(CT)- Ngày 20-4, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Cần Thơ tổ chức lớp tập huấn vận hành và thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên để phát hiện COVID-19 trong cộng đồng.
Lớp tập huấn xét nghiệm COVID-19. Ảnh: H.HOA
Đối tượng tập huấn là cán bộ, chuyên viên của các sở, ban, ngành, trung tâm y tế, trường học thực hiện Dự án “Nâng cao hiệu quả sử dụng xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 phát hiện COVID-19 trong cộng đồng”.
Lớp tập huấn triển khai kế hoạch sử dụng xét nghiệm nhanh kháng nguyên COVID-19 trong khuôn khổ Dự án; khái quát về xét nghiệm nhanh kháng nguyên COVID-19; quy trình kiểm soát và ngăn ngừa nhiễm COVID-19 khi thực hiện xét nghiệm; quy trình thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên COVID-19 cho đối tượng nguy cơ cao; thực hành xét nghiệm; quy trình điều phối sinh phẩm và báo cáo, quản lý dữ liệu...
Kit xét nghiệm được thực hiện trong Dự án có tên là Bộ xét nghiệm nhanh COVID-19 Antigen Self-Test Abbott Panbio Test Kit. Dự án được thực hiện với nguồn viện trợ không hoàn lại từ tổ chức Clinton Health Access Initiative, Inc (CHAI).
Theo kế hoạch, Dự án được thực hiện trong 3 tuần, từ 24/4-14/5/2023. Tổng số mẫu xét nghiệm dự kiến là 68.000 mẫu.
Đối tượng xét nghiệm: trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi và phụ huynh/người chăm sóc trẻ, giáo viên/nhân viên trường học; người không nơi nương tựa, người già, người làm các công việc sinh sống trên đường phố tại các trung tâm bảo trợ xã hội và nhân viên/người chăm sóc/người thân; tiểu thương kinh doanh tại các chợ; thành viên tổ COVID cộng đồng; nhóm đối tượng có triệu chứng nghi ngờ, người có nguy cơ cao, người già, người có bệnh nền, bệnh mãn tính, người có yếu tố dịch tễ; người lao động tại các khu công nghiệp...
Đối với người có kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên dương tính, CDC Cần Thơ chỉ định lấy mẫu gửi về cơ sở y tế đủ điều kiện xét nghiệm RT-PCR.
H.HOA