07/01/2008 - 17:11

Tỉnh Tiền Giang

I. LỊCH SỬ HÌNH THÀNH ĐỊA GIỚI HÀNH CHÍNH

1.THỜI KHẨN HOANG

Năm 1790, sau khi thu phục được vùng đất Gia Định, Nguyễn Ánh ban hành hai quy chế thiết lập thôn xã. Ở Tiền Giang, đơn vị hành chính cơ sở không có xã, mà chỉ có thôn, ấp, phường. Đến cuối thế kỷ XVIII, hệ thống thôn ấp ở vùng Mỹ Tho- Gò Công đã được hình thành và đi vào ổn định, có tác dụng tích cực trong việc tiếp tục đẩy mạnh tốc độ khai hoang và sự phát triển kinh tế – xã hội cho địa phương.

 

2. GIAI ĐOẠN 1863 – 1945:

Năm 1867, sau khi thực dân Pháp chiếm ba tỉnh còn lại ở miền Tây Nam Kỳ, Pháp chia Nam Kỳ ra nhiều hạt thanh tra. Sau đó, các hạt Thanh tra đổi thành hạt Tham Biện, dân thường gọi là Tòa Bố. Khu vực Mỹ Tho có 4 hạt Tham biện: Chợ Lớn, Tân An, Gò Công và Mỹ Tho. Năm 1900, Pháp đổi các hạt Tham biện thành tỉnh. theo đó, Gò Công và Mỹ Tho là hai tỉnh riêng biệt. Tỉnh Gò Công có 4 tổng. Tỉnh Mỹ Tho có 3 Trung tâm hành chánh và 15 tổng. Từ năm 1904 đến 1913 chính quyền Pháp thành lập cấp quận làm trung gian giữa tỉnh và tổng huyện. Theo đó quận Cai Lậy; quận Châu Thành; quận Cái Bè; quận An Hóa; Quận Bến Tranh lần lượt được thành lập.

3. GIAI ĐOẠN 1945-1975

Sau cách mạng tháng 8/1945, Hội đồng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra quyết nghị: các thành phố, các tỉnh và các phủ huyện trong khắp nước Việt Nam vẫn giữ tên cũ. Tiền Giang bấy giờ có hai tỉnh: Mỹ Tho và Gò Công. Huyện An Hóa được tách khỏi tỉnh Mỹ Tho nhập về tỉnh Bến Tre. Năm 1951, Ủy ban Kháng chiến Hành chánh Nam bộ ra Quyết định sáp nhập 3 tỉnh: Mỹ Tho, Tân An, Gò Công thành tỉnh Mỹ Tho, trong nhân dân có nơi gọi là Tân Mỹ Gò. Sau 1954, ta nhập 2 tỉnh Gò Công và Mỹ Tho thành tỉnh Mỹ Tho với các huyện: Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành, Chợ Gạo, Gò Công. Cuối năm 1967, thị xã Mỹ Tho được nâng lên thành thành phố Mỹ Tho, trực thuộc Khu 8. Tháng 8 năm 1968, quận Gò Công được tách khỏi tỉnh Mỹ Tho để lập lại tỉnh Gò Công, lập lại 3 đơn vị tương đương nhau như trước là tỉnh Mỹ Tho, tỉnh Gò Công và thành phố Mỹ Tho. Ba đơn vị này tồn tại đến ngày 30-4-1975 thì hợp nhất lại thành tỉnh Tiền Giang.

II.VỊ TRÍ ĐỊA LÝ:

Tiền Giang nằm trong tọa độ 105050’ – 106o45’ độ kinh Đông và 10o35’ - 10o12’ độ vĩ Bắc. Phía Bắc và Đông Bắc giáp Long An và TP. Hồ Chí Minh, phía Tây giáp Đồng Tháp, phía Nam giáp Bến Tre và Vĩnh Long, phía Đông giáp biển Đông. Tiền Giang nằm trải dọc trên bờ Bắc sông Tiền ( một nhánh của sông Mê Kông) với chiều dài 120 km

III. DÂN SỐ TRUNG BÌNH (Đvt: nghìn người)

-Năm 2001:1635,7 trong đó, nam: 791,9; nữ: 843,8; thành thị: 225,8; nông thôn: 1409,9.

-Năm 2002:1649,3 trong đó, nam: 798,5; nữ: 850,8; thành thị: 231,1; nông thôn: 1418,2.

-Năm 2003:1660,2 trong đó, nam: 804,4; nữ: 855,8; thành thị: 229,6; nông thôn:1430,6.

-Năm 2004:1681,6 trong đó, nam: 816,3; nữ: 865,2; thành thị: 248,8; nông thôn: 1432,7.

-Năm 2005:1698,9 trong đó, nam: 823,3; nữ: 875,6; thành thị: 255,1; nông thôn: 1443,8

-Năm 2006(*): 1717,4 trong đó, nam: 833,8; nữ: 883,6; thành thị: 256,0; nông thôn: 1461,4.

IV. ĐẶC ĐIỂM TỰ NHIÊN:

-Địa hình: Tỉnh có địa hình bằng phẳng, với độ dốc nhỏ hơn 1% và cao trình biến thiên từ 0m đến 1,6m so với mặt nước biển, phổ biến từ 0,8m đến 1,1m. Nhìn chung, toàn vùng không có hướng dốc rõ ràng, tuy nhiên có những khu vực có tiểu địa hình thấp trũng hay gò cao hơn so với địa hình chung.

-Đất đai: Tổng quỹ đất tự nhiên của tỉnh là 236.663ha, trong đó: Nhóm đất phù sa: 125.431 ha; Nhóm đất mặn: 34.552ha; Nhóm đất phèn: 45.912ha. Nhóm đất cát giồng: 7.336ha, phân bổ rải rác ở các huyện Cai Lậy, Châu Thành, Gò Công Tây và tập trung nhiều nhất ở huyện Gò Công Đông .

-Sông ngòi: Sông Tiền: 115km chảy qua địa phận Tiền Giang; Sông Vàm Cỏ Tây: là nơi nhận nước tiêu lũ từ Đồng Tháp Mười thoát ra và là 1 tuyến xâm nhập mặn chính. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có một số sông, rạch nhỏ thuộc lưu vực sông Tiền và sông Vàm Cỏ Tây như Cái Cối, Cái Bè, Ba Rài, Trà Tân, Phú Phong, Rạch Gầm, Bảo Định, Kỳ Hôn, Vàm Giồng, Long Uông, Gò Công, sông Trà v.v...

-Chế độ thuỷ văn: chịu ảnh hưởng chế độ bán nhật triều không đều. Đặc biệt vùng cửa sông có hoạt động thủy triều rất mạnh, biên độ triều tại các cửa sông từ 3,5 - 3,6m, tốc độ truyền triều 30km/h.

-Biển: Tiền Giang có huyện Gò Công Đông giáp biển Đông với bờ biển dài 32km nằm kẹp giữa các cửa sông lớn là Xoài Rạp (sông Vàm Cỏ) và cửa Tiểu, cửa Đại (sông Tiền). Chế độ thủy triều khu vực biển Gò Công Đông chịu ảnh hưởng trực tiếp của thủy triều biển Đông.

V. TIỀM NĂNG DU LỊCH VÀ TÀI NGUYÊN KHOÁNG SẢN:

A. TIỀM NĂNG DU LỊCH

1. Địa danh du lịch:

-Khu du lịch Thới Sơn: thuộc cù lao Thới Sơn rộng 1.100 ha.

-Chợ nổi Cái Bè: xuất hiện trong sự hình thành một thị trấn nhỏ bên dòng sông Tiền. Hàng ngày, có khoảng 400 đến 500 thuyền đầy ắp các loại trái cây neo dọc hai bên sông chờ thương lái đến cất hàng. Nằm về phía hữu ngạn chợ nổi Cái Bè là cù lao Tân Phong được hợp thành bởi 6 hòn đảo có tổng diện tích 2.430 ha.

-Khu du lịch Biển Tân Thành: thuộc huyện Gò Công Đông. Nơi đây có bãi cát dài 7km, nhìn ra biển là khu du lịch Cồn Ngang cách bờ khoảng 1 giờ đi đò máy, đang được đầu tư trở thành khu du lịch với nhiều dịch vụ.

-Trại rắn Đồng Tâm: Cách Mỹ Tho 12km là một trung tâm nuôi rắn lấy nọc xuất khẩu, kết hợp trồng nhiều loại cây dược liệu và nghiên cứu điều trị rắn cắn cho nhân dân vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.

-Vùng Đồng Tháp Mười: Nông trường khóm Tân Lập ở vùng Đồng Tháp Mười chính là thành quả lao động của những người nông dân cần mẫn trên mãnh đất chua phèn. Đến đây, du khách sẽ được hưởng  hương vị đậm đà của sản vật Đồng Tháp Mười, thấy cảnh hoang sơ của những cánh rừng - địa danh đã đi vào lịch sử Việt Nam qua bao cuộc đấu tranh giữ nước.

-Cầu Mỹ Thuận: khánh thành ngày 21/5/2000 với tổng chiều dài 1.535m, hai cầu dẫn mỗi bên 11 nhịp, mặt cầu rộng 24m. Không chỉ đóng vai trò là cầu nối giữa hai tỉnh Tiền Giang - Vĩnh Long, cầu Mỹ Thuận còn mang nét tuyệt vời về thẩm mỹ, thu hút khách du lịch ở mọi miền.

-Những làng nghề: Nghề làm mắm tôm chà ở Gò Công mang hương vị đặc trưng của quê biển Gò Công; Làng nghề thủ công mỹ nghệ: chủ yếu là nghề đóng tủ thờ ở Gò Công.

2. Địa danh Di tích Lịch sử Văn hóa:

a. Địa danh di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia :

-Di tích Gò thành: thuộc ấp Tân Thành, xã Tân Thuận Bình, huyện Chợ Gạo. Gò Thành là di tích thuộc nền văn hoá Óc-Eo.

-Mộ Thủ Khoa Huân: đặt tại xã Hòa Tịnh, huyện Chợ Gạo, được công nhận di tích quốc gia năm 1987.

-Lũy Pháo Đài: thuộc ấp Pháo Đài, xã Phú Tân, huyện Gò Công Đông, được công nhận di tích quốc gia năm 1987

-Lăng Tứ Kiệt: thuộc thị trấn Cai Lậy, huyện Cai Lậy. Lăng Tứ Kiệt bao gồm Mộ và đền thờ bốn vị tiền bối yêu nước Long - Rộng - Thận - Đước đã lãnh đạo nhân dân và nghĩa quân đứng lên chống thực dân Pháp vào những thập niên cuối của thế kỷ 19 ở vùng Cai Lậy, Cái Bè .

-Lăng Trương Định: Khu di tích gồm lăng, đền thờ và tượng đài anh hùng dân tộc Trương Định, tọa lạc phường I, thị xã Gò Công.

-Lăng hoàng gia: thuộc xã Long Hưng, thị xã Gò Công. Bao gồm đền thờ và mộ Phạm Đăng Hưng. Dòng họ Phạm Đăng là một trong ba dòng họ có công khai phá vùng Gò Công từ thế kỷ 17.

-Nhà Đốc Phú Hải: tọa lạc phường I, thị xã Gò Công. Đây là 1 công trình kiến trúc nghệ thuật được xây dựng cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, có giá trị cao về mặt lịch sử và nghệ thuật.

-Đình Long Trung: thuộc xã Long Trung, huyện Cai Lậy. Đình do dân làng lập vào khoảng cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19 để thờ cúng các vị Thành Hoàng mà họ tín ngưỡng cùng những người có công khai khẩn đất hoang lập làng.

- Đình Long Hưng: Tọa lạc tại ấp Long Thạnh, xã Long Hưng, huyện Châu Thành. Đình được xây dựng cách đây hơn 160 năm, Đình Long Hưng là nơi Ủy ban khởi nghĩa Nam Kỳ chọn làm Tổng hành dinh, trụ sở của Ủy ban khởi nghĩa tỉnh Mỹ Tho. Tại đây, lá cờ đỏ sao vàng năm cánh được treo cùng cờ búa liềm đã tung bay phất phới ngày 23 - 11 -1940. Năm 1930, Long Hưng là xã đầu tiên có Chi bộ Đảng ở Tiền Giang. Khu di tích đình Long Hưng được khánh thành năm 2005. Kỷ niệm ngày Nam Kỳ khởi nghĩa (23 tháng 11 hàng năm) được xem là ngày hội lớn nhất Long Hưng.

-Chùa Bửu Lâm: tọa lạc phường 3, TP Mỹ Tho là một công trình kiến trúc cổ tiêu biểu nhất thế kỷ 19 ở đồng bằng sông Cửu Long.Về mặt lịch sử, chùa còn là cơ sở cách mạng vững chắc của Thị ủy Mỹ Tho trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Chùa được công nhận di tích quốc gia, năm 1999.

-Di tích kiến trúc nghệ thuật chùa Vĩnh Tràng: tọa lạc ấp Mỹ An, xã Mỹ Phong, TP Mỹ Tho, chùa được lập vào năm 1849. Chùa được xây dựng pha hòa nét kiến trúc cả Âu lẫn Á. Chùa Vĩnh Tràng còn là nơi viếng cảnh của du khách phương xa, nhất là những phái đoàn nước ngoài một khi đến Tiền Giang.

-Chiến thắng Giồng Dứa: xã Long Định, huyện Châu Thành là di tích lịch sử cách mạng thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta giai đoạn 1945 – 1954.

-Chiến thắng Cổ Cò: Quốc lộ I, xã An Thái Đông, huyện Châu Thành. Đây là nơi diễn ra trận phục kích ngày 22/01/1947 của chi đội 17 Quốc vệ đội Mỹ Tho và chi đội 18 đại đội Trường Quân chính Khu 8 cùng du kích huyện Cái Bè đánh tiểu đoàn Leon cơ giới Pháp trên đường số 4, đoạn từ cầu Bà Tồn đến cách Mỹ Thuận 1km, chủ yếu ở khu vực Cổ Co, góp phần chặn đứng âm mưu bình định nông thôn Nam Bộ của địch.

-Di tích cách mạng chiến thắng Ap Bắc: Ấp Bắc thuộc xã Tân Phú, huyện Cai Lậy, nơi diễn ra trận đánh lịch sử, bẻ gãy các chiến thuật trực thăng vận, thiết xa vận của Mỹ vào ngày 2-1-1963, Báo hiệu sự sụp đổ của chiến lược "Chiến tranh đặc biệt" mà Mỹ áp dụng trong chiến tranh xâm lược Việt Nam. Hàng năm vào ngày 2 / 1, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương long trọng tổ chức lễ kỷ niệm tại khu di tích này.

-Bến đò Phú Mỹ: ấp Phú Hữu, xã Phú Mỹ, huyện Tân Phước.Tại đây trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1947 - 1949) ghi dấu những tội ác dã man của thực dân Pháp đối với cán bộ chiến sĩ và nhân dân ta.

- Khu di tích Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút: diện tích 1,5 ha tọa lạc tại ấp Đông, xã Kim Sơn, huyện Châu Thành, di tích đã được đưa vào sử dụng  vào ngày 20/ 1/ 2005 nhân kỷ niệm 220 năm ngày chiến thắng Rạch Gầm - Xoài

B. Danh mục địa danh di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh

Huyện Cái Bè :

-Chiến thắng Á Rặt, xã Mỹ Thiện; Căn cứ bộ chỉ huy tỉnh đội Mỹ Tho, xã Hậu Mỹ Phú; Chiến thắng Đập Ông Tải, xã Hậu Mỹ Trinh; Chùa Bà Cạn (nơi giặc thảm sát dân), xã An Thái Trung; Kinh Hai Hạt (nơi giặc thảm sát dân), xã Hậu Mỹ Bắc B; Chiến thắng Thẻ 23, xã Hội Cư; Phủ Thờ Hồ Chủ Tịch xã Thạnh Hưng; Đình Ông Lữ: ấp Mỹ Hưng A, Nhà ông Trần Văn Bính, xã Đông Hòa Hiệp; Kiến trúc nghệ thuật đình Hòa Lộc xã Hòa Hưng; Kiến trúc nghệ thuật đình Mỹ Lương ấp Lương Nhơn, xã Mỹ Lương.

Huyện Cai Lậy:

-Địa điểm khảo cổ chùa Trường Tháp, xã Mỹ Thành Bắc; Vịnh Bà Thu, xã Tân Bình; Nơi treo cờ Đảng 1930, khu Phố Chợ, thị trấn; Căn cứ bộ chỉ huy quân sự tỉnh Mỹ Tho, xã Tân Phú; Mộ ông Lân – ông Tiếp, xã Tân Phú; Căn cứ Tỉnh ủy Mỹ Tho, xã Long Tiên; Đình Long Khánh, xã Long Khánh; Chùa Kim Tiên, thị Trấn Cai Lậy; Địa điểm khảo cổ Chùa Bửu Tháp, xã Tân Hội; Chiến thắng Ba Rài ấp 4, xã Cẩm Sơn.

Huyện Châu Thành:

-Gò Huyện ủy, thị Trấn Tân Hiệp; Địa điểm khảo cổ chùa Cây Ké, xã Thân Cửu Nghĩa; Địa điểm khảo cổ Kim Thạch Bửu Tự, xã Tân Lý Tây; Địa điểm khảo cổ Gò Lũy, xã Nhị Bình; Gò Me: xã Long Hưng; Ngã ba Đông Hòa (ngã ba Chim Chim) Quốc Lộ I, Xã Đông Hòa; Nhà ông Trần Đình Túy (nơi Bác Tôn Đức Thắng hoạt động cách mạng), xã Vĩnh Kim; Chợ Giữa Vĩnh Kim, xã Vĩnh Kim; Chiến thắng Giồng Dứa xã Long Định; Mộ Phan Hiến Đạo xã Vĩnh Kim; Chùa Phước Lâm xã Thân Cửu Nghĩa; Đình Tân Hiệp thị trấn Tân Hiệp; Chùa Linh Phong thị trấn Tân Hiệp; Chùa Sắc Tứ xã Thạnh Phú; Đình Dương Hòa xã Tân Hòa Thành; Trận Gò Cây (Cặp Rằn Núi) xã Tân Hòa Tây, Bia lưu niệm kháng chiến chống Mỹ xã Mỹ Phước; Đình Phú Mỹ xã Phú Mỹ; Nhà bà Năm Dẹm xã Tân Hương.

TP Mỹ Tho

-Căn cứ Tỉnh ủy Mỹ Tho xã Đạo Thạnh; Đài tưởng niệm Chiến thắng Tết Mậu Thân 1968 phường 4; Căn cứ thành đội Mỹ Tho xã Đạo Thạnh; Trường Nguyễn Đình Chiểu Phường 1; Khám đường Mỹ Tho Phường 1; Đình Điều Hòa Phường 2; Tượng đài Thủ Khoa Huân phường 1;

Huyện Chợ Gạo:

-Địa điểm khảo cổ chùa Bà Kết, xã Bình Phan; Địa điểm khảo cổ Giồng Dài, xã Thanh Bình; Nơi Thủ Khoa Huân bị xử trảm, xã Mỹ Tịnh An; Bia kỷ niệm đào sông Bảo Định xã Phú Kiết; Mộ Âu Dương Lân, xã Phú Kiết; Nơi giặc gây tội ác xã Bình Ninh; Địa điểm Bảy dũng sĩ Xóm Ao, xã Thanh Bình; Miễu Điền xã Mỹ Tịnh An.

Huyện Gò Công Tây:

-Chiến thắng Đồng Sơn, xã Đồng Sơn; Căn cứ tỉnh đội Gò Công xã Đồng Sơn; Chùa Ông Lão, thị trấn Vĩnh Bình; Mộ và Đập Ông Chưởng, xã Bình Tân; Đài chiến sĩ xã Long Vĩnh; Đình Đồng Thanh xã Đồng Thạnh; Khu căn cứ cách mạng Vĩnh Hựu xã Vĩnh Hựu, Mộ Ông Huê thị Trấn Vĩnh Bình; Bia lưu niệm ấp Trí Đồ, xã Bình Đông.

Thị Xã Gò Công:

-Cơ sở cách mạng phường1; Bia kỷ niệm phá khám đường 1968, phường1; Đài chiến sĩ phường1; Tượng đài Trương Định phường 2.

Huyện Gò Công Đông; Ao Dinh, xã Tân Phước; Mộ nghĩa quân Trương Định, xã Tân Phước; Đền thờ Trương Định, xã Gia Thuận; Lũy trại cá, thị trấn Tân Hòa; Chiến thắng Xõm Gò, thị trấn Tân Hòa; Căn cứ Tỉnh ủy Gò Công, xã Bình Xuân; Mộ Trương Công Luận, thị Trấn Tân Hòa; Mộ Nguyễn Ngọc Chấn, xã Tân Tây; Lăng Ông Nam Hải, xã Vàm Láng; Mộ đá ong, xã Tân Tây; Đền thờ Võ Tánh ấp Gò Tre, xã Long Thuận; Kiến trúc nghệ thuật Đình Trung, phường 1.

3. LỄ HỘI

-Lễ hội Kỳ Yên: Diễn ra từ ngày 14 đến ngày 16 tháng chạp (âm lịch) hàng năm tại Đình Vĩnh Bình, thuộc thị trấn Vĩnh Bình huyện Gò Công Tây.

-Lễ hội Nghinh Ông: diễn ra từ ngày 9 đến ngày 10 tháng ba (âm lịch) hàng năm tại lăng ông Nam Hải, thuộc ấp Lăng xã Vàm Láng, huyện Gò Công Đông.

-Lễ hội Chiến thắng Ấp Bắc: ngày 2-1 dương lịch hàng năm tại di tích Ấp Bắc, xã Tân Phú, huyện Cai Lậy.

-Lễ hội Nam Kỳ Khởi nghĩa (ngày 23 tháng11 dương lịch hàng năm), tại đình Long Hưng, huyện Châu Thành.

-Lễ giỗ Anh hùng dân tộc Trương Định (ngày 20 tháng 8 dương lịch hàng năm): Tổ chức tại Đền thờ Trương Định (tại thị xã Gò Công), đình Gia Thuận, huyện Gò Công Đông với qui mô lớn, khách nhiều tỉnh hàng năm đều về dự lễ. Ở thị xã Gò Công có thêm lễ rước linh và dâng hoa tại tượng đài anh hùng dân tộc Trương Định.

-Lễ giỗ Anh hùng dân tộc Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân (rằm tháng tư âm lịch hàng năm): Lễ giỗ được tổ chức tại Đền thờ Nguyễn Hữu Huân, thuộc xã Hòa Tịnh, huyện Chợ Gạo.

-Lễ giỗ Tứ Kiệt (25 tháng chạp âm lịch hàng năm): tứ Kiệt là 4 vị anh hùng: Nguyễn Thanh Long, Trần Công Thận, Trương Văn Rộng, Ngô Tấn Đước, bị giặc Pháp xử chém ngày 14-2-1871, nhằm ngày 25 tháng chạp năm Canh Ngọ. Lễ giỗ được tổ chức tại Lăng Tứ Kiệt, thị trấn Cai Lậy.

B.TÀI NGUYÊN- KHOÁNG SẢN:

-Vùng ven biển: hệ thống rừng trồng ngập mặn với diện tích 2.028ha. Thực vật rừng ngập mặn gồm 75 loài thuộc 35 họ. Khu vực ven biển được phù sa bồi đắp quanh năm, hiện quá trình bồi đắp đang hình thành các cồn ven biển: Cồn Vân Liễu; cồn Ông Mão; Cồn Ngang; Cồn Vượt. Thủy sản nước lợ: trữ lượng hàng năm ước tính tại các vùng cửa sông là 156.000 tấn. Tiềm năng hải sản dồi dào với trữ lượng hàng năm về sinh vật nổi lên đến 12.000 triệu tấn thực vật phiêu sinh, 5,96 triệu tấn động vật phiêu sinh, 4,7 triệu tấn sinh vật đáy và hơn 1 triệu tấn cá.

- Khoáng sản: Than bùn ở Phú Cường, Tân Hoà Tây - Cai Lậy (mỏ Tân Hòa) và tân Hòa Đông - Tân Phước (mỏ Tràm Sập). Mỏ sét Tân Lập, trữ lượng tương đương 6 triệu m3. Cát sông: Phân bố chủ yếu trên lòng sông Tiền Các mỏ cát được xác định, phân lớp tập trung tại địa bàn các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành . Tổng lượng mỏ thuộc địa bàn tỉnh hơn 93 triệu m3.

VI. ĐƠN VỊ HÀNH CHÁNH:

Tổng số huyện, thị xã: 10, gồm các huyện: Cái Bè; Cai Lậy; Châu Thành; Tân Phước; Chợ Gạo; Gò Công Tây; Gò Công Đông; Tân Phú Đông; Thành phố Mỹ Tho; Thị xã Gò Công.

VII. THÀNH TỰU KINH TẾ –Xà HỘI:

-Năm 2001: Diện tích lúa: 276,1 nghìn ha; Sản lượng lúa:1287,6 nghìn tấn; Diện tích mía: 0,4 nghìn ha; Sản lượng mía: 23,2 nghìn tấn; Đàn bò:15,7 nghìn con; Đàn trâu: 0,8 nghìn con; Số lượng gia cầm: 4977 nghìn con; Đàn heo: 437,6 nghìn con; Giá trị sản xuất nông nghiệp theo giá so sánh 1994: 4331,5 tỷ đồng. Diện tích rừng trồng tập trung: 0,8 nghìn ha. Giá trị sản xuất lâm nghiệp theo giá so sánh 1994: 99,7 tỷ đồng; Số trang trại: 225; Số hợp tác xã: 24; Diện tích mặt nước nuôi trồng thuỷ sản: 8,8 nghìn ha. Sản lượng thủy sản: 105.672 tấn. Sản lượng thủy sản khai thác: 68405 tấn; Sản lượng thủy sản nuôi trồng:37267 tấn. Giá trị sản xuất thủy sản theo giá so sánh 1994: 852,9 tỷ đồng. Số tàu đánh bắt hải sản xa bờ: 546. Giá trị sản xuất công nghiệp theo giá so sánh 1994:1211,6 tỷ đồng. Khối lượng hành khách vận chuyển của vận tải địa phương: 30,7 triệu lượt người. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá thực tế: 6487,0 tỷ đồng. Khối lượng hàng hóa vận chuyển của vận tải địa phương:3531,0 nghìn tấn. Số thuê bao điện thoại có đến 31/12 hàng năm: 48363.

-Năm 2002: Diện tích lúa: 265,0 nghìn ha; Sản lượng lúa: 1285,3 nghìn tấn. Sản lượng mía:17,9 nghìn tấn; Diện tích mía: 0,3 nghìn ha. Đàn trâu: 0,9 nghìn con; Đàn bò: 16,9 nghìn con; Số lượng gia cầm: 5756 nghìn con. Đàn heo: 464,6 nghìn con. Giá trị sản xuất nông nghiệp theo giá so sánh 1994: 4750,4 tỷ đồng. Diện tích rừng trồng tập trung:1,0 nghìn ha. Giá trị sản xuất lâm nghiệp theo giá so sánh 1994: 99,7 tỷ đồng. Số trang trại: 307; Số hợp tác xã: 92. Diện tích mặt nước nuôi trồng thuỷ sản: 9,6 nghìn ha; Sản lượng thủy sản:110.632 tấn; Sản lượng thủy sản khai thác: 70.139 tấn; Sản lượng thủy sản nuôi trồng: 40.493 tấn. Giá trị sản xuất thủy sản theo giá so sánh 1994: 926,6 tỷ đồng; Số tàu đánh bắt hải sản xa bờ: 527. Giá trị sản xuất công nghiệp theo giá so sánh 1994: 1371,0 tỷ đồng. Khối lượng hành khách vận chuyển của vận tải địa phương: 31,1 triệu lượt người. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá thực tế: 6259,0 tỷ đồng. Khối lượng hàng hóa vận chuyển của vận tải địa phương: 3821,0 nghìn tấn. Số thuê bao điện thoại có đến 31/12: 61008. Số trường phổ thông tại thời điểm 30/9: 382.

-Năm 2003: Diện tích lúa: 260,8 nghìn ha; Sản lượng lúa: 1268,0 nghìn tấn; Sản lượng mía:19,0 nghìn tấn; Diện tích mía: 0,3 nghìn ha. Đàn trâu: 0,8 nghìn con; Đàn bò: 22,6 nghìn con; Số lượng gia cầm: 5801 nghìn con. Đàn heo: 486,4 nghìn con. Giá trị sản xuất nông nghiệp theo giá so sánh 1994: 4864,0 tỷ đồng. Diện tích rừng trồng tập trung: 2,1 nghìn ha. Giá trị sản xuất lâm nghiệp theo giá so sánh 1994: 99,0 tỷ đồng. Số trang trại: 1079; Số hợp tác xã: 25. Sản lượng thủy sản:117.625 tấn; Diện tích mặt nước nuôi trồng thuỷ sản:10,8 nghìn ha; Sản lượng thủy sản khai thác: 71115 tấn; Sản lượng thủy sản nuôi trồng: 46510 tấn. Giá trị sản xuất thủy sản theo giá so sánh 1994:1078,1 tỷ đồng . Số tàu đánh bắt hải sản xa bờ: 535. Khối lượng hành khách vận chuyển của vận tải địa phương: 31,2 triệu lượt người. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá thực tế: 7400,7 tỷ đồng; Khối lượng hàng hóa vận chuyển của vận tải địa phương:3972,0 nghìn tấn; Số thuê bao điện thoại có đến 31/12 hàng năm: 80512; Số trường phổ thông tại thời điểm 30/9: 383.

-Năm 2004: Diện tích lúa: 259,4 nghìn ha; Sản lượng lúa: 1315,3 nghìn tấn; Sản lượng mía: 21,0 nghìn tấn; Diện tích mía: 0,4 nghìn ha. Đàn trâu: 0,6 nghìn con;Đàn bò: 30,9 nghìn con; Số lượng gia cầm: 4597 nghìn con; Đàn heo: 495,4 nghìn con. Giá trị sản xuất nông nghiệp theo giá so sánh 1994: 4968,5 tỷ đồng. Diện tích rừng trồng tập trung:1,3 nghìn ha. Giá trị sản xuất lâm nghiệp theo giá so sánh 1994: 99,3 tỷ đồng. Số trang trại:1360; Số hợp tác xã: 24. Sản lượng thủy sản: 125956 tấn; Diện tích mặt nước nuôi trồng thuỷ sản: 11,9 nghìn ha; Sản lượng thủy sản khai thác: 71235 tấn; Sản lượng thủy sản nuôi trồng: 54721 tấn; Giá trị sản xuất thủy sản theo giá so sánh 1994:1183,1 tỷ đồng ; Số tàu đánh bắt hải sản xa bờ: 566. Khối lượng hành khách vận chuyển của vận tải địa phương: 33,8 triệu lượt người. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá thực tế: 8267,1 tỷ đồng; Khối lượng hàng hóa vận chuyển của vận tải địa phương: 4418,0 nghìn tấn; Số thuê bao điện thoại có đến 31/12 hàng năm:102537; Số trường phổ thông tại thời điểm 30/9: 386.

-Năm 2005: Diện tích lúa: 251,9 nghìn ha; Sản lượng lúa:1303,2 nghìn tấn; Sản lượng mía: 23,6 nghìn tấn; Diện tích mía: 0,4 nghìn ha. Đàn heo: 517,8 nghìn con. Số lượng gia cầm: 4078 nghìn con; Đàn trâu: 0,6 nghìn con; Đàn bò: 40,8 nghìn con. Giá trị sản xuất nông nghiệp theo giá so sánh 1994: 5153,0 tỷ đồng; Giá trị sản xuất lâm nghiệp theo giá so sánh 1994: 99,0 tỷ đồng; Số trang trại:1989; Số hợp tác xã:19. Sản lượng thủy sản:136.041 tấn; Diện tích mặt nước nuôi trồng thuỷ sản: 12,1 nghìn ha; Sản lượng thủy sản khai thác:74946 tấn; Sản lượng thủy sản nuôi trồng: 61095 tấn; Giá trị sản xuất thủy sản theo giá so sánh 1994:1338,7 tỷ đồng; Số tàu đánh bắt hải sản xa bờ: 589. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá thực tế: 9302,1 tỷ đồng; Số thuê bao điện thoại có đến 31/12 hàng năm: 154432; Số trường phổ thông tại thời điểm 30/9: 383.

-Năm 2006:(*) Diện tích lúa: 247,7 nghìn ha; Sản lượng lúa:1214,3 nghìn tấn. Diện tích mía: 0,4 nghìn ha. Sản lượng mía: 22,1 nghìn tấn. Đàn bò: 63,5 nghìn con; Đàn trâu: 0,5 nghìn con; Đàn heo: 553,2 nghìn con; Số lượng gia cầm: 4807 nghìn con. Giá trị sản xuất nông nghiệp theo giá so sánh 1994: 5302,4 tỷ đồng; Diện tích rừng hiện có:11,8 nghìn ha. Giá trị sản xuất lâm nghiệp theo giá so sánh 1994: 101,4 tỷ đồng; Diện tích mặt nước nuôi trồng thuỷ sản: 12,7 nghìn ha; Sản lượng thủy sản:142710 tấn; Sản lượng thủy sản khai thác: 75155 tấn; Sản lượng thủy sản nuôi trồng: 67555 tấn; Giá trị sản xuất thủy sản theo giá so sánh 1994:1358,0 tỷ đồng; Số tàu đánh bắt hải sản xa bờ: 606. Giá trị sản xuất công nghiệp theo giá so sánh 1994: 2538,9 tỷ đồng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá thực tế :9880,5 tỷ đồng. Số hợp tác xã: 8; Số trang trại: 2213. Số thuê bao điện thoại có đến 31/12 hàng năm: 132544; Số trường phổ thông tại thời điểm 30/9 :385

-Năm 2007: Diện tích gieo trồng lúa 246.724 ha. Sản lượng lúa: 1.306.609 tấn. Diện tích gieo trồng cây lương thực có hạt: 250.965ha. Sản lượng lương thực: 1.320.078 tấn. Diện tích gieo trồng cây công nghiệp hàng năm: 874 ha; Diện tích nuôi trồng thuỷ sản:12.882 ha. Sản lượng thu hoạch: 153.134 tấn; Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ:11,847 tỷ đồng

VIII. CÁC KHU CÔNG NGHIỆP:

1. KHU CN TÂN HƯƠNG

KCN Tân Hương-xã Tân Hương-huyện Châu Thành: tổng diện tích 240 ha (trong đó 40 ha là Khu tái định cư). Đã hoàn thành giải tỏa bồi thường 200 ha với tổng vốn là 160 tỷ đồng và hoàn thành hạ tầng Khu tái định cư, hoàn thành thiết kế san nền giai đoạn I: 58,9 ha.

Ngành nghề kêu gọi đầu tư: Điện, điện tử, công nghệ thông tin: sản xuất thiết bị điện, điện tử, tin học, thông tin liên lạc, thiết bị văn phòng, vật liệu điện tử, dịch vụ tin học và phần mềm. Cơ khí: chế tạo thiết bị, phụ tùng cơ giới hóa nông nghiệp; thiết bị phụ tùng chế biến lương thực, nông sản; chế tạo máy động lực, thiết bị phụ tùng cho ngành xây dựng và công nghiệp vật liệu xây dựng; thiết bị phụ tùng khác. Sản xuất các hóa chất công nghiệp cơ bản; phân bón; hóa mỹ phẩm, dược phẩm, phức hợp dược, thuốc vi sinh. Công nghiệp hàng tiêu dùng: dệt may, sản xuất sợi, len, vải cao cấp, giày dép, bao bì, nhựa, đồ chơi; chế biến nông lâm sản; công nghiệp gốm sứ, thủy tinh, vật dụng gia đình và hàng thủ công mỹ nghệ.

2. KHU CÔNG NGHIỆP MỸ THO

Diện tích 79,14 ha, nằm trên địa bàn 02 xã Bình Đức thuộc huyện Châu Thành và Trung An thuộc TP Mỹ Tho, nằm giữa sông Tiền và đường tỉnh lộ 864.

Các lĩnh vực ưu đãi đầu tư: Chế biến các sản phẩm từ lương thực, trái cây, rau quả, gia súc, gia cầm, thủy sản, hải sản từ nguồn nguyên liệu địa phương và khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Sản xuất thuốc phòng bệnh, chữa bệnh cho gia súc, gia cầm, tôm, cá nuôi với hiệu quả cao, an toàn đối với người, vật nuôi và môi trường. Công nghiệp dệt, các sản phẩm may mặc, sản phẩm da, giả da, giày xuất khẩu. Cơ khí phục vụ nông nghiệp, cơ khí chính xác Sản xuất hoặc lắp ráp các thiết bị điện, điện tử, sản xuất phần mềm. Sản xuất dược phẩm, mỹ phẩm. Sản xuất hàng tiêu dùng, hàng gia dụng, bao bì các loại.

3.CỤM CÔNG NGHIỆP LONG HƯNG

Cụm công nghiệp Long Hưng: vị trí tại ấp Hưng Thạnh, xã Long Hưng, thị xã Gò Công. Nằm cách trung tâm thị xã Gò Công 2,5 km về hướng Quốc lộ 50. Diện tích 23 ha, kinh phí đầu tư 73 tỉ đồng. Hiện đang triển khai san lấp mặt bằng của giai đoạn 1 (09 ha).

Các lĩnh vực khuyến khích đầu tư: Sản xuất sợi, len, vải cao cấp, may xuất khẩu. Sản xuất giày, dép xuất khẩu. Công nghiệp giấy (sản xuất từ bột giấy): giấy in, giấy bao bì. Chế biến nông sản, thực phẩm: đường, sữa, bánh kẹo, dầu ăn, đồ hộp, rau quả. Công nghiệp nhựa (sản xuất từ hạt nhựa): phụ tùng, chi tiết, đồ gia dụng và các sản phẩm từ nhựa cho ngành công nghiệp khác. Công nghiệp gốm sứ - thủy tinh cao cấp, sứ cách điện, pha lê. Chế tạo thiết bị, phụ tùng phục vụ nông nghiệp, chế biến lương thực, thực phẩm, phục vụ đánh bắt, chế biến thủy hải sản. Chế tạo máy động lực, phụ tùng máy động lực. Chế tạo thiết bị, phụ tùng cho các ngành: xây dựng giao thông vận tải và các ngành khác. Điện, điện tử, công nghệ thông tin: Sản xuất thiết bị điện tử công nghiệp, y tế, đo lường, điều khiển tự động và thiết bị chuyên dùng khác. Sản xuất linh kiện, phụ kiện, vật liệu điện tử. Sản xuất thiết bị thông tin liên lạc, thiết bị văn phòng, thiết bị tin học và sản phẩm điện tử dân dụng. Sản xuất hóa mỹ phẩm, dược phẩm, thuốc vi sinh.

4. CỤM CÔNG NGHIỆP TIỂU THỦ CÔNG NGHIỆP TÂN MỸ CHÁNH TP MỸ THO

Vị trí tại xã Tân Mỹ Chánh, Thành phố Mỹ Tho. Diện tích: 23,57 ha. Hiện tại đã hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng điện nước.

Các ngành nghề ưu tiên đầu tư: Sản xuất hàng gia dụng; Các ngành sử dụng công nghệ mới; Các sản phẩm xuất khẩu đđược chế biến từ nguyên liệu có sẵn trong khu vực; Sản xuất gia công đồ gỗ, nhựa; Sản xuất lắp ráp các thiết bị đđiện, đđiện tử, cơ khí

IX. DANH MỤC DỰ ÁN MỜI GỌI ĐẦU TƯ GIAI ĐOẠN 2006-2020

A Giai đoạn 2006-2010:

-Dự án xây dựng nhà máy chế biến súc sản XK ở KCN Mỹ Tho. Dự án xây dựng nhà máy sản xuất than hoạt tính, ở CCN Tân Thuận Bình - huyện Chợ Gạo; Dự án xây dựng nhà máy chế biến rau quả tươi XK ở KCN Tân Hương; Dự án xây dựng nhà máy sản xuất các sản phẩm nhựa gia dụng ở KCN Tân Hương; Dự án xây dựng nhà máy chế biến cá, mực khô ở TP. Mỹ Tho và huyện Gò Công Đông; Dự án xây dựng nhà máy chiên, sấy chân không các loại củ, quả ở KCN Tân Hương; Dự án xây dựng nhà máy chế biến sữa dừa ở CCN Tân Thuận Bình- huyện Chợ Gạo; Xây dựng mới 2 nhà máy chế biến thủy sản ở các huyện, thành phố, thị xã; Dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp: KCN Tân Hương ở huyện Châu Thành; CCN Long Hưng ở TX Gò Công; CCN Vàm Láng ở huyện Gò Công Đông; CCN DV nghề cá Tân Mỹ Chánh ở TP.Mỹ Tho; CCN Bình Đông, ở huyện Gò Công Đông; CCN Tân Lập ở huyện Tân Phước; CCN Tam Hiệp,ở huyện Châu Thành; CCN Tân Thuận Bình ở huyện Chợ Gạo.

B. Dự án giai đoạn 2011 - 2015:

-Xây dựng mới 2 nhà máy chế biến thủy sản ở các huyện, thành phố, thị xã; Dự án XD XN May Tân Phước ở CCN Phú Mỹ; Dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp: KCN Tân Lập 1 và Tân lập 2 ở huyện Tân Phước; CCN Hòa Khánh, ở xã Hòa Khánh- huyện Cái Bè; CCN Tân Bình ở xã Tân Bình- huyện Cai Lậy; CCN Vàm Giồng ở xã Vĩnh Hựu - huyện Gò Công Tây; CCN Phú Mỹ ở xã Phú Mỹ - huyện Tân Phước; CCN Long Hưng ở xã Long Hưng, huyện Châu Thành; CCN TT.Vĩnh Bình ở TT.Vĩnh Bình- huyện Gò Công Tây; CCN Tân Long ở xã Bình Tân và xã Long Bình, huyện Gò Công Tây; CCN Tân Hội ở xã Tân Hội, huyện Cai Lậy; CCN Tân Lý Đông ở xã Tân Lý Đông, huyện Châu Thành; CCN Long Chánh, ở xã Long Chánh,TX.Gò Công; CCN Mỹ Thuận ở xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè.

C. Giai đoạn 2016 - 2020:

-Xây dựng mới 2 nhà máy chế biến thủy sản ở các huyện, thành phố, thị xã; Dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp: CCN Mỹ Phong, ở xã Mỹ Phong, TP.Mỹ Tho; CCN Tân Hòa Tây ở xã Tân Hòa Tây, huyện Tân Phước; CCN Đồng Sơn ở xã Đồng Sơn,huyện Gò Công Tây; CCN Tân Tây, ở xã Tân Tây, huyện Gò Công Đông; CCN Phú Cường ở xã Phú Cường, huyện Cai Lậy; Dự án mở rộng nâng cấp nhà máy nước khu vực Gò Công ở Mỹ Tho và các huyện phía Đông (thực hiện trong giai đoạn 2006-2010).

-Xây dựng 4 trạm xử lý và cải tạo mạng lưới thoát nước bẩn TP.Mỹ Tho; Cải tạo và xây dựng hệ thống cống thoát nước đường nội ô TX.Gò Công. Xây dựng mới nhà máy xử lý rác Mỹ Tho ở Tân Lập, huyện Tân Phước; Xây dựng mới bãi xử lý rác Long Chánh ở TX. Gò Công; Xây dựng mới nhà máy xử lý rác thị trấn Cái Bè ở huyện huyện Cái Bè; Dự án khu dân cư 2 bên đường Hùng Vương (nối dài), ở xã Đạo Thạnh - TP Mỹ Tho. Dự án khu dân cư 2 bên đường Nguyễn Trãi (nối dài), ở phường 4,5 - xã Trung An- TP Mỹ Tho. Dự án khu dân cư kênh Xáng Cụt phường 6 - TP Mỹ Tho; Dự án khu dân cư khu phố 12, phường 6- TP Mỹ Tho; Dự án khu dân cư nam Nguyễn Huệ ở TX.Gò Công; Dự án khu dân cư khu phố 1 ở huyện Cai Lậy.

(*) Số liệu sơ bộ

Nguồn: Trang thông tin điện tử tỉnh Tiền Giang; website Tổng cụcThống kê.

Chia sẻ bài viết