28/08/2013 - 21:33

TPP- Cơ hội cho doanh nghiệp Việt

Hiệp định Hợp tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), đặc biệt với sự tham gia của thị trường Hoa Kỳ đang mở ra bước ngoặt mới đối với các doanh nghiệp (DN) và nền kinh tế của các quốc gia đối tác, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, những lợi thế và rủi ro khi Việt Nam tham gia TPP cần được phân tích thấu đáo để có thể khắc phục những hạn chế và tận dụng tối đa các cơ hội từ TPP trong quá trình hội nhập kinh tế thế giới.

* Cơ hội và thách thức

Hội thảo “Tận dụng TPP để phát triển thị trường cho DN Việt Nam” vừa diễn ra tại TP Cần Thơ, do Câu lạc bộ DN dẫn đầu (LBC), Hội DN Hàng Việt Nam chất lượng cao, Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham Việt Nam) phối hợp tổ chức là dịp để các chuyên gia kinh tế phân tích những được, mất của Việt Nam khi tham gia TPP. Theo các chuyên gia, khi tham gia TPP, các DN Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận, mở rộng thị trường, tăng xuất khẩu, đặc biệt là sang thị trường Hoa Kỳ đối với các sản phẩm dệt may, da giày, hải sản, sản phẩm từ gỗ… Đồng thời, đầu tư từ các quốc gia TPP vào Việt Nam cũng sẽ tăng lên. Theo ông Nathan Lane, Trưởng phòng Kinh tế, Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ, việc tham gia TPP sẽ thúc đẩy quá trình cải cách thị trường, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Bất cứ lĩnh vực xuất khẩu nào của Việt Nam đang chịu mức thuế nhập khẩu cao tại một trong các thị trường tham gia TPP, trong đó có Hoa Kỳ, sẽ được hưởng lợi đáng kể. Tuy nhiên, TPP có tính chất tương hỗ nên mỗi thành viên chỉ được hưởng lợi khi phải đồng thời cho phép các thành viên khác tiếp cận thị trường của mình. Vì thế, các DN Việt Nam phải có sự chuẩn bị để đương đầu với những thách thức khi tham gia TPP. Theo các chuyên gia, lộ trình cắt giảm thuế quan theo cam kết sẽ dẫn đến sự gia tăng nhanh chóng luồng hàng nhập khẩu từ các nước TPP vào Việt Nam với giá cả cạnh tranh. Vì thế, DN Việt Nam đứng trước nguy cơ mất dần thị phần nội địa. Mặt khác, TPP hướng tới một sân chơi bình đẳng, không phân biệt quốc gia phát triển hay đang phát triển như WTO nên DN Việt Nam sẽ gặp bất lợi lớn khi phải cạnh tranh bình đẳng và sòng phẳng với các DN của Hoa Kỳ, Nhật Bản hay Australia.

 Dây chuyền may xuất khẩu của Công ty Cổ phần May Tây Đô, TP Cần Thơ.

Việc mở cửa thị trường Việt Nam cho hàng hóa, dịch vụ đến từ các nước TPP thông qua việc cắt giảm thuế quan và các điều kiện khác mở ra kỳ vọng về một môi trường cạnh tranh hơn cho DN. Người tiêu dùng được hưởng lợi khi tiếp cận được hàng hóa và dịch vụ rẻ hơn với chất lượng tốt hơn. Sản xuất trong nước sẽ tiếp cận được với công nghệ, máy móc, thiết bị hiện đại, nguyên vật liệu phong phú hơn và giá thấp hơn. Tuy nhiên, Việt Nam sẽ phải đối mặt với một số thách thức về các nguyên tắc xuất xứ hàng hóa, các vấn đề về xã hội như lao động, môi trường trong thương mại, năng lực cạnh tranh của DN… Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, Cố vấn cao cấp của LBC, cho rằng: “Với quy mô nhỏ và vừa, khả năng cạnh tranh của DN Việt Nam sẽ rất hạn chế. Đơn cử như ngành dệt may, mặc dù đóng góp đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam nhưng chỉ chủ yếu gia công hơn 20 năm nay. Khi tham gia TPP, việc chứng minh xuất xứ hàng hóa để được hưởng ưu đãi sẽ gặp khó khăn. Bởi lẽ các nước thành viên TPP không phải là nhà cung cấp nguyên liệu chính cho các DN dệt may Việt Nam”. Theo bà Lan, để được hưởng lợi từ TPP, các DN dệt may có thể xem việc gia nhập TPP là cơ hội để gia tăng tỷ lệ nội địa hóa cho sản phẩm. Song, để làm được điều này đòi hỏi các DN phải có những nỗ lực thay đổi rất lớn.

* Cần sự quyết tâm

Các chuyên gia kinh tế cho rằng: Với việc mở cửa thị trường theo TPP, mối liên kết giữa các chuỗi cung ứng quốc tế sẽ trở nên mạnh mẽ, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo ra nhiều cơ hội hơn cho DN Việt Nam. Vấn đề quan trọng là Việt Nam cần tiếp tục cải cách về mặt thể chế để phù hợp với yêu cầu của nền kinh tế thị trường. Theo ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), hiện nay, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vẫn phải đối mặt với các vụ kiện chống bán phá giá cá tra và chống trợ cấp tôm ở Hoa Kỳ. Tuy nhiên, DN xuất khẩu thủy sản không nên nghĩ rằng việc gia nhập TPP sẽ giúp hạn chế tình trạng này. Điều cốt lõi là trong quá trình mở cửa hội nhập TPP, DN phải tự đổi mới mình để nâng cao năng lực cạnh tranh, khả năng thích ứng thị trường.

Khi mở cửa thị trường theo TPP, các quốc gia ký kết Hiệp định phải dành cho công ty nước ngoài mua bán hàng hóa, dịch vụ sự công bằng như những gì dành các công ty trong nước. Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN Hàng Việt Nam chất lượng cao, cho biết: “Một số chính sách hỗ trợ của Chính phủ đã khiến các nhà nhập khẩu cho rằng Việt Nam là nền kinh tế phi thị trường mặc dù việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ này của DN có rất nhiều cản ngại. Khi xuất khẩu hàng hóa, các DN buộc phải chứng minh với khách hàng về việc sản phẩm xuất khẩu không hề có trợ cấp”. Theo Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, đã có khoảng 30 quốc gia chấp nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường. Nhưng, trong quá trình đàm phán TPP không đặt nội dung xác định nền kinh tế thị trường hay phi thị trường. Song, theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN, đến năm 2018, cơ chế phi thị trường của Việt Nam phải được dỡ bỏ hoàn toàn, các dòng thuế sẽ được cắt giảm về 0%.

Ông Herb Cochran, Giám đốc điều hành AmCham Việt Nam, cho rằng: “Để các DN Việt Nam có thể hưởng lợi từ TPP, cần có sự phối hợp giữa Chính phủ và DN trong cải cách cơ cấu, nâng cao tính cạnh tranh và khả năng thích ứng với những thay đổi của thị trường. Vì thế, Chính phủ Việt Nam cần tiếp tục cải cách thể chế chính sách, môi trường kinh doanh trong nước, đảm bảo yêu cầu phát triển của DN. Ngoài ra, các DN Việt Nam cần năng động hơn nữa để chủ động tham gia tìm kiếm thị trường và khách hàng tiềm năng thông qua các hoạt động hội chợ quốc tế, xúc tiến thương mại. AmCham Việt Nam cũng mong muốn trở thành cầu nối để liên kết các DN Việt Nam với DN Hoa Kỳ đồng thời thúc đẩy hợp tác đầu tư song phương, đa phương giữa các nước đối tác TPP trong tương lai”.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

 

Chia sẻ bài viết