêu cầu cơ quan chức năng bảo vệ quyền lợi của mình...

Ông Vũ Minh Hải, Giám đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ, cho biết: Thời gian qua, TP Cần Thơ thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ DN xây dựng và  phát triển tài sản trí tuệ. Năm 2018, bên cạnh thực hiện các hoạt động hỗ trợ DN về SHTT, Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ thành lập chuyên trang về SHTT. Đây là nơi để các DN giao lưu chia sẻ kinh nghiệm liên quan SHTT; tra cứu tình trạng hồ sơ, cần liên hệ với ai để giải quyết trong trường hợp hồ sơ đăng ký SHTT có vướng mắc…

TUYẾT TRINH

Chia sẻ bài viết