GIA BẢO
Sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại tháng 8-2023 tiếp tục có những tín hiệu tích cực, tăng so với tháng 7-2023, nhưng chưa có sự gia tăng đột biến do sự phục hồi chậm của kinh tế toàn cầu. Thị trường khởi sắc trở lại sau thời gian dài ảm đạm là tín hiệu vui cho doanh nghiệp (DN), tuy nhiên DN vẫn rất cần sự hỗ trợ đồng bộ hơn để gỡ các nút thắt thị trường, vốn cho sản xuất kinh doanh các tháng cuối năm.
Thị trường khởi sắc nhưng chưa vững chắc
Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty TNHH MTV Ấn Độ Dương, KCN Thốt Nốt (TP Cần Thơ). Ảnh: M.HUYỀN
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, tháng 8-2023, sản xuất công nghiệp và thương mại tăng so với tháng 7-2023. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 8 ước tính tăng 2,9% so với tháng 7 và tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là tháng thứ 4 đạt mức tăng liên tiếp so với cùng kỳ năm trước. Cả nước có 49 địa phương có chỉ số IIP tăng; một số địa phương tăng khá cao so với cùng kỳ gồm: Bắc Giang tăng 16,4%; Phú Thọ tăng 15,7%; Nam Định tăng 13,8%; Kiên Giang tăng 13%; Hải Phòng tăng 12,1%; Phú Yên tăng 11,8%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao (Hậu Giang tăng 183,8%; Thái Bình tăng 91%; Trà Vinh tăng 34,7%). Số lao động đang làm việc trong các DN công nghiệp tại thời điểm 1-8-2023 tăng 0,9% so với cùng thời điểm tháng 7-2023.
Bên cạnh đó, trong tháng 8, hoạt động xuất khẩu hàng hóa tiếp tục có những tín hiệu tích cực và tăng 7,7% so với tháng trước, ước đạt 32,37 tỉ USD. Theo Bộ Công Thương, đây cũng là tháng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất trong một năm trở lại đây và đánh dấu tháng tăng trưởng thứ tư liên tiếp. Điểm sáng trong xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong tháng 8 là khu vực kinh tế trong nước đạt 8,43 tỉ USD, tăng 8,7%, cao hơn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI); khu vực FDI đạt 23,94 tỉ USD (kể cả dầu thô), tăng 7,3% so cùng kỳ năm 2022.
Tuy nhiên, nhu cầu trong và ngoài nước yếu, tăng trưởng chưa có sự đột biến nên so với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 8 giảm 7,6%, trong đó khu vực kinh tế trong nước giảm 2,5%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) giảm 9,3%. Điều này một mặt cho thấy nỗ lực của các DN trong nước so với khu vực FDI, nhưng mặt khác thể hiện sự khó khăn của các DN nói chung, kể cả DN FDI, vốn được xem là khu vực có thị trường và chuỗi cung ứng ổn định hơn.
Còn theo báo cáo của S&P Global vừa công bố, Chỉ số PMI (Chỉ số nhà quản trị mua hàng) của Việt Nam tháng 8-2023 vượt ngưỡng 50 và đạt 50,5 điểm. Báo cáo cũng nêu ngành sản xuất của Việt Nam tăng trưởng trở lại trong tháng 8 khi một số dấu hiệu phục hồi của nhu cầu đã giúp số lượng đơn đặt hàng mới và sản lượng tăng trở lại. Các công ty đã gia tăng hoạt động mua hàng tương ứng, nhưng việc làm giảm nhẹ và các DN cũng ngại tuyển dụng mới do bối cảnh nhu cầu còn yếu. Tháng 7, chỉ số PMI của Việt Nam ở ngưỡng 48,7 điểm; việc PMI tháng 8 tăng so với tháng 7 cho thấy các điều kiện kinh doanh trong ngành sản xuất đã cải thiện nhẹ. Tuy nhiên dữ liệu của tháng 8 cũng cho thấy giá cả đầu vào đã tăng mạnh, điều này cũng kết thúc thời kỳ giảm kéo dài 3 tháng qua.
Một số thành viên tham gia khảo sát cũng cho biết nguyên nhân chi phí đầu vào tăng do giá dầu tăng, giá thực phẩm cũng tăng... Từ đó, các công ty cũng tăng giá bán hàng, dù chỉ tăng nhẹ và đây là lần tăng giá đầu ra đầu tiên kể từ tháng 3-2023 đến nay. Chuyên gia của S&P Global cho biết, chỉ số PMI vượt ngưỡng 50 phản ánh bức tranh tươi sáng hơn với ngành sản xuất, nhưng sự cải thiện về đơn hàng mới và sản lượng vẫn còn yếu do lực cầu vẫn còn mỏng manh. Do đó, còn quá sớm để cho rằng ngành sản xuất đã ở trạng thái phục hồi trọn vẹn.
Khơi dậy niềm tin kinh doanh cho DN
Các dự báo của giới chuyên gia, một số tổ chức quốc tế cho rằng, nền kinh tế toàn cầu đang bước vào một thời kỳ mới, với nhiều rủi ro và thách thức. Kinh tế toàn cầu trong 8 tháng phục hồi chậm, áp lực lạm phát tuy đã hạ nhiệt nhưng vẫn còn cao, cầu tiêu dùng yếu, trong khi hàng rào bảo hộ gia tăng. Nhiều quốc gia tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt đã tiếp tục tác động đến DN và các hoạt động đầu tư, tiêu dùng toàn cầu; nhiều nền kinh tế rơi vào suy thoái kỹ thuật, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - Trung Quốc phục hồi chưa bền vững. Cùng với đó là các rủi ro nợ công, hệ thống tài chính ngân hàng, nợ DN... gia tăng; nhiều quốc gia còn đối mặt với rủi ro về an ninh năng lượng, an ninh lương thực. Tất cả những khó khăn, thách thức và rủi ro toàn cầu đều tác động mạnh đến nền kinh tế Việt Nam.
Theo Bộ Công Thương, các nền kinh tế lớn là đối tác xuất khẩu của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU giảm chi tiêu mua sắm các sản phẩm thông thường và xa xỉ khiến khối lượng đơn đặt hàng giảm trong 8 tháng qua. Trong khi đó, các ngành sản xuất công nghiệp trong nước chủ yếu hướng vào xuất khẩu, phụ thuộc lớn vào thị trường toàn cầu do sản lượng sản xuất trong nước vượt xa nhu cầu của thị trường nội địa, đặc biệt là đối với các ngành hàng như dệt may, da - giày, điện tử… chỉ cung ứng cho nhu cầu nội địa 10% sản lượng, 90% sản lượng còn lại là để xuất khẩu.
Bên cạnh đó, giá hàng hoá xuất khẩu có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm ngoái, như hạt tiêu (giảm 26,5%), cao su (giảm 19,6%), hay một số mặt hàng công nghiệp chế biến như phân bón các loại (giảm 35,4%), sắt thép các loại (giảm 24,8%), chất dẻo nguyên liệu (giảm 24,1%). Chỉ có một số ít mặt hàng có giá tăng gồm cà phê (tăng 8,7%), gạo (tăng 11,6%), than đá (tăng 4,6%). Việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng tạo áp lực cạnh tranh đối với hàng xuất khẩu cùng chủng loại của Việt Nam. Trong khi các DN Việt Nam vẫn khó khăn do đơn hàng nước ngoài giảm, thị trường trong nước sức mua không lớn, chi phí đầu vào ở mức cao, khó tiếp cận tín dụng…
Khó khăn này cũng phản ánh qua con số DN rời thị trường trong 8 tháng qua. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 8 tháng, cả nước có đến 71.800 DN tạm ngừng kinh doanh, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm trước; 41.100 DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 26,7%; 11.800 DN hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 4,2%. Bình quân một tháng có 15.600 DN rút lui khỏi thị trường.
Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, thị trường đã có dấu hiệu tăng trở lại, để khôi phục niềm tin kinh doanh cho DN và khơi thông thị trường các tháng cuối năm thì các chính sách hỗ trợ vĩ mô đã được ban hành cần triển khai có trọng tâm, trọng điểm hơn nữa.
TS Trần Hữu Hiệp, Chuyên gia kinh tế cho biết, tăng trưởng tín dụng 8 tháng đạt thấp, dù lãi suất cho vay đã giảm và ngân hàng đã có các chương trình tín dụng ưu đãi lớn như gói tín dụng 10.000 tỉ đồng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản, gói 120.000 tỉ đồng xây dựng nhà ở xã hội, gói hỗ trợ lãi suất 2%... nhưng số DN tiếp cận được còn thấp.
Có thể thấy độ trễ chính sách khá dài, chứng tỏ việc triển khai chính sách của bộ phận thực thi chưa đạt hiệu quả như mong đợi. Bên cạnh đó, tăng trưởng tín dụng thấp còn xuất phát từ phía DN, thị trường thấp điểm, sức khỏe DN chưa hồi phục sau các cú sốc đại dịch COVID-19; khi tỷ suất lợi nhuận thấp thì DN cũng không có nhu cầu vay vốn.
Vì vậy, theo TS Trần Hữu Hiệp, cần nâng cao năng lực của DN, nhất là DN nhỏ và vừa; đồng thời ngoài chính sách tín dụng hỗ trợ cần gói chính sách đồng bộ về xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường để tăng niềm tin kinh doanh cho DN.