22/06/2008 - 22:49

Tọa đàm về cách phiên âm Khmer – Việt

“Cách phiên âm Khmer – Việt và ngược lại” là chủ đề buổi tọa đàm do Chi hội Nghiên cứu Ngôn ngữ - Văn hóa (NCNN-VH) Khmer thuộc Hội Dân tộc học thành phố Hồ Chí Minh và Chi nhánh Trung tâm Bồi dưỡng Nghiệp vụ Thông tấn tại TP HCM phối hợp tổ chức, diễn ra sáng 22-6.

Bên cạnh việc tổng hợp ý kiến đóng góp cho các tài liệu, công trình sưu tầm, nghiên cứu liên quan đến ngôn ngữ Khmer của các hội viên, đông đảo các đại biểu là các vị sư sãi, Achar, giáo viên dạy tiếng Khmer và hội viên Chi hội NCNN-VH Khmer đã tập trung thảo luận xoay quanh vấn đề phiên âm tiếng Khmer bằng chữ Việt theo các đề mục: Phiên âm nguyên âm và phụ âm trong bảng chữ cái tiếng Khmer, phiên âm các phụ âm gởi chân, phụ âm ghép vần, phụ âm gởi chân ghép vần, các chữ chồng vần… Ông Nguyễn Hữu Nghiệp, Achar chùa Chantarăngsây (Quận 3, TP HCM), Chi hội phó Chi hội NCNN- VH Khmer, đã giới thiệu sơ lược lịch sử hình thành và phát triển của ngôn ngữ Khmer; trình bày phương pháp phiên âm Khmer – Việt trên cơ sở tập quán phiên âm lâu nay với nhiều phương thức phiên chuyển, nhằm đặt nền tảng để xác định phương pháp phiên âm khả dụng nhất, tiến tới xây dựng hệ thống phiên âm thống nhất, sử dụng trong các lớp dạy tiếng Khmer, cũng như công tác biên soạn, sưu tầm, nghiên cứu có liên quan đến hai ngôn ngữ Việt và Khmer.

Theo Ban tổ chức, đây chỉ là những tìm tòi mang tính đề xuất bước đầu, nhằm tiến tới tổ chức một hội thảo qui mô, tập hợp ý kiến đóng góp rộng rãi từ quí chư tăng thuộc hệ phái Phật giáo Tiểu thừa Nam tông Khmer, giới chuyên môn, đội ngũ các nhà giáo và trí thức Khmer Nam bộ.

HUỲNH HÀ

Chia sẻ bài viết