27/09/2022 - 22:30

Toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ
Bài cuối: Quyết tâm diệt “giặc lửa” 

KIỀU CHINH - PHẠM TRUNG

Sự phát triển về kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng, việc sử dụng các nguồn năng lượng tiếp tục tăng mạnh, cộng thêm tình hình biến đổi khí hậu, nắng nóng, khô hạn kéo dài... làm tăng nguy cơ cháy, nổ. Ðiều đó đòi hỏi cơ quan chức năng cần phải tăng cường hơn nữa công tác quản lý Nhà nước; đồng thời thực hiện tốt các biện pháp hạn chế thấp nhất nguyên nhân, điều kiện phát sinh cháy nổ; đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ (CNCH).

Cán bộ, chiến sĩ kiểm tra, bảo quản, bảo dưỡng các phương tiện chữa cháy và CNCH. Ảnh: Công an TPCT cung cấp.

Khắc phục khó khăn, giảm thiểu thiệt hại

Năm 2021, thành phố xảy ra 19 vụ cháy, so với cùng kỳ năm trước giảm 19 vụ, không thiệt hại về người; cán bộ, chiến sĩ tham gia chữa cháy, CNCH 24 vụ. Từ tháng 8-2021 đến tháng 8-2022, thành phố xảy ra 14 vụ cháy, không thiệt hại về người; so với năm 2021, giảm 17 vụ. Lực lượng công an tham gia 18 vụ CNCH, hướng dẫn thoát nạn 70 người thoát ra khỏi đám cháy an toàn...

Bên cạnh những mặt đạt được, công tác PCCC và CNCH vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Trước hết, cấp ủy, chính quyền ở một số nơi chưa thực sự quan tâm và quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ PCCC; từng lúc từng nơi, nhận thức và chấp hành quy định pháp luật của người đứng đầu một số đơn vị chưa nghiêm túc, công tác tự phòng ngừa còn lơ là, thiếu kỹ năng xử lý các tình huống sự cố, tai nạn, nhiều cơ sở chưa đảm bảo yêu cầu về PCCC...

Khó khăn nữa là trang thiết bị, phương tiện chuyên dụng phục vụ việc chữa cháy, CNCH các loại, công trình đặc thù còn hạn chế. Hạ tầng giao thông phát triển chưa đồng bộ với sự phát triển của kinh tế, nhiều khu tập trung đông dân cư, chợ tạm, cơ sở nằm trong hẻm nhỏ, giao thông chưa đảm bảo cho công tác PCCC và CNCH... Theo ông Nguyễn Thái Bảo, Phó Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều, nhiều cơ sở chưa chú trọng trang bị hoặc chưa đầu tư đúng mức các thiết bị chữa cháy, CNCH, chất lượng các phương án CNCH chưa cao… UBND quận Ninh Kiều chỉ đạo Công an quận thường xuyên lập mới, bổ sung phương án PCCC và CNCH, tăng cường tổ chức thực tập, huấn luyện nghiệp vụ cho lực lượng cơ sở, phối hợp các đơn vị để nâng cao hiệu quả trong công tác chỉ huy, điều hành xử lý tình huống.

Bên cạnh đó, chế tài xử phạt vi phạm trong lĩnh vực PCCC chưa đủ mạnh, chưa bảo đảm tính răn đe. Việc xử phạt vi phạm nhiều nơi, nhiều lúc còn chưa nghiêm. Tại một số quận, huyện, công tác xây dựng phong trào “Toàn dân tham gia PCCC và CNCH” còn gặp khó khăn, lực lượng mỏng, thiếu trang thiết bị, phương tiện….

Theo Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an TP Cần Thơ, đối với những khu dân cư hình thành lâu đời, không có bố trí trụ nước, xe chữa cháy khó vào, dây điện gây cản trở… Vì vậy, lực lượng luôn dự trù phương án chữa cháy khi có sự cố. Về nguồn nước phục vụ công tác chữa cháy, tất cả các tuyến đường đô thị đều có trụ nước. Thành phố lắp đặt 1.624 trụ; 300 bể nước, 158 ao, hồ, kênh, mương, 34 bến lấy nước phục vụ công tác chữa cháy tại các khu đô thị, tuyến đường giao thông, khu chế xuất, khu công nghiệp... Hiện đã kiến nghị sửa chữa 147 trụ bị hư. Công an thành phố tăng cường các lớp huấn luyện nghiệp vụ lực lượng PCCC tại chỗ của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh trên địa bàn; hướng dẫn cách bảo quản, bảo dưỡng phương tiện, sử dụng những phương tiện chữa cháy tại chỗ, những kỹ năng thoát hiểm, biện pháp chữa cháy an toàn, hiệu quả khi có sự cố, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản.

Triển khai đồng bộ các giải pháp

Giữa tháng 9, lực lượng công an thành phố phối hợp kiểm tra an toàn PCCC tại Nhà hàng - Khách sạn - Karaoke T, ở phường Cái Khế, quận Ninh Kiều. Cơ sở này đang tiến hành sửa chữa cơ sở vật chất, nâng cấp hệ thống PCCC. Ðoàn hướng dẫn cơ sở tổ chức thực hiện các điều kiện đảm bảo an toàn PCCC; đồng thời khi đưa công trình vào hoạt động, cơ sở phải được nghiệm thu về PCCC của Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, đảm bảo các điều kiện an toàn về PCCC theo quy định của pháp luật.

Thời gian qua, UBND TP Cần Thơ chỉ đạo thực hiện công tác phối hợp tổ chức các chuyên đề kiểm tra an toàn về công tác PCCC và CNCH, an toàn lao động... nhất là đối với cơ sở tập trung đông người, như: trung tâm thương mại, siêu thị, tòa nhà cao tầng, trường học, nhà ở kết hợp kinh doanh, sản xuất; chú trọng các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn các nguyên nhân, điều kiện rủi ro xảy ra sự cố. Qua đó nhắc nhở các cơ sở trang bị phương tiện đảm bảo an toàn khi kinh doanh, chủ động phối hợp lực lượng chuyên nghiệp thực tập các phương án PCCC, nguồn nước, các trang thiết bị đảm bảo yêu cầu.

Ngày 8-9-2022, UBND TP Cần Thơ tiếp tục có công văn yêu cầu tăng cường công tác PCCC, bảo đảm an ninh trật tự tại các cơ sở kinh doanh karaoke. Ðồng thời, tổ chức tổng kiểm tra, rà soát hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke trên địa bàn, xử phạt nghiêm và kiên quyết thu hồi giấy phép, đình chỉ hoạt động của các cơ sở không đủ điều kiện về PCCC, đảm bảo an ninh trật tự. Ngay sau đó, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch thành phố phối hợp lực lượng công an tiến hành kiểm tra. Ða số các quán kinh doanh karaoke chấp hành tốt quy định pháp luật trong hoạt động kinh doanh, có bố trí lối thoát hiểm, hệ thống PCCC... Tuy nhiên, vẫn còn một số cơ sở chưa đấu nối hệ thống báo cháy với hệ thống âm thanh. Ðoàn kiểm tra cũng đã nhắc nhở việc tạo thông thoáng tại các lối đi, bổ sung một số thiết bị thoát hiểm khẩn cấp.

Từ khoảng giữa năm 2020 đến nay, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đã thẩm duyệt thiết kế đối với 764 công trình và hạng mục công trình; góp ý thiết kế PCCC 85 công trình và hạng mục công trình; khảo sát chấp thuận địa điểm xây dựng 206 công trình... Song song đó, tổ chức, thực hiện nghiêm công tác kiểm tra về PCCC, tiến hành kiểm tra an toàn PCCC định kỳ 7.864 cơ sở, lập 7.864 biên bản, có 14.337 kiến nghị về PCCC; hướng dẫn 17 cơ sở lập hồ sơ theo dõi, quản lý về PCCC theo quy định; lập biên bản vi phạm và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 68 trường hợp… Trong thực hiện cao điểm tuyên truyền, kiểm tra về PCCC đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh và triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn cháy lớn (từ tháng 4-2021 đến tháng 4-2022), lực lượng đã kiểm tra PCCC 272.270 hộ gia đình trên địa bàn, đạt 93,2%; hướng dẫn, kiến nghị gần 18.000 hộ gia đình mở lối thoát hiểm thứ 2…

Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an TP Cần Thơ kiểm tra công tác đảm bảo an toàn PCCC ở Tổng kho Xăng dầu Miền Tây. Ảnh: PHẠM TRUNG

Qua nghiên cứu, vận dụng các giải pháp bổ sung, tăng cường để đảm bảo an toàn về PCCC, HÐND thành phố ban hành Nghị quyết số 75/NQ-HÐND ngày 8-12-2021 Quy định việc xử lý các cơ sở không đảm bảo yêu cầu về PCCC trên địa bàn TP Cần Thơ được đưa vào sử dụng trước khi Luật PCCC số 27/2001/QH10 có hiệu lực (Nghị quyết số 75). Tiếp đó, UBND thành phố ban hành Kế hoạch số 07/KH-UBND ngày 12-01-2022 để thực hiện Nghị quyết số 75. UBND TP Cần Thơ có Công văn số 3424/UBND-NC ngày 20-8-2021 về việc xây dựng các nội dung liên quan đến hạ tầng phòng cháy và chữa cháy trong “Quy hoạch TP Cần Thơ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”, tập trung vào 4 vấn đề lớn: mạng lưới, trụ sở, doanh trại, công trình phục vụ PCCC; hệ thống cấp nước phục vụ PCCC; hệ thống giao thông phục vụ PCCC và hệ thống thông tin liên lạc phục vụ PCCC, góp phần tăng cường nguồn lực cho công tác PCCC của địa phương.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Thuận, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Giám đốc Công an TP Cần Thơ, Công an thành phố sẽ tăng cường công tác điều tra cơ bản, rà soát, nắm chắc địa bàn, phân loại cơ sở theo mức độ nguy hiểm cháy, nổ, để lập hồ sơ theo dõi, quản lý về PCCC, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền và xây dựng phong trào “Toàn dân tham gia PCCC và CNCH”. Tập trung xây dựng, củng cố, kiện toàn lực lượng, đổi mới biện pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác huấn luyện nghiệp vụ, khả năng phối hợp tác chiến, chỉ huy, điều hành trong công tác PCCC và CNCH, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Chia sẻ bài viết