21/03/2011 - 21:15

Tư vấn mùa thi

Trách nhiệm từ nhiều phía

Cán bộ Trường Cao đẳng Cơ điện và Nông nghiệp Nam bộ đang tư vấn hướng nghiệp - tuyển sinh cho học sinh Trường THPT Tầm Vu 3, tỉnh Hậu Giang.

Những năm gần đây, cứ vào cuối tháng 2 đến cuối tháng 3, ngày càng có nhiều đơn vị, trường học quan tâm tổ chức các hoạt động tư vấn mùa thi (hướng nghiệp- tuyển sinh) nhằm giúp thí sinh chọn lựa ngành, nghề phù hợp. Tuy nhiên, hoạt động tư vấn hướng nghiệp - tuyển sinh vẫn còn nhiều điều phải bàn...

* “Vẽ đường” cho thí sinh

Trong tháng 3-2011, Trường Cao đẳng Cơ điện và Nông nghiệp Nam bộ tổ chức đoàn đến tư vấn hướng nghiệp- tuyển sinh cho hơn 200 học sinh của Trường THPT Tầm Vu 3, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang. Tại đây, cán bộ, giảng viên của Trường Cao đẳng Cơ điện và Nông nghiệp Nam bộ đã giới thiệu về trường, những ngành nghề, chỉ tiêu tuyển sinh, cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp... Theo bạn Trần Thị Trúc Linh, học sinh lớp 12A6, Trường THPT Tầm Vu 3, qua buổi tư vấn, bạn đã hiểu sâu hơn về ngành mình yêu thích, cơ hội tìm việc làm sau này. Còn bạn Trần Lê Hoài Thương, cùng lớp với Trúc Linh, cho rằng: “Em học khá môn tiếng Anh và dự định thi vào ngành Anh văn. Sau khi tốt nghiệp sẽ làm công việc phiên dịch. Tuy nhiên, qua thầy cô tư vấn, em sẽ chọn nguyện vọng 1 vào ngành sư phạm Anh văn, nguyện vọng 2 sẽ đăng ký học cao đẳng. Bởi sức học của em chỉ ở mức trung bình - khá, hoàn cảnh gia đình lại khó khăn, em phải chọn ngành nghề sao cho phù hợp khả năng của mình và điều kiện kinh tế của gia đình...”. Theo thầy Lê Phan Trí Mẫn, Phó Bí thư Đoàn Trường THPT Tầm Vu 3, phần lớn học sinh của trường có xu hướng chọn khối ngành Kinh tế, kế đến là Du lịch, Sư phạm... Buổi tư vấn hướng nghiệp - tuyển sinh này sẽ giúp học sinh hiểu sâu hơn những ngành nghề mình yêu thích mà có sự lựa chọn phù hợp. Quan trọng hơn là học sinh có dịp tiếp xúc, trao đổi trực tiếp với cán bộ các trường đại học, cao đẳng một cách năng động, dạn dĩ hơn.

Tương tự, trong 2 tuần đầu của tháng 3-2011, Trường Cao đẳng Kinh tế- Kỹ thuật Cần Thơ cũng tổ chức tư vấn hướng nghiệp - tuyển sinh tại 70 trường THPT ở các tỉnh, thành ĐBSCL. Các trường Đại học Cần Thơ, Đại học Tây Đô, các trường trung cấp, trường nghề, trên địa bàn TP Cần Thơ; các trường đại học ở TP Hồ Chí Minh và các đơn vị thông tấn báo chí (Tuổi Trẻ, Thanh Niên)... cũng đã tổ chức nhiều buổi tư vấn với qui mô khác nhau..., được khá đông thí sinh quan tâm.

* Cần cả chiều rộng lẫn chiều sâu

Trong những năm gần đây, hoạt động tư vấn hướng nghiệp - tuyển sinh cho học sinh phổ thông ngày càng đi vào chiều sâu. Nhờ đó, nhiều học sinh đứng trước ngưỡng cửa đại học, đã có kiến thức cơ bản để chọn ngành, nghề, xác định công việc làm sau khi ra trường... Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng, công tác tư vấn hướng nghiệp - tuyển sinh vẫn còn nhiều điều phải bàn. Bởi hoạt động này chỉ “nở rộ” vào mùa thi tuyển sinh. Theo thạc sĩ Lê Thái Dương, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện và Nông nghiệp Nam bộ, hằng năm, sau Tết Nguyên đán, trường mới tổ chức tư vấn hướng nghiệp - tuyển sinh cho học sinh THPT. Do đó, để giúp thí sinh có đầy đủ thông tin để cân nhắc, chọn lựa ngành nghề phù hợp, vai trò quan trọng nhất vẫn là công tác tư vấn hướng nghiệp tại các trường phổ thông. Bên cạnh đó là sự phối hợp chặt chẽ giữa trường phổ thông với các trường đại học, cao đẳng, trung cấp để thường xuyên tư vấn hướng nghiệp cho học sinh...

Trên thực tế, có không ít trường đại học, cao đẳng đến tư vấn hướng nghiệp - tuyển sinh cho học sinh ở các trường THPT nhưng chỉ “cưỡi ngựa xem hoa”. Bởi vì với thời gian tư vấn rất ngắn, hoặc chỉ làm việc với ban giám hiệu, giáo viên ở các trường THPT rồi gửi... tờ rơi, tờ bướm quảng bá về trường cho học sinh xem, tham khảo. Có trường hợp tổ chức buổi tư vấn rất “rầm rộ”, nhưng trong chương trình phần tư vấn hướng nghiệp - tuyển sinh chỉ chiếm... khoảng 15-20 phút. Đơn cử như: Giữa tháng 3-2011, Trường Đại học H.V ở TP Hồ Chí Minh đến tư vấn hướng nghiệp - tuyển sinh cho hàng trăm học sinh ở các trường THPT trên địa bàn TP Cần Thơ. Trong chương trình, phần văn nghệ kéo dài hơn 2 giờ, mới đến phần tư vấn tuyển sinh, nhưng cũng chỉ giới thiệu sơ sài... Theo ông Nguyễn Quốc Vững, Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm Thanh niên TP Cần Thơ, nhiều đơn vị cũng tổ chức những đợt tư vấn hướng nghiệp - tuyển sinh nhưng chỉ đơn thuần cung cấp thông tin cho học sinh về trường, ngành đào tạo, số liệu điểm chuẩn, tỷ lệ chọi... Đáng lo ngại là nhiều đơn vị tổ chức tư vấn mang tính chất makerting về trường nhiều hơn là tư vấn định hướng cho học sinh. Không thể phủ nhận hoạt động tư vấn mùa thi đã có tác động tích cực đến thí sinh trong việc chọn lựa ngành, nghề phù hợp. Nhưng, trong thời gian chỉ có một ngày, một buổi không thể làm thay đổi nhận thức của hàng trăm, hàng ngàn thí sinh. Chính vì vậy, đòi hỏi việc tư vấn - hướng nghiệp cho học sinh rất cần sự tham gia của các giáo viên ở trường phổ thông. Ông Nguyễn Quốc Vững đề xuất: “Các trường THPT nên có hẳn biên chế giáo viên hướng nghiệp. Giáo viên này được huấn luyện kỹ năng, chuyên môn, tâm lý để gần gũi tìm hiểu nguyện vọng của học sinh, định hướng cho tốt nghề nghiệp cho các em. Các trường đại học, cao đẳng, hằng năm nên tổ chức ít nhất 4 lần gặp gỡ doanh nghiệp để họ đánh giá chất lượng sinh viên để từ đó cải tiến phương pháp giảng dạy, chương trình đào tạo... Theo tôi, trường không nên chỉ đào tạo theo những gì mình đang có mà nên hướng tới đào tạo những gì xã hội cần”.

********

Rõ ràng, công tác tư vấn hướng nghiệp - tuyển sinh đã góp phần quan trọng, giúp học sinh có định hướng lựa chọn ngành nghề phù hợp. Thế nhưng, theo nhiều cán bộ quản lý giáo dục, để hoạt động thực sự đạt hiệu quả, cần có sự “cộng hưởng” từ nhiều phía: gia đình- nhà trường- xã hội, để giúp học sinh “nhìn xa trông rộng” và lựa chọn ngành nghề phù hợp...

Bài, ảnh: B.KIÊN

Chia sẻ bài viết