14/06/2024 - 09:41

Tổ nông dân vay vốn đồng hành phát triển "tam nông" 

Tạo điều kiện thuận lợi cho người dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn để phát triển sản xuất kinh doanh, Agribank Chi nhánh tỉnh Bạc Liêu phối hợp chặt chẽ với Hội Nông dân tỉnh đẩy mạnh cho vay qua tổ nông dân vay vốn, từ đó góp phần đưa vốn dòng vốn Agribank vào phục vụ phát triển  "tam nông"   thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bạc Liêu...

Ông Nguyễn Hoàng Thoại, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bạc Liêu (thứ 4 từ trái sang) và ông Dương Quốc Sử, Giám đốc Agribank Chi nhánh tỉnh Bạc Liêu (thứ tư từ phải sang) trao tặng bằng khen cho các tổ trưởng tổ nông dân có thành tích xuất sắc trong công tác phối hợp với Agribank nâng cao chất lượng tín dụng giai đoạn 2022-2023.

Phát huy hiệu quả sử dụng vốn

Theo Agribank Chi nhánh tỉnh Bạc Liêu, tính đến 30-4-2024, số lượng hộ vay vốn thông qua tổ tại Agribank chi nhánh tỉnh Bạc Liêu là 2.265 hộ, gồm 172 tổ vay vốn với dư nợ 165,1 tỉ đồng. Bình quân mỗi tổ vay vốn có 14 thành viên; dư nợ bình quân trên 1 tổ vay vốn là 960 triệu đồng; dư nợ bình quân trên 1 tổ viên là 73 triệu đồng. Ông Dương Quốc Sử, Giám đốc Agribank Chi nhánh tỉnh Bạc Liêu, chia sẻ: Trong giai đoạn 2022-2023, các đơn vị trực thuộc Agribank Chi nhánh tỉnh Bạc Liêu đã tích cực phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện cho vay thông qua tổ nông dân vay vốn, qua đó đã tạo điều kiện cho các hộ gia đình và cá nhân tiếp cận vốn một cách nhanh chóng và có hiệu quả, nhất là đối với các hộ gia đình và cá nhân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó góp phần đẩy lùi tệ nạn cho vay nặng lãi, tín dụng đen; hạn chế tình trạng bán non hàng hóa, nông sản ở khu vực nông thôn đồng thời giúp cho các hộ nông dân học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau nhằm nâng cao hiệu quả trong sản xuất kinh doanh.

Việc cho vay qua tổ giúp cho khách hàng tiết giảm được chi phí, thời gian đi lại. Hồ sơ được hướng dẫn thông qua tổ trưởng nên khách hàng yên tâm hơn khi vay qua tổ vay vốn... Thông qua việc cho vay qua tổ, áp lực công việc của cán bộ quản lý địa bàn giảm đáng kể qua đó có nhiều thời gian hơn trong việc phát triển, chăm sóc khách hàng cũng như tư vấn khách hàng sử dụng các sản phẩm dịch vụ tiện ích của Agribank như thẻ Nông nghiệp nông thôn, thẻ Lộc Việt (có thể thấu chi đến 30 triệu đồng), thanh toán tiền học phí cho con, em; trả tiền điện, tiền nước, viễn thông, thanh toán hàng hóa dịch vụ,.. thông qua ứng dụng Agribank Plus, qua mã QR tại các điểm chợ xã, phường, thị trấn... mà không cần phải đến trực tiếp tại ngân hàng để giao dịch từ đó tạo thuận lợi hơn cho khách hàng, tiết kiệm được chi phí và thời gian khi thực hiện thanh toán giao dịch với ngân hàng.

Theo ông Huỳnh Thanh Tợn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phong Thạnh Tây A, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu, tiềm năng kinh tế của xã Phong Thạnh Tây A chủ yếu là nuôi trồng thủy sản và mở rộng 50% diện tích sạ lúa trên đất tôm kết hợp chăn nuôi và mua bán nhỏ. Toàn xã có 6 tổ vay vốn do Hội Nông dân quản lý với 90 hộ nông dân vay vốn, số tiền vay qua tổ hơn 9 tỉ đồng, tỷ lệ thu lãi trên 98%. Từ các nguồn vốn nhận ủy thác, nhiều năm qua số hộ nông dân khá, giàu tăng lên. Nguồn vốn vay đã giúp hộ nông dân nghèo biết cách tổ chức sản xuất kinh doanh và sử dụng đồng vốn vay có hiệu quả, nâng cao thu nhập cho hội viên, giúp hộ hội viên nghèo thoát nghèo; góp phần đáng kể vào việc thực hiện tiêu chí giảm hộ nghèo trong xây dựng nông thôn mới của xã. Một số mô hình đạt hiệu quả cao nhờ sử dụng nguồn vốn từ Agribank như mô hình nuôi dê, nuôi chồn hương, nuôi rắn... Nhờ sự nỗ lực, chủ động phối hợp giữa Agribank cấp huyện với Hội Nông dân xã, các hoạt động tín dụng đã góp phần nâng vai trò, uy tín của tổ chức hội; tập hợp, thu hút hộ nông dân tham gia vào tổ chức hội. Các mô hình, dự án góp phần thúc đẩy các phong trào của hội phát triển ngày càng sâu rộng, nhất là phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững.

Chung tay đưa vốn đến nông dân

Ngoài sự kiểm tra, giám sát của ngân hàng, vốn vay còn được tổ trưởng, tổ phó tổ vay vốn theo dõi, giám sát từ đó cơ bản tiền vay được khách hàng sử dụng đúng mục đích, việc đôn đốc thu nợ gốc, lãi được thường xuyên hơn, góp phần đảm bảo an toàn vốn vay. Theo ông Lê Chí Cường, Tổ trưởng tổ nông dân ấp 1, xã Tân Phong, thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu, thời gian qua, Hội Nông dân xã thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở tổ vay vốn kịp thời thông báo nộp lãi đúng phân kỳ và trả nợ gốc khi đến hạn của hộ vay. Hộ vay vốn luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm của mình trong việc nộp lãi đúng phân kỳ và trả nợ gốc khi đến hạn. Công tác giám sát việc sử dụng vốn của hộ vay cũng được quan tâm thực hiện tốt, đảm bảo hộ vay sử dụng vốn vay đúng mục đích. Để nâng cao chất lượng tín dụng trong thời gian tới, các cấp Hội Nông dân sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cán bộ tín dụng ngân hàng tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về cơ chế chính sách cho vay đến từng khách hàng vay vốn để nắm và thực hiện đúng quy định. Phân loại khách hàng để thực hiện cho vay phù hợp với khả năng trả nợ của khách hàng, từ đó hạn chế phát sinh nợ xấu; kịp thời thông báo đến hộ vay vốn nộp lãi theo phân kỳ và trả nợ gốc khi đến hạn. Đồng thời, tăng cường giám sát việc sử dụng vốn của hộ vay, bảo đảm vốn vay sử dụng đúng mục đích.

Theo ông Lê Minh Hướng, Tổ trưởng tổ Nông dân Thị trấn Ngan Dừa, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu, thời gian tới, tổ sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cán bộ tín dụng phụ trách địa bàn đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; làm tốt công tác cho vay, quản lý tổ viên vay vốn, thu hồi nợ, đặc biệt là không để nợ xấu phát sinh. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng các mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, tạo điều kiện để hộ dân mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, bám sát các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, các chương trình kinh tế - xã hội trọng tâm của địa phương để cho hộ dân tiếp cận nguồn vốn vay sát với nhu cầu thực tế. Hướng dẫn người dân xây dựng các phương án sản xuất kinh doanh để dễ dàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng; kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc của người dân trong việc vay vốn. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đảm bảo nguồn vốn tín dụng được sử dụng hiệu quả.

Theo ông Nguyễn Hoàng Thoại, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bạc Liêu, thời gian tới Hội Nông dân các cấp sẽ tích cực đưa ra các giải pháp phối hợp với Agribanh tỉnh Bạc Liêu, các chi nhánh, phòng giao dịch trên địa bàn để giúp hội viên nông dân kịp thời tiếp cận được nguồn vốn tín dụng từ Agribank thuận lợi hơn và rộng khắp hơn để đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh. Đồng thời, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức hội, tạo sự đoàn kết, tập hợp hội viên nông dân. Hội Nông dân tỉnh mong muốn Agribank tiếp tục có thêm nhiều chương trình tín dụng ưu đãi, thủ tục thông thoáng để hội viên nông dân kịp thời tiếp cận trong thời gian tới. Qua đó góp phần hỗ trợ hội viên phát triển sản xuất, kinh doanh, giải quyết bài toán tăng thu nhập cho người dân nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới.

PHAN BÁ - MINH HUYỀN

 

Chia sẻ bài viết