08/12/2014 - 20:24

Tổ hợp tác An Bình đi lên từ nấm linh chi

Vĩnh Thạnh là một huyện ngoại thành của TP Cần Thơ. Đến đây, người ta như lạc bước vào thế giới kinh rạch. Chính những dòng kinh lớn nhỏ này đã tưới tắm đất đai mảnh đất nơi đây ngày càng tươi nhuận. Nhờ đó mà nông nghiệp địa phương khá phát triển. Ngoài cây lúa, Vĩnh Thạnh còn có cây màu, cây công nghiệp ngắn ngày, chăn nuôi, thủy sản… Trong nhiều loại hình nông nghiệp của huyện, lặng lẽ và chìm khuất trong sâu những con đường, những chiếc cầu bê tông xa hút, ở tận xã Thạnh Tiến, có một tổ hợp tác trồng nấm. Đó là Tổ hợp tác nấm linh chi An Bình.

Như bao người khác trong xã, ông Nguyễn Hữu Kiên là người làm ruộng. Cày sâu cuốc bẩm nhiều năm liền, có một số vốn kha khá, ông tính đến việc tìm kiếm sản phẩm để đầu tư sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Được sự góp ý của ông Hoàng Văn Tuyên, ông Kiên quyết chí bỏ tiền thành lập tổ hợp tác trồng nấm bào ngư. Để công việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng một cách an toàn, ông Tuyên nhờ ông Kiên – người có kiến thức khá rộng – đi nhiều nơi tìm hiểu việc cấy trồng nấm bào ngư khi nó đang là một mặt hàng "nóng". Nắm được kỹ thuật trồng nấm bào ngư, ông Tuyên và ông Kiên vận động được 7 tổ viên tham gia vào tổ hợp tác, bắt đầu hoạt động vào đầu năm 2012 với 10.000 phôi (bịch) trong một nhà xưởng nhỏ bé. Gần cuối năm 2013, tổ hợp chuyển sang trồng nấm mèo. Kết quả cho thấy cả hai loại nấm đều đạt năng suất cao, mang lại lợi nhuận cho bà con tổ hợp tác gấp 20 lần trồng lúa.

Ông Nguyễn Hữu Kiên bên giàn nấm linh chi sắp đến kỳ thu hoạch.

Đặc điểm "khó tính" của việc trồng nấm bào ngư và nấm mèo là phải hái nhiều lần, liên tục, phải làm sạch mới bán được. Việc đưa nấm ra thị trường là vấn đề khó giải quyết vì nơi trồng nấm tọa lạc ở vùng sâu vùng xa, vận chuyển sản phẩm đến người mua nhỏ lẻ rất vất vả, tốn kém; đầu vào và đầu ra bị lệ thuộc, ảnh hưởng đến năng suất, lợi nhuận… Nhận thức được điều đó, cái khó ló cái khôn, nắm bắt thị trường đang nổi lên về nấm linh chi, rất "có ăn", tổ hợp liền chuyển sang mặt hàng nấm. Trong năm 2012, ông Tuyên khăn gói lên Trung tâm Công nghệ sinh học TP Hồ Chí Minh theo học Khoa Sinh học.Đây là một trung tâm nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học hiện đại có tầm cỡ khu vực. Là nơi chuyển giao công nghệ sinh học phục vụ trong lĩnh vực nông nghiệp, xử lý môi trường, công nghiệp thực phẩm và y dược học: đào tạo, huấn luyện các kỹ thuật viên về công nghệ sinh học… Cuối năm 2012, ông Kiên nắm giữ nhiều bí quyết về khoa học kỹ thuật trong việc sản xuất nấm linh chi.

Để có nấm linh chi chất lượng cao đòi hỏi cấy trồng theo quy trình khép kín. Nhà ủ nấm phải đảm bảo yêu cầu kỹ thuật cao. Phải có nồi hơi, nhiều loại kệ, màn phủ kín bao quanh… Việc tưới nước cũng là một khâu quan trọng. Khi bắt tay trồng nấm bào ngư và nấm mèo, tổ hợp đã áp dụng biện pháp máy phun sương. Cũng là máy phun sương được gắn dài theo từng dãy kệ trong nhà trồng, nhưng với nấm linh chi nó đòi hỏi phải tưới với một kỹ thuật đặc biệt. Tưới ít hoặc nhiều đều khiến nấm mất giá trị. Để có nấm linh chi sạch đáp ứng yêu cầu khắt khe của đối tác thu mua, đòi hỏi nó phải được cấy trồng trong môi trường sạch, nước tưới sạch… Cấy trồng từ 65 đến 90 ngày thì hái đợt 1. Sáu tháng sau hái những đợt kế tiếp.

Nấm linh chi có các nhóm: xích chi, hoàng chi, thanh chi, bạch chi, hắc chi, tử chi. Mỗi nhóm có đến 260 loài. Do tác dụng hiệu quả trị nhiều chứng bệnh nên nấm linh chi trong thiên nhiên rất quý hiếm. Thay vào đó là nấm linh chi sản xuất theo công nghệ sinh học theo quy trình khép kín. Mỗi năm, Tổ hợp tác An Bình sản xuất gần 10 tấn linh chi khô, là xích chi, giống Nhật Bản. Linh chi chỉ có giá trị khi còn bào tử nên việc tưới nước đòi hỏi công phu. Bào tử linh chi là phấn bám bên trên tai nấm. Nếu bào tử bị nước tưới làm trôi đi thì tai nấm chỉ có tác dụng dược liệu rất ít. Việc tưới nước đã khó, việc phơi nấm càng khó hơn, tuy nhiên sấy nấm là tốt hơn cả. Riêng muốn sản xuất đơn thuần bào tử linh chi thì việc tưới nước và thu hoạch cực kỳ khó khăn. Hằng tháng, Tổ hợp tác An Bình cung ứng nấm linh chi khô cho các công ty khách hàng với giá dao động 500.000 đồng/kg. Giá bán lẻ từ 1 triệu đồng đến 2,5 triệu đồng/kg.

Đi lên từ một tổ hợp tác sản xuất nấm bào ngư, nấm mèo với 7 thành viên, nhà xưởng nhỏ bé, đến nay, Tổ hợp tác An Bình đã tọa lạc trên tổng diện tích 5.000m2 với 18 tổ viên. Các tổ viên đều làm ăn khá giả trông thấy.Tuy sử dụng máy móc phần lớn với quy trình khép kín, đầu tư trang thiết bị trên 1 tỉ đồng, nhưng Tổ hợp tác vẫn sử dụng 20 nhân công trong những công việc cần thiết. Ông Nguyễn Hữu Kiên, tổ trưởng Tổ hợp tác An Bình chia sẻ trong tương lai sẽ mở rộng cơ xưởng, phát triển thành hợp tác xã để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm của khách hàng.

Bài, ảnh: CÁT LỘC

Chia sẻ bài viết