16/09/2023 - 18:55

TP Cần Thơ thúc đẩy đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ ở trong và ngoài nước  

Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ đã triển khai sâu rộng và tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố thực hiện các giải pháp hỗ trợ phát triển hoạt động sở hữu trí tuệ nhằm thúc đẩy đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ ở trong và ngoài nước.

Tài sản trí tuệ là kết quả của quá trình sáng tạo, đầu tư trí tuệ, chi phí của cá nhân, tổ chức. Các giá trị được tạo ra từ tài sản trí tuệ như sáng chế, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp và quyền tác giả ngày càng đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của doanh nghiệp. Đồng thời, vấn đề bảo hộ tài sản trí tuệ góp phần tạo môi trường khuyến khích đổi mới sáng tạo và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế.

Thời gian qua, UBND thành phố phê duyệt Chương trình phát triển tài sản trí tuệ  TP Cần Thơ đến năm 2030. Theo đó, Sở Khoa học và Công nghệ đã triển khai Chương trình với nhiều hoạt động thiết thực như: hỗ trợ đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ, hỗ trợ khai thác tài sản trí tuệ, tuyên truyền nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ... Ngoài ra, Sở còn triển khai hoạt động khảo sát, chọn lựa sản phẩm, chủ thể sở hữu để tư vấn, hướng dẫn thủ tục đăng ký, tra cứu thông tin, hỗ trợ theo dõi quá trình xử lý đơn cho đến khi sản phẩm được cấp văn bằng và hỗ trợ các nội dung quản lý, phát triển nhãn hiệu sau khi xác lập quyền.

Tính đến nay, thành phố có 7.197 đơn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp và 5.077 văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp được Cục Sở hữu trí tuệ cấp. Số lượng đơn đăng ký và văn bằng được cấp mỗi năm tăng từ 10-15%, điều đó cho thấy sự quan tâm nhiều hơn của xã hội và cộng đồng đối với lĩnh vực sở hữu trí tuệ.

Đối với các hoạt động tạo ra và khai thác, thương mại hóa tài sản trí tuệ, Sở KH&CN đã hỗ trợ triển khai 4 nhiệm vụ khoa học và công nghệ, bao gồm: Tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ tại các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng; Xây dựng, khai thác và phát triển giá trị tài sản trí tuệ đối với sản phẩm thuộc Chương trình OCOP giai đoạn 2022-2025; Tuyên truyền, phổ biến kiến thức về sở hữu trí tuệ và phát triển thương hiệu và Xác lập quyền sở hữu trí tuệ các giống lúa OM của Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long.

Bên cạnh đó, việc xây dựng Nghị quyết của Hội đồng nhân dân quy định mức hỗ trợ đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ đến năm 2030 trên địa bàn TP Cần Thơ là cần thiết để thúc đẩy bảo hộ tài sản trí tuệ của các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, gia tăng số lượng đơn đăng ký và văn bằng bảo hộ tài sản trí tuệ. Nghị quyết sau khi được ban hành đã hỗ trợ cho 45 tổ chức, cá nhân có sản phẩm, dịch vụ đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ, bao gồm: 48 văn bằng bảo hộ nhãn hiệu và 6 đơn đăng ký sáng chế.

Từ nay đến năm 2030, hoạt động sở hữu trí tuệ sẽ được triển khai đồng bộ, hiệu quả theo các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã được xác định tại Chương trình phát triển tài sản trí tuệ thành phố Cần Thơ đến năm 2030 và Chiến lược Sở hữu trí tuệ trên địa bàn thành phố Cần Thơ đến năm 2030. Kịp thời hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân trong việc đăng ký bảo hộ đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu; giống cây trồng theo Nghị quyết số 03/2022/NQ-HĐND ngày 08 tháng 7 năm 2022 của Hội đồng nhân dân thành phố quy định mức tài sản trí tuệ đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Cần Thơ.

Tiếp tục hỗ trợ thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm nhằm thúc đẩy đăng ký bảo hộ và nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, phát triển tài sản trí tuệ, cụ thể một số nhiệm vụ như: Chuyển đổi số trong xây dựng và phát triển thương hiệu một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực trên địa bàn TP Cần Thơ; Xây dựng và áp dụng thí điểm mô hình quản trị tài sản trí tuệ cho các doanh nghiệp, tổ chức khoa học và công nghệ trên địa bàn thành phố Cần Thơ; Xây dựng, quản lý và phát triển thương hiệu Bánh tráng Thuận Hưng; Xây dựng, khai thác và phát triển thương hiệu du lịch cộng đồng Cồn Sơn; Phát triển thương hiệu mãng cầu Thới Hưng;…

Chương trình phát triển tài sản trí tuệ sẽ là kim chỉ nam để các ngành, lĩnh vực khác chủ động lồng ghép nội dung sở hữu trí tuệ vào hoạt động quản lý nhà nước của thành phố và triển khai một cách hiệu quả; thúc đẩy phát triển hệ thống sở hữu trí tuệ đồng bộ, hiệu quả ở tất cả các hoạt động sáng tạo; đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, đưa sở hữu trí tuệ trở thành công cụ quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Thực hiện: Anh Khoa - Quách Hùng

 

Chia sẻ bài viết